Cử tri phản ánh về tình trạng xin rút BHXH một lần đang gia tăng

19/01/2022 08:43 PM


Đây là thông tin được Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đưa ra tại Phiên họp thứ 7 của Ủy ban TVQH xem xét, cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, cử tri hoan nghênh và đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban TVQH đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, hỗ trợ Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã tạo thêm nhiều gánh nặng cho DN và cả NLĐ, nhất là chưa có sự nhất quán trong việc chi trả chi phí xét nghiệm cho NLĐ dẫn đến tình trạng công nhân phải xét nghiệm Covid-19 nhiều lần và đều bị trừ phí xét nghiệm vào lương. Tại một số địa phương còn có sự vướng mắc khi thanh toán chế độ BHXH cho NLĐ bị nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà do thiếu “giấy nghỉ ốm”. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Y tế có giải pháp giải quyết việc chi trả chi phí xét nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà được thanh toán chế độ BHXH. “Đặc biệt, cử tri phản ánh về tình trạng xin rút BHXH một lần đang có biểu hiện gia tăng. Mặc dù đây là quyền của NLĐ nhưng việc có quá nhiều trường hợp rút BHXH một lần cũng ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài của NLĐ cũng như ảnh hưởng đến tình hình kinh tế- xã hội và mục tiêu, nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong công tác đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân. Vì vậy, cần có giải pháp tuyên truyền cho NLĐ hiểu được lợi ích lâu dài khi tham gia BHXH để hạn chế tình trạng này”- Trưởng ban Dương Thanh Bình nhấn mạnh.

Cùng với đó, Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 126/NQ-CP về chính sách hỗ trợ tiền ăn và hỗ trợ bổ sung đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2021. Do vậy, Chính phủ cần quy định gia hạn thời gian và có giải pháp hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP đồng thời xem xét, bổ sung đối tượng là NLĐ, người đang điều trị Covid-19 và cách ly y tế tại nhà nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Cử tri cũng phản phản ánh, số lượng ca mắc mới tăng nhanh khiến công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở KCB còn thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực có trình độ cao nên bệnh nhân dễ có khả năng chuyển sang mức độ nặng và nguy kịch nếu không được chăm sóc kịp thời. Điều kiện, cơ sở vật chất trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở cách ly cũng hạn chế, thiếu thốn nhiều. Cử tri đề nghị quan tâm hơn nữa đến cơ chế chính sách cho cán bộ y, bác sĩ, NLĐ trong ngành y tế trực tiếp làm công tác chống dịch, bên cạnh giải pháp lâu dài để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, trước mắt cần có biện pháp cấp bách để hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế cho công tác chống dịch cấp thiết tại cơ sở và các địa phương hiện nay…

Hiện nay, Tết Nguyên đán cận kề, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh có giải pháp để hỗ trợ công nhân, NLĐ, người có thu nhập thấp về quê đón Tết an toàn. Cùng với đó, Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, nhất là giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách liên quan đến phục hồi và phát triển kinh tế; chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, bệnh Covid-19; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; giám sát phòng, chống tham nhũng; tăng thời lượng chất vấn của ĐBQH với các thành viên Chính phủ.

Tạp chí BHXH