Thanh toán thuốc, VTYT trực tiếp cho người bệnh: Đừng biến cá biệt thành phổ biến

22/12/2023 03:50 PM


Dự thảo Thông tư của Bộ Y tế đề xuất Quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh đang được lấy ý kiến rộng rãi và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Vấn đề được đặt ra là việc mở rộng điều kiện thanh toán trực tiếp cho người bệnh có làm giảm trách nhiệm của cơ sở y tế với người bệnh?

Thiếu thuốc, VTYT: Cá biệt hay phổ biến?

Trước hết, cần phải nhìn nhận rõ, tình trạng thiếu thuốc và VTYT có phải là vấn đề phổ biến? Năm 2022, tình trạng thiếu thuốc, VTYT xuất hiện khá trầm trọng tại nhiều địa phương trên cả nước. Báo cáo giải trình của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ, từ năm 2019 trở về trước (chưa có dịch) cơ bản không xảy ra thiếu thuốc, chỉ có tình trạng thiếu cục bộ ở một số địa phương, một số cơ sở KCB, một số thuốc, vật tư y tế tại 1 số thời điểm, nhưng việc điều phối, điều hòa giữa các cơ sở KCB vẫn đảm bảo thuốc, vật tư y tế cho người KCB BHYT kịp thời.

Tình trạng thiếu thuốc, VTYT diễn ra trên diện rộng trong năm 2022 được xác định do một số nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Về nguyên nhân khách quan là do lạm phát, vật tư giá cả tăng cao, nhất là nguyên liệu sản xuất thuốc, chi phí vận tải; do xung đột Nga- Ucraina; dịch bệnh nên một số nhà sản xuất ngừng sản xuất, cung cấp, đứt gãy chuỗi cung ứng; có nhà sản xuất bỏ cả bảo lãnh hợp đồng, ngừng sản xuất.

Nguyên nhân chủ quan được xác định là từ sự chậm trễ của hoạt động đấu thầu. Cụ thể như đến giữa năm 2022 gói thầu cung cấp thuốc cho năm 2022 theo hình thức đấu thầu quốc gia (trên 100 loại thuốc quan trọng) vẫn chưa hoàn thành do tập trung cho công tác phòng, chống dịch nên đấu thầu chậm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với hoạt động đàm phán giá thuốc (cho biệt dược gốc) năm 2022 cho một số bệnh đặc thù (như ung thư, tim mạch, kháng sinh). Đồng thời, tình trạng gia hạn số đăng ký cho thuốc rất chậm dẫn đến nhà sản xuất nhập khẩu thuốc chậm.

Ngay hoạt động đấu thầu tập trung cấp địa phương cũng bộc lộ nhiều khó khăn. Theo quy định, Bộ Y tế đã ban hành danh mục 129 thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương và chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo việc đấu thầu cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tùy tình hình thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương rộng hơn danh mục do Bộ Y tế ban hành căn cứ tham mưu của Sở Y tế để đáp ứng yêu cầu điều trị. Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương lại có xu hướng không đấu thầu toàn bộ các mặt hàng, chỉ đấu thầu 129 mặt hàng theo quy định (danh mục bắt buộc), và yêu cầu các cơ sở KCB tự đấu thầu các mặt hàng còn lại. Khó khăn phát sinh khi nhiều cơ sở KCB đấu thầu chậm do năng lực của bản thân cơ sở KCB, và các khó khăn không thuộc chủ quan của cơ sở KCB…

Như vậy, có thể thấy tình trạng thiếu thuốc, VTYT chỉ phát sinh trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 với nhiều khó khăn đặc thù, và một phần nguyên nhân từ chính sự thụ động, “ngại trách nhiệm” khi đấu thầu của nhiều địa phương, cơ sở y tế. Vậy việc mở rộng điều kiện thanh toán trực tiếp cho người bệnh có thực sự cần thiết? Trong khi đó, người khó khăn đầu tiên chính là bệnh nhân BHYT khi phải “gánh” những trách nhiệm ngoài năng lực của bản thân như: kiểm soát chất lượng thuốc, VTYT; ứng tiền túi để mua dịch vụ vốn dĩ đang được quỹ BHYT bảo lãnh; phát sinh thủ tục hành chính để thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH…

Trách nhiệm cung ứng thuốc, VTYT của cơ sở y tế bị xem nhẹ

Đáng lưu ý, trách nhiệm của cơ sở KCB BHYT phải cung ứng đủ thuốc, VTYT cho người bệnh trong quá trình điều trị cũng đã được quy định rõ trên nhiều văn bản pháp luật liên qua, thậm chí có cả chế tài xử phạt khi không đáp ứng được yêu cầu này.

Cụ thể, điều 86 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (ngày 28/9/2020) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã xác định hành vi cung ứng thuốc, hóa chất, VTYT, dịch vụ kỹ thuật không đầy đủ trong KCB BHYT là hành vi vi phạm quy định về quản lý thuốc, hóa chất, VTYT, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác trong KCB BHYT. Tại điểm b, khoản 1, điều 86 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đề xuất mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với việc “cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật không đầy đủ trong KCB BHYT”. Tại khoản 3 của điều 86 cũng quy định phạt tiền đối với hành vi kê đơn, phát thuốc, cung ứng hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật không đầy đủ trong KCB từ các mức 1 triệu đến 50 triệu đồng tùy theo mức vi phạm có gia trị; và buộc hoàn trả số tiền mà đối tượng tham gia BHYT bị thiệt hại (nếu có).

Ngay tại nghị định 146/2018/NĐ-CP (ngày 17/10/2018) quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT cũng ràng buộc rất rõ trách nhiệm của các cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH. Trong đó, tại điểm b, khoản 2, Điều 17 của Nghị định quy định điều kiện để ký hợp đồng KCB BHYT đối với cơ sở KCB là phải “Đảm bảo việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở KCB”. Tại khoản 5, điều 18 của Nghị định 146 về ký hợp đồng KCB BHYT cũng quy định rõ: “Các bên có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT và không làm gián đoạn việc KCB đối với người bệnh có thẻ BHYT”. Hay tại điểm b, khoản 2, điều 21 của Nghị định 146 cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ sở KCB trong thực hiện hợp đồng KCB BHYT là: “Bảo đảm cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật phù hợp tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế”.

Thay vì yêu cầu cơ sở y tế phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm cung ứng thuốc, VTYT, dự thảo Thông tư của Bộ Y tế lại đang “nới lỏng” điều kiện để quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc, VTYT trực tiếp cho người bệnh. Liệu đây có phải là giải pháp hợp lý? Rõ ràng, lời giải bài toán thiếu thuốc, VTYT trước hết phải là tạo điều kiện cho các cơ sở y tế đảm bảo trách nhiệm về cung ứng đủ thuốc, VTYT, mà không phải đẩy trách nhiệm mua thuốc cho bệnh nhân. Bởi quy định thanh toán trực tiếp đối với các trường hợp người bệnh phải tự mua thuốc, VTYT có thể làm giảm trách nhiệm của cơ sở KCB đối với người bệnh, gây bất lợi và ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh; làm gia tăng thủ tục và chi phí hành chính cho cả người bệnh và cơ quan BHXH.

Để giải quyết bài toán thiếu thuốc, VTYT tại cơ sở KCB trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản; Bộ Y tế ban hành Thông tư (trong đó có Thông tư số 14/2023/TT-BYT ngày 30/6/2023) tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu vật tư, thiết bị y tế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở y tế công lập yên tâm mua sắm trang thiết bị y tế, nhằm cung ứng đủ thuốc, VTYT cho người bệnh ngay tại cơ sở y tế... Tuy nhiên, tình trạng thiếu thuốc, VTYT vẫn tiếp diễn tại một số địa phương trong năm 2023...

Quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc, VTYT trực tiếp cho người bệnh là giải pháp cần thiết trong một số trường hợp đặc biệt, nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT. Nhưng không nên biến các trường hợp cá biệt thành phổ biến, khiến người bệnh thêm khó khăn thụ hưởng quyền lợi BHYT. Dự thảo Thông tư về thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh cần được cân nhắc và quy định rõ ràng hơn, để không vô tình tạo thêm cơ chế đặc thù cho ngành y tế; hoặc có thể khiến các địa phương, cơ sở y tế “buông lỏng” trách nhiệm cung ứng thuốc, VTYT và không cần đấu thầu...

Đối với trường hợp người bệnh phải tự mua thuốc, VTYT do tại thời điểm sử dụng hoạt chất thuốc, VTYT được chỉ định không sẵn có tại cơ sở KCB, thay vì để người bệnh phải thực hiện thủ tục thanh toán đơn lẻ, cơ sở y tế nên có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh, tổng hợp thanh toán với cơ quan BHXH theo quy định.

Tạp chí BHXH