BHXH tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

22/12/2018 03:45 PM


Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), mục tiêu đến năm 2021 phải có 1% lực lượng lao động là nông dân và khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, xác định được trách nhiệm của Ngành trong thực hiện chính sách an sinh xã hội nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng, ngành BHXH tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực đề ra các giải pháp tối ưu nhất đó là tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Ủy ban nhân dân các cấp, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội trong phối hợp tuyên truyền sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện đến tận thôn, buôn, tổ dân phố, đồng thời xác định nhóm đối tượng có tiềm năng, thu nhập tương đối ổn định để tiếp cận, tuyên truyền những lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện.

Lãnh đạo BHXH tỉnh giải đáp thắc mắc của người lao động

Có thế nói, chính sách BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế, bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống. BHXH tự nguyện được thực hiện từ năm 2008 và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ với số người tham gia tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2009, toàn tỉnh chỉ có 255 người tham gia BHXH tự nguyện, thì tính đến ngày 30/10/2018 đã có 1.839 người tham gia, để hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2018, BHXH tỉnh đã phát động cuộc thi đua nước rút vào 2 tháng cuối năm cho cán bộ công chức, viên chức, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Ngành, đến ngày 15/12/2018 số người tham gia BHXH tự nguyện tăng gần 1.300 người đưa số người tham gia BHXH tự nguyện lên gần 3.200 người đạt và vượt tỷ lệ BHXH Việt Nam giao dự kiến là trên 3%. Có thể nói, cùng với sự đổi mới về cơ chế chính sách của Nhà nước, ngành BHXH cần tham mưu Ủy ban nhân dân các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện với nội dung, hình thức phù hợp từng nhóm đối tượng; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương sự phối hợp một cách đồng bộ của các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, để triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH tự nguyện trên địa bàn; tiếp tục mở rộng mạng lưới đại lý thu đủ mạnh về chất lượng và số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng tiếp cận dịch vụ thu, chi trả, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ chính sách về BHXH tự nguyện. Năm 2018 với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, lãnh đạo BHXH tỉnh số người tham gia BHXH tự nguyện tăng và thật sự khởi sắc, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo (phấn đấu đến năm 2021 có 5.000 người tham gia). Đây là một chỉ tiêu không dễ, để đạt được đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc một cách đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt trong việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng vào chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm cho từng địa phương, đồng thời mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH phải là một tuyên truyền viên tích cực nhất...đem chính sách BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng đến gần với dân hơn, ngoài ra ngành BHXH tiếp tục thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính trong tham gia và thụ hưởng, quan trọng hơn đó là thái độ phục vụ gần dân, thân thiện, nhiệt tình, trách nhiệm để người dân cảm nhận, tin tưởng chính sách BHXH thực sự là một trong những chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Làm được điều này không những phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, mà còn góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh./.


Nguyễn Thị Xuân – Phó Giám đốc BHXH tỉnh

  • TIN BÀI LIÊN QUAN