Phần lớn người có công với cách mạng đã được thụ hưởng chính sách

20/11/2023 10:30 PM


Kiến nghị hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi đã được đưa vào Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi); số hồ sơ NCC tồn đọng đã được rà soát và còn rất ít hồ sơ chưa giải quyết do không còn giấy tờ…

Tại phiên thảo luận ở Hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ 4 nội dung được ĐBQH nêu. Theo đó, về việc xem xét giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cho NCT, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện, độ tuổi hưởng bảo trợ xã hội là 80 tuổi, được quy định tại Luật Người cao tuổi. Sau khi cử tri, đại biểu nêu ý kiến, Bộ đã ghi nhận nhưng do đây là vấn đề được luật quy định nên cần phải thận trọng thực hiện. Trong lúc chưa sửa Luật Người cao tuổi, Bộ đã chủ động báo cáo với Ủy ban TVQH, Chính phủ chuyển nội dung này sang Luật BHXH (sửa đổi) để hạ từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và đưa vào tầng BH hưu trí xã hội. Hiện, Dự luật này đang được Quốc hội bàn thảo và Bộ đã hoàn thành lời hứa.

Về tồn đọng hồ sơ NCC, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu, từ năm 2018, Ủy ban TVQH đã có Nghị quyết về vấn đề này và Chính phủ có 3 Nghị quyết chuyên đề, giao cho Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH ban hành quyết định cá biệt để tập trung giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng. Qua 7 năm, Bộ đã rà soát hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng qua tất cả các thời kì ở các địa phương, Bộ, ngành. Từ số lượng hồ sơ tồn đọng trên, đã xác nhận hơn 2.600 trường hợp liệt sĩ, chủ yếu trong kháng chiến chống Pháp. Người hi sinh lâu năm nhất là 103 năm đã được xác nhận liệt sĩ. Bên cạnh đó, cũng xác định hơn 2.500 hồ sơ là thương binh và người hưởng chính sách thương binh.

Tuy vậy, hiện vẫn còn tồn đọng một số hồ sơ NCC chưa được giải quyết, nhưng đó là những trường hợp có tính chất cá biệt như hồ sơ, người làm chứng không còn. Bộ LĐ-TB và XH cùng các ngành thành lập hội đồng để xem xét từng trường hợp. Đơn cử, trường hợp liệt sĩ Đặng Thành Tuấn (Bình Định) không còn hồ sơ, Bộ LĐ-TB và XH cùng với các cơ quan của tỉnh Bình Định tiến hành rà soát lại gần 1 năm mới có thể xác nhận là liệt sĩ. “Những trường hợp này, Bộ sẽ phối hợp với địa phương, công an, quân đội và các ngành với phương châm còn một manh mối nào thì vẫn xác nhận. Tuy nhiên, việc xác nhận này vô cùng khó khăn bởi hồ sơ, người làm chứng không còn”- ông Dung cho biết.

Tạp chí BHXH