Đổi mới công tác đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT

01/12/2023 10:50 PM


Ngày 1/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đổi mới công tác đăng ký khám bệnh, chữa bệnh (KCB) ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT trong Dự án Luật BHYT (sửa đổi). Hội nghị nhằm chia sẻ các giải pháp để đổi mới việc đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT khoa học, thuận tiện, hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng KCB, nâng cao hình ảnh, uy tín của ngành Y tế, đáp ứng mong mỏi và sự hài lòng của người bệnh cũng như kỳ vọng của xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Trang- Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, đến nay cả nước đã có gần 91 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 92% dân số; số lượt KCB BHYT cũng gia tăng, trong đó năm 2022 có tới 150,5 triệu lượt; quyền lợi của người tham gia BHYT cũng ngày càng được mở rộng và mỗi năm quỹ BHYT chi hơn 110 nghìn tỷ đồng cho KCB. Nguồn kinh phí do quỹ BHYT chi trả đang chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu của BV; chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao... “Để đạt được kết quả như vậy, một trong những yếu tố quan trọng, đó là việc tổ chức đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT”- bà Trang nhấn mạnh.

Hội nghị Đổi mới công tác đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT trong Dự án Luật BHYT (sửa đổi)

Cũng theo bà Trần Thị Trang, cơ sở KCB BHYT ban đầu là nơi người tham gia BHYT đăng ký để quản lý thông tin. Đây cũng là nơi đầu tiên người bệnh đến KCB BHYT và là cơ sở để xác định người tham gia BHYT được KCB BHYT, chuyển cơ sở KCB BHYT đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật và xác định phạm vi quyền lợi BHYT của người bệnh, nên có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo quy định của Luật KCB, căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, hệ thống cơ sở KCB được phân thành 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật, nhằm xác định quy mô, phạm vi hoạt động chuyên môn, năng lực thực hiện kỹ thuật, từ đó phân luồng bệnh nhân phù hợp với tình trạng bệnh tật, bảo đảm cân đối năng lực tiếp nhận và chất lượng chăm sóc, điều trị của cơ sở KCB, tránh quá tải hệ thống.

Căn cứ năng lực chuyên môn, khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng bệnh tật, người bệnh đến khám và điều trị tại cơ sở phù hợp. Trường hợp tình trạng bệnh tật vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới, cơ sở thực hiện chuyển người bệnh lên tuyến trên phù hợp. Trường hợp người bệnh điều trị ở tuyến trên đã ổn định nhưng cần tiếp tục theo dõi, căn cứ tình trạng bệnh tật (đã ổn định…) và điều kiện thực tế (ví dụ cơ sở tuyến trên quá tải…), cơ sở có thể chuyển người bệnh về tuyến dưới để tiếp tục điều trị, chăm sóc. Cơ sở cấp cho người bệnh giấy chuyển tuyến theo mẫu quy định.

Giấy chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc cung cấp các thông tin cơ bản như: Cơ sở đã điều trị, cơ sở người bệnh được chuyển đến, lý do chuyển tuyến, tình trạng bệnh, lịch sử điều trị, tóm tắt bệnh án..., giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời, tổng quát về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng trao đổi thông tin giữa các cơ sở KCB... Đồng thời, cung cấp thông tin thể hiện quyền lợi, mức hưởng của người tham gia BHYT tùy thuộc vào lý do chuyển tuyến để phục vụ việc thanh toán chi phí KCB BHYT.

“Với ý nghĩa quan trọng về mặt chuyên môn và là căn cứ xác định phạm vi quyền lợi BHYT của người bệnh, nên việc đăng ký KCB BHYT ban đầu, quy định phân tuyến chuyên môn, chuyển tuyến và giấy chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo đảm ổn định, cân đối và bền vững hệ thống KCB và công tác KCB”- bà Trang cho biết thêm.

Tuy nhiên, cũng theo bà Trần Thị Trang, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập như: Quy định đăng ký KCB ban đầu còn nặng về hành chính, chưa thuận lợi khi người bệnh đi KCB tại cơ sở KCB khác ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn gây phiên hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực "xin cho", giữ bệnh nhân lại gây bức xúc.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2016, việc thông tuyến KCB giữa trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa và BV tuyến huyện và từ 1/1/2021 việc thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với KCB nội trú cũng tạo ra nhiều vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây ra tình trạng quá tải trở lại ở tuyến trên và giảm tỷ lệ KCB tại y tế cơ sở. Hiện, toàn quốc có gần 10 nghìn trạm y tế xã có KCB ban đầu, nhưng năm 2022 giảm chỉ còn 14% lượt KCB BHYT; đồng thời tăng số lượt KCB nội trú trái tuyến tại tuyến tỉnh.

“Những vướng mắc, bất cập trên đặt ra những câu hỏi về việc có giữ tuyến hay không cần giữ tuyến, bỏ giấy chuyển tuyến hay tiếp tục giữ giấy chuyển tuyến, có nên thông cả lên tuyến Trung ương hay không?… Với điều kiện hiện nay, có thể khẳng định, không thể thông tuyến đến tuyến Trung ương và bỏ quy định về chuyển tuyến, vì sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến Trung ương và gây xáo trộn cho cả hệ thống KCB, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối quỹ BHYT.

Các cơ sở tuyến Trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo, nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu. Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh”- bà Trang chia sẻ.

Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho tuyến dưới. Các cơ sở KCB tuyến dưới có đủ năng lực và được đầu tư có thể triển khai kỹ thuật và sử dụng thuốc của tuyến trên. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép sớm tính đủ giá dịch vụ y tế, có cơ chế tài chính đột phá và thu hút nhân lực chất lượng cho y tế cơ sở; áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng; lập hồ sơ quản lý sức khoẻ người dân và mở rộng mô hình bác sĩ gia đình với cơ chế chuyển tuyến thuận tiện (bác sĩ gia đình có thể chuyển người bệnh lên tuyến Trung ương phù hợp với tình trạng bệnh); mở rộng danh mục và thời gian cấp phát thuốc BHYT cho tuyến xã cho một số bệnh mãn tính, một số thuốc mới, chi phí lớn...

Mặt khác, Bộ Y tế đang tích cực xây dựng Dự án Luật BHYT (sửa đổi) để Chính phủ trình Quốc hội dự kiến vào tháng 5/2024. Đây là dịp thuận lợi để sửa đổi, bổ sung, đổi mới các các quy định về đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác KCB cũng như kỳ vọng của người dân. Bên cạnh đó, Luật KCB năm 2023 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024) quy định về 3 cấp chuyên môn (thay thế 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật hiện hành), đòi hỏi nội dung trong Dự án Luật BHYT (sửa đổi) phải điều chỉnh cho phù hợp với Luật KCB.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi một số nội dung quan trọng khác như: Một số nội dung mới quy định về đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT trong Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi); thực trạng công tác đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT theo quy định của pháp luật BHYT; một số giải pháp tin học hóa trong công tác chuyển tuyến KCB BHYT…

Tạp chí BHXH