Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk 24 năm xây dựng và phát triển

25/02/2019 06:36 AM




Ngày 24/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg chuyển bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam sang BHXH Việt Nam và Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2002/NĐ-CP ngày 06/12/2002 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Từ thời điểm này, ngoài việc đảm bảo thực hiện các chế độ BHXH, BHXH Việt Nam còn được giao thêm nhiệm vụ thực hiện chế độ BHYT cho các đối tượng tham gia với mục tiêu chủ yếu là: Từng bước mở rộng và tăng nhanh đối tượng tham gia BHYT nhằm bảo vệ những rủi ro, bảo vệ cuộc sống của cán bộ công chức, quân nhân và người lao động; đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng; tổ chức thu, quản lý, sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả, bảo đảm chi trả kịp thời các chế độ BHYT đúng quy định, đúng đối tượng; xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của Ngành có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng. Không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ chính trị, ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ đối tượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nhìn lại chặng đường phấn đấu 24 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự lãnh đạo, chỉ đạo trược tiếp của BHXH Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành đoàn thể trong tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương từ huyện tới xã, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, đội ngũ những người làm công tác BHXH đã vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết thống nhất, thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ BHXH Việt Nam giao, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trụ sở BHXH tỉnh Đắk Lắk

1. Thực hiện chính sách BHXH

Ngay từ khi mới thành lập, BHXH tỉnh đã xác định khâu giải quyết chính sách là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp; nước ta đã trải qua nhiều thời kỳ cách mạng khác nhau, nhất là thời kỳ đấu tranh giành độc lập và giữ nước, hệ thống chính sách BHXH thay đổi qua các giai đoạn để phù hợp với tình hình cách mạng của đất nước; nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, BHXH tỉnh đã tuyển chọn và bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm và am hiểu chế độ, chính sách. Đồng thời tích cực thực hiện cải cách hành chính trong tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế “một cửa” giảm bớt các thủ tục giấy tờ không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo cơ sở pháp lý, giải quyết kịp thời, đúng chế độ, rút ngắn thời gian theo quy định, được các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT đồng tình ủng hộ.

Chỉ tính riêng trong năm 2018 đã giải quyết cho 2.165 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, nâng tổng số người được hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp hàng tháng lên gần 50.000 người; giải quyết 11.293 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; hưởng chế độ ốm đau 7.269 lượt người; hưởng chế độ thai sản 7.272 lượt người; hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe là 2.358 lượt người. Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 5.945 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; 167 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Việc thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách BHXH cho người thụ hưởng đã góp phần ổn định đời sống cho người lao động, yên tâm phấn khởi tham gia lao động sản xuất.

2. Thực hiện chính sách BHYT

Qua thời gian tiếp nhận và thực hiện chính sách BHYT (2003-2018), số người tham gia BHYT ngày càng tăng, năm 2003 mới chỉ có 193.408 người tham gia BHYT, đến năm 2018 đã có trên 1.613 ngàn người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 86,8% dân số toàn tỉnh. Để thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh (KCB) cho người có thẻ BHYT, ngành BHXH đã phối hợp với Ngành y tế cải tiến khâu thủ tục tiếp đón bệnh nhân, nâng cao chất lượng KCB, nhiều dịch vụ, kỹ thuật cao được triển khai, quyền lợi người bệnh ngày càng được mở rộng đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, quy định KCB thông tuyến huyện nên khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân dễ dàng hơn. Đặc biệt quan tâm đến công tác KCB BHYT cho những người thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo… Hàng năm có khoảng 700 ngàn người thuộc diện chính sách được cấp thẻ BHYT, được hưởng quyền lợị KCB theo quy định.

Hiện nay, toàn tỉnh đã ký hợp đồng KCB BHYT với 31 cơ sở y tế, có 14 cơ sở KCB thuộc BHXH tỉnh quản lý, 14 Bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố (trong đó có 189 trạm y tế xã, phường tổ chức KCB BHYT), 01 Bệnh viện đa khoa khu vực và 02 cơ sở khác là Trung tâm y tế Cao su Krông Búk và Trung tâm y tế Cao su EaH’leo. Số lượt người KCB BHYT tăng dần qua các năm, năm 2018 có 2.863.669 lượt người KCB BHYT, tần suất 1,8 lần/thẻ/năm với tổng chi phí 1.322,5 tỷ đồng.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan BHXH tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHYT theo quy định của Luật BHYT; phát triển đối tượng tham gia BHYT nhanh, bền vững; thực hiện chi trả chi phí KCB BHYT đúng quy định theo phương châm chính xác, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHYT với mỗi năm hàng triệu lượt người KCB BHYT.

3. Công tác mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT


Mở rộng đối tượng, tăng nhanh số người tham gia BHXH, BHYT là một trong những mục tiêu hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong nội dung đổi mới chính sách BHXH, BHYT nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững hệ thống an sinh xã hội, tiến tới thực hiện BHXH cho mọi người lao động và thực hiện BHYT toàn dân.

Từ năm 1995, thực hiện đổi mới trong hoạt động BHXH, BHYT phạm vi, số lượng đối tượng bắt buộc tham gia BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật đã từng bước mở rộng đến mọi người lao động trong các thành phần kinh tế, đến năm 2008 có thêm loại hình BHXH tự nguyện và năm 2009 thêm bảo hiểm thất nghiệp; loại hình BHYT tự nguyện cũng đã được pháp luật quy định nhằm tiến tới BHYT cho toàn dân. Việc theo dõi, quản lý trực tiếp đến từng đối tượng tham gia BHXH, BHYT được thực hiện đã làm tăng khối lượng công việc của Ngành lên rất lớn và ngày càng nặng nề, phức tạp hơn. Điều đó đòi hỏi toàn ngành phải hết sức cố gắng, nỗ lực phấn đấu cao mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, trong thời gian qua với sự cố gắng và các biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tế Ngành BHXH đã góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của hàng trăm ngàn lao động và chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ BHXH, BHYT, tăng nhanh số người tham gia. Năm 1995 số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 37.462 người, đến cuối năm 2018 số lao động tham gia BHXH đã lên đến 106.341người.

Năm 2002 trước khi sáp nhập vào BHXH Việt Nam số đối tượng tham gia BHYT tự nguyện có trên 193 ngàn người, đến cuối năm 2018 đối tượng tham gia BHYT là 1.613.352 người chiếm tỷ lệ 86,8% dân số toàn tỉnh.

4. Công tác tổ chức cán bộ

Năm 1995 BHXH tỉnh Đắk Lắk được thành lập đến năm 2003 tiếp nhận BHYT chuyển qua, việc sắp xếp tổ chức nhanh, gọn theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam và của tỉnh.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, BHXH tỉnh có 05 phòng chức năng và 17 BHXH huyện, thành phố. Đến năm 2004 tỉnh Đắk Lắk được tách ra thành 2 tỉnh là Đắk Lắk và Đắk Nông. Hiện nay BHXH tỉnh có 11 phòng chức năng và 15 BHXH huyện, thị xã, thành phố

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thời kỳ đầu là 73 người, đến nay là 307 người.

Hệ thống tổ chức bộ máy của Ngành trên phạm vi toàn tỉnh đã từng bước được củng cố và hoàn thiện, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ tỉnh đến huyện, kiện toàn đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn. Các đơn vị trực thuộc ngày càng được bổ sung và hoàn thiện phù hợp với sự phát triển của Ngành, nhằm đảm bảo việc quản lý, điều hành hoạt động toàn bộ hệ thống một cách hiệu quả.

Cùng với đào tạo, đào tạo lại chuyên môn, BHXH tỉnh rất chú trọng đến việc nâng cao tinh thần, ý thức, đạo đức, tác phong phục vụ đối tượng cho CBCCVC theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính trên các mặt hoạt động của ngành, trong đó lấy cải cách thủ tục hành chính làm khâu đột phá nhằm tạo mọi thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng quyền lợi BHXH, BHYT. Về tác phong làm việc đã chuyển mạnh từ hành chính, thụ động sang tác phong phục vụ đối tượng, chủ động và sáng tạo trong công việc được giao.

5. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin

Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai quyết liệt. Thực hiện nghiêm túc các quy định của BHXH Việt Nam về việc cắt giảm thủ tục hồ sơ, quy trình thực hiện trên tất cả các lĩnh vực tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT; triển khai giao dịch điện tử với các doanh nghiệp, đến nay đã có trên 40% số đơn vị tham gia BHXH thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH; tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện đã tiết kiệm thời gian, giảm chi phí trong việc kê khai tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin: Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (mạng máy tính, máy chủ, hệ thống phần mềm…) ; hoàn thiện quản lý tập trung cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT. Chính thức triển khai, áp dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Eoffice kể từ ngày 23/7/2018. Đến nay 100% văn bản đến, văn bản đi (trừ một số văn bản bắt buộc phải sử dụng bản giấy theo quy định) đều được số hóa, sử dụng chữ ký số cá nhân và chữ ký số cơ quan để phục vụ soạn thảo, trao đổi thông tin, xử lý công việc, trình ký, ký và phát hành điện tử trên hệ thống.

Duy trì hoạt động Trang thông tin điện tử BHXH tỉnh, đăng tải đầy đủ, kịp thời nội dung về công tác cải cách hành chính của đơn vị cũng như các chủ trương, chính sách về BHXH, BHYT.

6. Một số công tác khác


Ngoài những nhiệm vụ chủ yếu như đã nêu trên ngành BHXH tỉnh Đắk Lắk còn triển khai thực hiện nhiều hoat động khác góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, cụ thể là tham gia công tác từ thiện, đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ buôn kết nghĩa về công tác khyến nông, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thôn, buôn; thăm hỏi gia đình chính sách, tổ chức khám bệnh, đón tết vui xuân, hỗ trợ vật chất, tinh thần củng cố xây dựng các tổ chức chính trị trong buôn kết nghĩa...

Phong trào thi đua luôn được chú trọng, coi đó là động lực để CBCCVC phấn đấu hoàn thành, có chỉ tiêu cụ thể, có sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình. Công tác thi đua đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng trong đơn vị, được các đơn vị, đoàn thể và CBCCVC tham gia hưởng ứng nhiệt tình, tự giác nên đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ đó là nhiệm vụ chính trị hàng năm đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc, CBCCVC luôn đề cao trách nhiệm, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, vui vẽ, hòa nhã trong giao tiếp, xây dựng nếp sống văn hóa nơi công sở, môi trường cơ quan xanh, sạch đẹp.

Hoạt dộng của ngành BHXH tỉnh trong những năm qua đạt được kết quả đáng ghi nhận, đã có nhiều tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được khen thưởng bằng nhiều hình thức, BHXH tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tăng Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng III, hạng II của Chủ tịch nước tặng. Đây là sự ghi nhận, là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước đối với thành tích của các thế hệ CBCCVC BHXH tỉnh Đắk Lắk, là nguồn cổ vũ động viên và là động lực đối với toàn thể CBCCVC trong ngành tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp an sin xã hội vì hạnh phúc của nhân dân.

Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ năm 2019 và những năm tiếp theo, BHXH tỉnh Đắk lắk cần tập trung vào những nhiệm vụ và định hướng như sau:

Tập trung phát triển đối tượng tham gia, nhất là đối tượng BHYT hộ gia đình, học sinh, sinh viên; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Phối hợp với cơ quan Bưu điện tăng cường phát triển BHXH tự nguyện bằng hình thức Hội nghị khách hàng. Phấn đấu hàng năm đạt tỷ lệ bao phủ BHYT của Chính phủ giao cho tỉnh Đắk Lắk. Giải quyết và chi trả kịp thời, đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa các hành vi gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, áp dụng có hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ của Ngành. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận người tham gia, đẩy mạnh hình thức tuyên truyền đối thoại trực tiếp với người sử dụng lao động và người lao động. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng và chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đột xuất, thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, viên chức, tăng cường trách nhiệm của người đúng đầu các đơn vị trong tổ chức triển khai nhiệm vụ, đẩy mạnh công tác kiểm tra nội bộ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, đồng thời động viên khen thưởng kịp thời đơn vị, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ./.



Lê Xuân Khánh - Phòng Khai thác và thu nợ


  • TIN BÀI LIÊN QUAN