Xây dựng dữ liệu từng nhóm để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT
21/08/2023 08:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Xác định được những khó khăn, thách thức trong việc phát triển, phát triển bền vững người tham gia BHXH, BHYT, để hoàn thành kế hoạch giao, Lạng Sơn sẽ xây dựng nguồn dữ liệu từng nhóm đối tượng tiềm năng; xây dựng kịch bản cụ thể để tuyên truyền, vận động.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền
Với sự nỗ lực, cố gắng của mỗi cán bộ BHXH, cũng như chung tay vào cuộc trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, công tác mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, cơ quan BHXH đã tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ công tác thu, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nhận danh sách DN tăng mới (chỉ trong tháng 7/2023, tỉnh Lạng Sơn đã có 15 đơn vị nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHXH mới với 52 lao động (đến nay có 95 đơn vị đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp mới với 461 lao động tham gia). Thông qua rà soát dữ liệu từ dữ liệu quyết toán thuế thu nhập cá nhân do Cục Thuế tỉnh cung cấp từ 51 đơn vị với 771 lao động cho thấy, có 733/771 lao động đang tham gia BHXH bắt buộc; 38/771 lao động chưa tham gia. Tuy nhiên, qua đối chiếu, xác minh số lao động chưa tham gia hiện nay đã nghỉ việc tại các đơn vị và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (hợp đồng khoán việc...).
Từ thực tế vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, chị Hoàng Kim Oanh- cán bộ thu tự nguyện (BHXH huyện Văn Quan) chia sẻ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên khi tiếp cận để tư vấn tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thực sự rất khó khăn. Trước khó khăn, thách thức đó, cán bộ BHXH đã rất trăn trở để làm sao tìm được giải pháp, cách thức tuyên truyền phù hợp sao cho phù hợp với từng địa bàn. Cụ thể, chị đã chủ động phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu tuyên truyền theo cụm; tập trung rà soát đối tượng, phân tích, khoanh vùng để thực hiện tuyên truyền hiệu quả hơn. Thậm chí chị và các cán bộ trong đơn vị thường xuyên dành những ngày nghỉ cuối tuần để đi thôn bản, đến với bà con để tuyên truyền… Với những nỗ lực đó, trong 7 tháng đầu năm 2023, BHXH huyện Văn Quan đã phát triển được trên 800 người tham gia BHXH tự nguyện, gần 4.700 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Là cộng tác viên thu gần 5 năm của Tổ chức dịch vụ thu Bưu điện huyện Bình Gia, chị Hoàng Thị Doan cho biết, bản thân chị quản lý khoảng 1.000 người tham gia, trong đó có 400 người đóng BHXH tự nguyện đóng hằng tháng. Đối với công tác phát triển người tham gia, chị thường xuyên phối hợp với các thôn, khối phố trong tuyên truyền, vận động người dân về lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình bằng cách phân loại, nắm chắc các đối tượng để có cách tuyên truyền phù hợp. Bên cạnh đó, trong tuyên truyền vận động chị thường xuyên chủ động xuống thăm các hộ gia đình, qua các cuộc trò chuyện với người dân về chính sách BHXH, BHYT chị thường lấy các ví dụ thực tế, nhất là từ những hộ đã được chi trả trực tiếp chi phí KCB BHYT, những người hiện đang hưởng lương hưu để người dân hiểu được chế độ chính sách, từ đó tự giác, tự nguyện tham gia. Từ đầu năm đến nay cùng với thu tái tục thì riêng cá nhân chị phát triển mới gần 60 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, trong đó BHXH tự nguyện là 30 người.
Nhờ các nỗ lực, đến hết tháng 7/2023, toàn tỉnh Lạng Sơn có 66.565 người tham gia BHXH (chưa bao gồm số lao động có hộ khẩu tại tỉnh đi lao động ở tỉnh khác), bằng 20,14% lực lượng lao động trong độ tuổi (330.498 người), trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện là 12.910 người, chiếm 3,91% lực lượng lao động trong độ tuổi- vượt 1,41% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 trong Nghị quyết số 28-NQ/TW (2,5%). Nếu tính thêm trên 45.147 lao động Lạng Sơn làm việc ở tỉnh khác thì tỷ lệ NLĐ tham gia BHXH bằng 33,8% lực lượng lao động trong độ tuổi. Cùng với đó, toàn tỉnh có 693.415 người tham gia BHYT (chưa bao gồm số người có hộ khẩu tại tỉnh đang tham gia BHYT tại các tỉnh khác), tỷ lệ bao phủ đạt 86,45% dân số trên địa bàn tỉnh (802.090 người). Nếu tính thêm 47.748 người dân Lạng Sơn tham gia BHYT ở tỉnh khác, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,4% dân số của tỉnh.
Xác định đối tượng tiềm năng tuyên truyền, vận động
Tuy nhiên, số người tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện giảm (so với tháng 6/2023 thì số người tham gia BHXH bắt buộc giảm 96 người, BHXH tự nguyện giảm 43 người và BH thất nghiệp giảm 60 người; nếu so với tháng 12/2022 BHXH bắt buộc giảm 142 người, BHXH tự nguyện giảm 434 người, BH thất nghiệp giảm 40 người). Do đó, để hoàn thành kế hoạch tỉnh giao, Lạng Sơn còn còn thiếu 24,86% người tham gia BHXH (82.027 người) so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 trong Nghị quyết số 28-NQ/TW (45%), còn thiếu 19,86% người tham gia BHXH tự nguyện (65.635 người) so chỉ tiêu xã hội trong Nghị quyết năm 2023 của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Lạng Sơn (40%). Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh có còn thiếu 7,6% (60.958 người) so với chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, chỉ tiêu xã hội trong Nghị quyết năm 2023 của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Lạng Sơn (94,05%).
Lý giải số người tham gia BHXH giảm, BHXH tỉnh Lạng Sơn khẳng định, đặc thù DN của tỉnh chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động kinh doanh dịch vụ là chủ yếu, không phải các đơn vị sản xuất, không có các KCN lớn đã ảnh hưởng đến công tác khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân không có việc làm ổn định, thu nhập giảm, bấp bênh nên số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện mới không đủ bù đắp số người dừng tham gia dẫn đến tăng trưởng âm so với năm 2022. Điều này do Lạng Sơn là tỉnh vùng cao, biên giới, cơ cấu thành phần kinh tế nông lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Mặt khác, do tác động của dịch bệnh Covid-19 kéo dài và chính sách quản lý chặt vùng biên của phía Trung Quốc dẫn tới nhiều người dân không có việc làm, thu nhập giảm nên không có điều kiện để tham gia hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu từ ngày 1/1/2022 tăng hơn 2 lần nên nhiều người đang tham gia BHXH tự nguyện gặp khó khăn về kinh tế nên chưa có điều kiện tiếp tục tham gia. Đáng chú ý, từ 1/7/2023 mức lương cơ sở điều chỉnh tăng lên 1.800.000 đồng, đồng thời mức tiền tham gia BHYT hộ gia đình cũng tăng theo gây thêm khó khăn đối với người tham gia BHYT hộ gia đình.
Chính vì vậy, để hoàn thành kế hoạch, từ nay đến hết năm, BHXH tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện tập trung triển khai, thực hiện Kế hoạch số 79/KH-BHXH ngày 03/4/2023về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và phát triển bền vững số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tiếp tục phối hợp với UBND các xã, phường trên địa bàn TP.Lạng Sơn rà soát số người chưa tham gia, tổ chức Hội nghị khách hàng, phát triển người tham gia, rà soát, xác minh tình trạng doanh nghiệp nợ đọng trên địa bàn; phối hợp với Tổ chức dịch vụ thu tổ chức hội nghị khách hàng để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình...
Kết luận tại Hội nghị BCĐ Thực hiện chính sách BHXH, BHYT, ông Dương Xuân Huyên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng BCĐ cũng khẳng định, một trong số nguyên nhân dẫn đến chưa đạt các chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT là do cấp ủy, chính quyền và người dân chưa nhận thức đầy đủ về chính sách, lợi ích; chưa quan tâm đúng mức đến công tác vận động; điều kiện kinh tế khó khăn, nhất là ảnh hưởng của việc thực hiện chế độ các xã khu vực III, II, I, các xã NTM... Do đó, Lạng Sơn sẽ triển khai xây dựng nguồn dữ liệu từng nhóm đối tượng tiềm năng; xây dựng kịch bản cụ thể để có kế hoạch tuyên truyền, vận động; tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp...
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số