Nhiều SV năm cuối không tham gia BHYT: Coi chừng mất quyền lợi 5 năm liên tục

18/03/2022 07:11 AM


Thời gian qua, có rất nhiều sinh viên (SV) năm cuối tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM không tham gia tiếp BHYT, vì nhiều lý do như: Bận ôn thi tốt nghiệp, tính chuyện tìm việc, hoặc thờ ơ không quan tâm… Điều này khiến nhiều em có nguy cơ đánh mất quyền lợi tham gia BHYT 5 năm liên tục.

Sau khi ăn Tết ở quê, Trần Văn An- SV năm cuối Khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Văn Lang) trở lại TP.HCM, cũng là thời điểm thẻ BHYT của em hết hạn sử dụng. Do là năm học cuối, đã hoàn thành hầu hết các môn và chỉ còn chờ tốt nghiệp, nên An không quan tâm đến việc tham gia tiếp BHYT. Mới đây, trên đường từ trường về phòng trọ, An bị tai nạn giao thông và được bạn bè đưa vào cấp cứu tại BV Quân y 175. Do thẻ BHYT hết hạn, nên gia đình An phải chi trả chi phí điều trị gần 50 triệu đồng.

Vì vậy, ngay sau khi xuất viện, An vội đến Phòng Y tế của trường hỏi về thủ tục gia hạn thẻ BHYT của mình. Do là SV năm cuối, nên cán bộ Phòng Y tế đã liên hệ với BHXH TP.HCM nhờ tư vấn. Rất may, trường hợp của An có thể tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình, đáng chú ý do thời gian gián đoạn tối đa không quá 3 tháng- còn trong “thời điểm vàng”, nên nếu tham gia tiếp, An sẽ không bị mất quyền lợi 5 năm liên tục. Nghe vậy, An và người nhà mới thở phào nhẹ nhõm.

Nguyễn Hoài Thương (quê Thanh Hóa) cũng là SV năm cuối của Khoa Dược (Đại học Nguyễn Tất Thành). Hầu hết các môn học đã kết thúc, chỉ còn một số thủ tục tốt nghiệp là xong, nên Thương cứ phân vân mãi về việc tham gia tiếp BHYT ở trường hay chờ đi làm rồi tham gia? Sau khi biết được quyền lợi tham gia BHYT 5 năm liên tục, sợ quá trình tham gia bị gián đoạn làm ảnh hưởng quyền lợi, nên Thương quyết định tham gia tiếp.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều SV năm cuối đang phân vân về quá trình tham gia BHYT của mình. Trên địa bàn TP.HCM có hàng trăm trường đại học, cao đẳng, với số lượng SV năm cuối rất nhiều. Do đó, vấn đề tham gia BHYT rất cần được lưu tâm, nhất là thời điểm hết 3 tháng gián đoạn tham gia BHYT của nhiều SV đã cận kề.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh- Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH TP.HCM) cho biết, thời gian qua có khá nhiều SV hỏi về vấn đề tham gia, gia hạn thẻ BHYT của SV năm cuối. Ngoài việc tư vấn, hướng dẫn cặn kẽ cho từng trường hợp, cơ quan BHXH còn phối hợp với các trường tuyên truyền để các em nắm rõ quy định. “Chúng tôi lưu ý các bậc phụ huynh, các trường và đặc biệt là các em SV năm cuối cần lưu ý tham gia kịp thời để không ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng BHYT 5 năm liên tục”- bà Hạnh lưu ý.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP nêu rõ: “Thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên đối với đối tượng phải cùng chi trả chi phí KCB. Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng”. Như vậy, ngay khi kết thúc năm tài chính 2021, các em cần lập tức tham gia tiếp và lưu ý nên tham gia trong giai đoạn 3 tháng tiếp theo. Đây là thời điểm rất quan trọng, có thể coi là “thời điểm vàng”, vì nếu để bị gián đoạn quá 3 tháng, các em sẽ rất thiệt thòi khi không được hưởng quyền lợi thẻ BHYT 5 năm liên tục.

Tham gia BHYT HSSV là quy định bắt buộc. Chính vì vậy, hầu hết HSSV đều được tham gia BHYT ngay từ khi còn học tiểu học trở lên. Tuy nhiên, nếu không lưu ý vào thời điểm “nhạy cảm” (thời điểm chuẩn bị tốt nghiệp), mà vô tình bỏ qua việc tham gia BHYT, thì nhiều người sẽ rất thiệt thòi sau này.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, căn cứ Điểm b, Khoản 7, Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, thẻ BHYT được cấp hàng năm cho HSSV của cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, trong đó thẻ BHYT của HSSV năm cuối có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học. Bên cạnh đó, theo Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định này; người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định này và đối tượng đã tham gia BHYT theo quy định tại khoản 1 Điều này. Như vậy, những SV năm cuối thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và có thể tham gia BHYT hộ gia đình.

Theo Luật sư Nguyễn Giang Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM), Khoản 15, Điều 1 Luật BHYT 2014 quy định về mức hưởng BHYT như sau: “Người tham gia BHYT khi đi KCB theo quy định tại các Điều 26, 27 và 28 của Luật này, thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau: 100% chi phí KCB khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến”.

Tạp chí BHXH