Đề xuất điều chỉnh phạm vi quyền lợi hưởng BHYT
23/02/2024 09:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đang được lấy ý kiến nhân dân, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về phạm vi được hưởng, mức hưởng BHYT và điều chỉnh tỷ lệ chi trả BHYT đối với một số trường hợp không đúng cấp chuyên môn kỹ thuật KCB BHYT.
Giám định chi phí KCB BHYT (ảnh minh họa)
Cũng theo Bộ Y tế, đề xuất không quy định ngay việc mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT đối với các bệnh cụ thể trong Dự thảo Luật, nhưng sửa đổi Điều 21 theo hướng giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan quy định theo lộ trình khi đủ điều kiện việc khám bệnh để đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của một số bệnh phù hợp với khả năng cân đối của quỹ BHYT, bảo đảm hiệu quả, đồng bộ với khái niệm KCB mới được điều chỉnh trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ thực hiện lộ trình ưu tiên theo khả năng cân đối quỹ BHYT, việc khám bệnh để đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện của các bệnh lý được ưu tiên mở rộng chi trả bao gồm: Ung thư cổ tử cung; ung thư vú, tăng huyết áp; đái tháo đường; viêm gan C, B. Bên cạnh đó, quy định cụ thể máu, khí y tế và các chế phẩm khác để điều trị bệnh thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT để bảo đảm tính bao quát, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và thực tế các chế phẩm này (máu và các chế phẩm máu, O2, N2O, chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, tế bào gốc...) không phải là thuốc nhưng hiện đã được dùng để điều trị bệnh trong các hướng dẫn chẩn đoán điều trị và một số đã được quỹ BHYT thanh toán cần được cập nhật trong Luật BHYT để bảo đảm tính pháp lý cao.
Bộ Y tế cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 22 để điều chỉnh phạm vi mức hưởng BHYT phù hợp với cấp chuyên môn, kỹ thuật và giảm tỷ lệ chi trả khi KCB không đúng cấp chuyên môn kỹ thuật. Theo đó, bổ sung quy định người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến KCB tại cơ sở KCB có chuyên khoa thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn hoặc một số trường hợp cấp dưới không đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB theo mức hưởng quy định. Bên cạnh đó, quy định mức hưởng BHYT 100% chi phí KCB đối với một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục KCB BHYT, chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCb BHYT, phân cấp chuyên môn kỹ thuật liên quan đến KCB BHYT.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, giải pháp mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT mang lại giá trị kinh tế lớn, tiết kiệm chi cho quỹ BHYT do phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giúp giảm chi phí điều trị bệnh tật ở giai đoạn muộn khi bệnh thường nặng kèm theo các biến chứng, phải sử dụng thuốc phát minh, đặc trị, các kỹ thuật chẩn đoán, cận lâm sàng có chi phí cao. Việc chẩn đoán và điều trị sớm còn giúp tiết kiệm chi phí ngân sách chi cho hoạt động phòng bệnh và chi phí để giải quyết các vấn đề sức khoẻ, xã hội. Như vậy, Nhà nước sẽ được lợi tối đa về tổng thể.
“Năm 2023, chi phí của 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ quỹ BHYT là 6.186 tỷ đồng. So sánh riêng với bệnh thái tháo đường tuýp 2 thì năm 2021 ước tính số bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam là 3,994 triệu người (trong số đó 50% chưa được chẩn đoán). Quỹ BHYT chi cho điều trị hơn 1,923 triệu bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 với chi phí riêng tiền thuốc là hơn 3.000 tỷ đồng/năm- chiếm khoảng 8,4% tổng chi quỹ. Năm 2023, đối với bệnh đái tháo đường tuýp 2 có 15.534.946 lượt KCB với chi phí chi phí lên đến 6.766,6 tỷ đồng/năm, chiếm 5,6% tổng chi quỹ; bệnh tăng huyết áp có 22.890.888 lượt KCB với chi phí là 6.015,3 tỷ đồng/năm, chiếm 4,9% tổng chi quỹ. Nếu sàng lọc đái tháo đường tuýp 2 sẽ tiết kiệm được cho quỹ BHYT trung bình 162,3 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai. Đối với sàng lọc tăng huyết áp sẽ tiết kiệm được cho quỹ BHYT trung bình 1.216,8 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai”- Bộ Y tế phân tích.
Bộ Y tế cũng nhận định, nếu thực hiện thì quỹ BHYT tăng chi cho việc bổ sung quyền lợi trong giai đoạn 3 năm đầu khi triển khai, nhưng có thể bù đắp bằng việc tiết kiệm chi phí điều trị bệnh nặng, kỹ thuật cao, chi phí lớn, vì chi phí điều trị thường cao hơn gấp nhiều lần chi phí chẩn đoán sớm (có trường hợp bệnh nặng chi phí hiện nay lên đến hàng tỷ đồng mỗi đợt điều trị). Tuy nhiên, phương án này sẽ được thực hiện song song với chính sách tăng mức đóng và các biện pháp giảm lạm dụng, lãng phí, trục lợi để bảo đảm cân bằng quỹ. Đồng thời, Nhà nước có thể cân đối được thông qua sử dụng phần NSNN giảm chi cho các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Một phần của thuế có thể dành trích vào quỹ BHYT nếu được Quốc hội thông qua.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số