Xử lý hình sự doanh nghiệp trốn, nợ bảo hiểm xã hội: Mục tiêu bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động

26/09/2019 09:05 AM



Cán bộ Phòng Khai thác và thu nợ - BHXH tỉnh khai thác các doanh nghiệp
chưa tham gia BHXH

Tuy nhiên, vẫn còn có những vướng mắc, trở ngại, trong đó có tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT; gia tăng xu hướng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Tính đến hết tháng 8/2019 các doanh nghiệp trong tỉnh nợ BHXH, BHYT lên tới trên 91 tỷ đồng; 01 doanh nghiệp bỏ trốn và khoảng 305 doanh nghiệp mất tích.

Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung 3 điều luật để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, theo đó ngày 15/8/2019 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHNT), Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán để hướng dẫn áp dụng các điều luật liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT là rất cần thiết và phù hợp, để thống nhất cách hiểu và thuận lợi hơn trong quá trình áp dụng, qua đó có chế tài nghiêm khắc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.

* Một số thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động:

- Trốn đóng bảo hiểm là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

+ Gian dối để không đóng, đóng không đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng BHXH, BHYT, BHTN với cơ quan có thẩm quyền.

+ Không đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN là trường hợp người sử dụng lao động không gửi hồ sơ đăng ký đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động hoặc có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng không đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH theo quy định.

+ Không đóng đầy đủ là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng chỉ đóng một phần tiền BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH theo quy định.

+ 06 tháng trở lên được xác định là 06 tháng liên tục hoặc 06 tháng cộng dồn trở lên

* Về một số tình tiết định khung hình phạt

- Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp đã thực hiện hành vi phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động từ 02 lần trở lên, nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động là trường hợp người sử dụng lao động đã thu hoặc đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm từ tiền lương tháng đóng bảo hiểm của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm.

* Cơ quan BHXH tham gia tố tụng với tư cách là bị hại

Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Với những quy định và hướng dẫn nêu trên, trong thời gian tới, căn cứ vào danh sách  đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động do cơ quan Thuế cung cấp, cơ quan BHXH sẽ tiến hành rà soát, điều tra, khai thác; đối với những đơn vị cố tình không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động sẽ tiến hành thanh tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính đồng thời lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật./.


Bài: Lê Xuân Khánh
Ảnh: Phạm Loan