BHXH thành phố Buôn Ma Thuột: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân năm 2017

27/09/2017 03:23 AM




Với quan điểm rõ ràng BHXH, BHYT là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng, đảm bảo ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội,Thành ủy BMT đã quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền Thành phố đến các xã phường. Ngày 20/4/2017 thực hiện  Kế hoạch 2889/KH-UBND của ủy ban Nhân dân tỉnh, UBND thành phố ban hành Kế hoạch 107/KH-UBND ngày 29/6/2017 về triển khai thực hiện BHYT toàn dân 2017, giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị xã phường, BHXH thành phố cùng các phòng ban liên quan trên địa bàn TP BMT, đặc biệt là UBND 21 xã phường, bưu điện, Hội Phụ nữ, phòng Tư pháp đã mở các hội nghị tuyên truyền, phát các phóng sự về BHXH, BHYT trên trên địa bàn TP BMT để mọi người dân đều biết, hiểu và đồng thuận nhiệt tình tham gia BHXH, BHYT.

Khó khăn đặt ra

Hiện nay trên địa bàn thành phố BMT có 5 xã thoát vùng khó khăn từ 2015 là: Eatu, Cư Ebur, Ea Kao, Hòa Xuân, Hòa Phú còn rất nhiều hộ gia đình chưa có BHYT. Tính đến hết 2016 trên địa bàn TP BMT có 272.180 có BHYT đạt 78.3%. Chỉ tiêu BHYT được giao năm 2017 cho BHXH thành phố phải đạt tỷ lệ 80.02% dân số tương đương 287.800 người có BHYT, đây là 1 thách thức rất lớn.

Trong 5 nhóm tham gia BHXH, BHYT có 4 nhóm tương đối ổn định đó là: Nhóm người lao động và chủ sử dụng lao động đóng( cơ quan, doanh nghiệp) 13,2 %, nhóm tổ chức BHXH đóng( hưu trí, trợ cấp thất nghiệp) 3.3%, nhóm ngân sách nhà nước đóng (hộ nghèo, người có công cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi …) 18.6%, nhóm ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng (học sinh-sinh viên, hộ cận nghèo…) 19%, nhóm học sinh  tuy là nhóm bắt buộc, BHXH phối hợp với nhà trường tổ chức thu, cấp thẻ, chăm sóc sức khỏe ban đầu (Y tế học đường) cho học sinh tại trường tuy nhiên vẫn cần đầu tư nhiều thời gian và công sức để tuyên truyền nhằm đạt được 100% học sinh có BHYT (hiện nay đạt trên 90%). Tổng cộng 200.000 người chiếm khoảng 55.5%, số người còn lại khoảng 160.000 người chiếm 45% dân số là nhóm lao động tự do đã và sẽ tham gia theo hộ gia đình, tỷ lệ tham gia không ổn định. Nhóm hộ gia đình hiện đã có gần 80.000 người có BHYT, còn lại 80.000 người, trong đó (DTTS chiếm 20.133 hộ tương đương 54.834) DTTS chưa có BHYT còn khoảng 45.000 (đã trừ DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đã có BHYT các nhóm khác) - đây là nhóm hộ gia đình rất khó thay đổi nhận thức vì từ 1999 luôn được cấp thẻ BHYT đến hết 2014 theo QĐ số 139/CP của thủ tướng chính phủ, vì vậy năm 2015 tỷ lệ BHYT có giảm do nhân dân 5 xã thoát vùng khó khăn hết hạn thẻ do ngân sách nhà nước cấp (QĐ số 139 - khoảng 30.000 thẻ) và chuyển sang tham gia BHYT ở các nhóm đối tượng khác. Năm 2016,  BHXH cũng đã đề nghị UBND tỉnh trích nguồn quỹ dự phòng, kết dư hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho học sinh, nhân dân các hộ DTTS với thời hạn thẻ BHYT 3 tháng, 6 tháng để số đối tượng này từng bước tiếp cận dần với các hình thức tham gia BHYT khác như hộ cận nghèo (hỗ trợ 70%, hộ mức sống trung bình hỗ trợ 30%, hộ gia đình giảm phí thành viên).

Đối thoại trực tiếp với các hộ gia đình tại thôn, buôn

Tình hình triển khai

Từ 01/01/2017, để duy trì ổn định và phát triển số người có BHYT ngoài những hình thức tuyên truyền cơ bản vẫn thực hiện như: Phát thanh và Truyền hình, băng rôn tại các UBND xã phường, trạm y tế, trường học, phối hợp với Ban Tuyên giáo, Hội Phụ nữ, tư pháp, công đoàn trong các hội nghị tuyên truyền chuyên đề, BHXH thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền theo hình thức đối thoại trực tiếp với các hộ gia đình tại từng thôn buôn. Trong 8 tháng đầu năm 2017, BHXH đã tổ chức 15 buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân tại 30 thôn, buôn để phổ biến các nội dung cơ bản của BHXH, BHYT như đối tượng, mức đóng, quyền lợi được giảm phí từ thành viên thứ 2 khi tham gia BHYT HGĐ, hộ gia đình có mức sống trung bình, cận nghèo  được nhà nước hỗ trợ 30%, 70% phí BHYT/người, quyền lợi KCB BHYT, hộ gia đình có thể chọn thời gian tham gia 3, 6, 9, 12 tháng, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở trạm y tế, bệnh viện sẽ được thông tuyến huyện khi đi khám chữa bệnh, quyền lợi khi tham gia liên tục BHYT 5 năm, các trường hợp KCB BHYT có chi phí cao….Dành thời gian để người dân hỏi, thảo luận, BHXH trả lời giải thích, các nhân viên đại lý hướng dẫn người dân kê khai đóng BHYT ngay tại buổi đối thoại và hẹn ngày trả thẻ tận buôn cho bà con. Trong buổi đối thoại sẽ có già làng, buôn trưởng, các cá nhân đã KCB BHYT phát biểu bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Ê đê, người dân có cơ hội phản ánh trung thực, cụ thể những quyền lợi khi có BHYT cho những người chưa có BHYT biết  và cũng là dịp để BHXH lắng nghe ý kiến nhân dân phản ánh những mặt tích cực cũng như những hạn chế của chính sách BHXH, BHYT nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Các buổi nói chuyện đối thoại trực tiếp được tổ chức ngày hành chính, ngày nghỉ hoặc buổi tối phù hợp với lịch làm việc và sinh hoạt của nhân dân từng địa bàn, cập nhật những thông tin mới liên quan BHXH, BHYT. Những quy định mới của Chính phủ về cơ chế mới giao quyền tự chủ tài chính cho các cơ sở y tế công lập, ban hành giá viện phí mới cho người có BHYT từ 2016, người không có BHYT áp dụng tại Dắk Lắk 10/2017, chính sách tăng lương tối thiểu chung, lương tối thiểu vùng hàng năm của chính phủ đồng nghĩa với việc phí BHYT tăng phù hợp với sự phát triển tiến bộ của các dịch vụ kỹ thuật cao trong ngành y tế và  xu hướng phát triển kinh tế xã hội, việc áp dụng công nghệ thông tin, quản lý thu chi BHXH, BHYT bằng các phần mềm điện tử, cấp mã số BHXH cho riêng từng cá nhân  giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tạo sự tiện lợi cho cơ quan cũng như người dân khi đóng cũng như khi hưởng BHXH, BHYT, các quy định về phân tuyến, phân hạng cơ sở KCB, tỷ lệ các nhóm bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh cận, gù vẹo cột sống, bệnh ký sinh trùng, dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng, tiêu chảy học sinh cần được chăm sóc giáo dục y tế tại trường từ nguồn quỹ BHYT học sinh; tuổi  trung niên và già như tiểu đường, huyết áp, ung thư , bệnh về thận, gan, máu ngày càng tăng cao, điều trị cần chi phí lớn thì việc lựa chọn tham gia BHYT là giải pháp tối ưu giảm bớt gánh nặng tài chính cho bản thân và gia đình khi rủi ro bị đau ốm…là những thông tin hữu ích, tác động tích cực đến những người chưa có BHYT. Cũng tại các buổi đối thoại này cơ quan BHXH đã có những nghĩa cử ý nghĩa và thiết thực là tặng thẻ BHYT được trích từ quỹ phúc lợi của đơn vị  cho các cá nhân, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất thể hiện sự quan tâm mang tính cộng đồng, chia sẻ.

Một số kết quả đạt được


Tính đến hết 31/8/2017 thành phố Buôn Ma Thuột đã có 279.384 người có BHYT đạt 77.68%, trong đó các nhóm ổn định là 200.000 người, nhóm đối tượng hộ gia đình 79.639 trong đó có khoảng 3.000 DTTS tăng 3.3 % so với năm 2016 là 900 người). So với năm 2014 khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của bộ chính trị thì tỷ lệ bao phủ BHYT TP  tăng từ 73.5%  đến 78 % (2016), về bản chất là có sự tăng trưởng bền vững, qua đó đánh giá được hiệu quả của công tác tuyên truyền đặc biệt là đối thoại trực tiếp với nhân dân, tạo được niềm tin sự chuyển biến về nhận thức cũng như trách nhiệm của bộ máy chính trị, hộ gia đình đối với chính sách của Đảng và nhà nước nói chung, Luật BHXH, BHYT nói riêng. Để vận động trên 80.000 người trong tổng dân số còn lại của thành phố chưa có BHYT chuyển dần vào các nhóm có BHYT ổn định  tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH TP cùng các cơ quan ban ngành đặc biệt là xã phường  sẽ tiếp tục tuyên truyền theo các hình thức truyền thống đồng thời đối thoại trực tiếp tại các thôn buôn (có chọn lọc) của các xã phường còn lại, phối hợp với các cơ sở KCB BHYT đảm bảo quyền lợi  nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người có BHYT.

Mục tiêu BHYT  2017 của thành phố BMT là 80.02% dân số có BHYT là một nấc thang trong lộ trình tiến tới BHYT toàn dân 2020 với tỷ lệ bao phủ trên 90% dân số, chỉ còn gần 4 tháng nữa là kết thúc năm 2017, nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bảo hiểm y tế toàn dân 2017 trên địa bàn thành phố BMT không chỉ của riêng cơ quan thực hiện Luật BHYT mà là nhiệm vụ chung của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cơ quan đoàn thể cũng như mọi người dân, đặc biệt người lao động tự do chủ thể chính trong mục tiêu bao phủ BHYT. Hi vọng với sự quan tâm của toàn xã hội, thành phố BMT tiến tới BHYT toàn dân với tỷ lệ cao, bền vững, xứng đáng là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế của toàn tỉnh Đắk Lắk./.





Nguyễn Thị Thanh Trà - PGĐ BHXH thành phố BMT

  • TIN BÀI LIÊN QUAN