Hướng dẫn một số điểm mới về quy trình thực hiện giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
15/10/2020 10:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BHXH vừa ban hành Văn bản số 3194/BHXH-CSXH gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn một số điểm mới về quy trình thực hiện giải quyết chế độ TNLĐ, BNN theo quy định tại Nghị định số 88/2020/NĐ-CP và phân cấp theo quy định tại Quyết định số 166/QĐ-BHXH.
Người dân tìm hiểu về các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của cơ quan BHXH
Công văn nêu rõ, ngày 28/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) về BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) bắt buộc (Nghị định số 88/2020/NĐ-CP). Theo đó, có một số thay đổi về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN, ngoài ra có một số nội dung vướng mắc về việc phân cấp giải quyết các chế độ BHXH theo phản ánh của BHXH các tỉnh, thành phố. Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của BHXH Việt Nam (Quyết định số 166/QĐ-BHXH), BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm thời thực hiện như sau:
Về hồ sơ, quy trình giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN tại Quyết định số 166/QĐ-BHXH
Sửa đổi tiêu đề trích dẫn quy định về hồ sơ tại tiết 1.2.1 điểm 1.2 khoản 1 Điều 6 như sau: “Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 51; khoản 2, 3, 4 Điều 57 và khoản 2, 3, 4 Điều 58 Luật ATVSLĐ; khoản 1, 2 Điều 15 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ; khoản 5 Điều 5; Điều 7 và Điều 8 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP; khoản 2 Điều 25 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế, gồm:”.
Sửa đổi một số nội dung tiết 1.2.1 điểm 1.2 khoản 1 Điều 6 như sau:
Nội dung b2:
“b2) Trường hợp điều trị xong, ra viện trước ngày 01/7/2016 mà lần giám định trước không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN: Biên bản điều tra TNLĐ hoặc kết quả đo đạc, quan trắc môi trường lao động; trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ thì có thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông hoặc Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan Công an hoặc cơ quan điều tra hình sự Quân đội;”.
Nội dung c3:
“c3) Trường hợp bị BNN điều trị xong, ra viện trước ngày 01/7/2016 mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động: Kết quả đo đạc, quan trắc môi trường lao động;”.
Nội dung d:
“d) Đối với người lao động phát hiện bị BNN khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN:
d1) Đơn đề nghị hưởng chế độ BNN của người lao động theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 88/2020/NĐ-CP đối với người lao động đã nghỉ hưu hoặc thôi việc; hoặc văn bản của người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc đề nghị giải quyết chế độ BNN (mẫu số 05A-HSB) đối với trường hợp người lao động chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác;
d2) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;
d3) Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa;
d4) Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có).”.
Sửa đổi tiêu đề trích dẫn quy định về hồ sơ tại tiết 1.2.4 điểm 1.2 khoản 1 Điều 6 như sau: “Đối với thân nhân hưởng chế độ tử tuất: Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Luật BHXH; khoản 1 Điều 15 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP; Điều 6 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP; mẫu số 04C-HBKV (ban hành kèm theo Thông tư số 181/2016/TT-BQP đối với người có thời gian phục vụ trong quân đội trước ngày 01/01/2007 tại địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực mà sổ BHXH không thể hiện đầy đủ thông tin làm căn cứ tính phụ cấp khu vực); khoản 4 Điều 25 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, gồm:”.
Sửa đổi điểm 2.2 khoản 2 Điều 6 như sau:
“2.2. Tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 15; khoản 2 Điều 19; khoản 2 Điều 23; khoản 2 Điều 27; Điều 30; khoản 2, khoản 3 Điều 31 và khoản 2 Điều 36 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế chuyển đến, gồm:
2.2.1. Đối với trường hợp hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ khám BNN, chữa BNN, phục hồi chức năng lao động, huấn luyện ATVSLĐ:
- Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp
- Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí khám BNN
- Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí chữa BNN
- Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động
- Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ
2.2.2. Trường hợp tạm ứng kinh phí hỗ trợ điều tra lại TNLĐ, BNN: Kế hoạch, dự toán kinh phí cần hỗ trợ của cơ quan ra quyết định điều tra lại.
2.2.3. Trường hợp quyết toán kinh phí hỗ trợ điều tra lại vụ TNLĐ hoặc BNN:
a) Văn bản của cơ quan BHXH đề nghị điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN; văn bản thỏa thuận về thời hạn điều tra (nếu có).
b) Quyết định thành lập đoàn điều tra TNLĐ hoặc BNN.
c) Biên bản điều tra lại các vụ TNLĐ hoặc BNN.
d) Bản chính chứng từ thanh quyết toán chứng minh chi phí cho việc điều tra theo quy định của pháp luật”.
Bổ sung vào nội dung a tiết 1.1.2 điểm 1.1 khoản 1 Điều 7 nội dung như sau:
“ - Thanh toán chi phí khám BNN, chữa BNN đối với người lao động phát hiện bị BNN khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN được hưởng trợ cấp BNN: Căn cứ Quyết định theo mẫu số 06 và mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị định số 88/2020/NĐ-CP về việc hỗ trợ kinh phí khám BNN, chữa BNN đối với người lao động phát hiện bị BNN khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN, truy cập vào Hệ thống để cập nhật thông tin, xem xét, đối chiếu điều kiện về đóng BHXH bắt buộc, số lần được hỗ trợ của người được hỗ trợ; nếu đảm bảo đủ điều kiện thì cập nhật thông tin vào Danh sách C97-HD (nếu hưởng trợ cấp một lần) hoặc Danh sách C72a-HD (nếu hưởng trợ cấp hàng tháng) để chi trả, trường hợp phát hiện không đủ điều kiện hưởng, mức hỗ trợ, số lần hỗ trợ không đúng thì trình lãnh đạo văn bản thông báo kèm Danh sách theo mẫu số 16-HSB gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội biết và tạm thời chưa chi trả”.
Bộ phận một cửa của BHXH Hà Nội. Ảnh minh họa
Bổ sung thêm nội dung “g” tại tiết 2.2.2 điểm 2.2 khoản 2 Điều 7 như sau: “g) Lập báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện BHXH về TNLĐ, BNN hàng năm:
Trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, Phòng Chế độ BHXH tổng hợp kết quả thu, chi và tình hình chi trả kinh phí hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN của cả năm, lập mẫu số 14 ban hành kèm theo Nghị định số 88/2020/NĐ-CP, trình Giám đốc phê duyệt để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam (Ban Thực hiện chính sách BHXH) về tình hình thực hiện chế độ TNLĐ, BNN bắt buộc”.
Sửa đổi tiết 6.1.2 điểm 6.1 khoản 6 Điều 7 như sau:
“Truy cập vào Hệ thống để cập nhật thông tin, xem xét, đối chiếu điều kiện về thời gian đóng BHXH, số lần được hỗ trợ của từng người; nếu đảm bảo đủ điều kiện, đúng quy định thì lập Danh sách theo mẫu số C90-HD (đối với trường hợp chi trả cho đơn vị sử dụng lao động) hoặc Danh sách theo mẫu số C97-HD (đối với trường hợp chi trả cho người lao động) trình lãnh đạo phê duyệt, chuyển Phòng Kế hoạch - Tài chính; trường hợp phát hiện không đủ điều kiện hưởng, mức hỗ trợ, số lần hỗ trợ không đúng thì trình lãnh đạo văn bản thông báo kèm Danh sách theo mẫu số 16-HSB gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội biết và tạm thời chưa chi trả”.
Về phân cấp giải quyết, chi trả và quản lý người hưởng
BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện việc phân cấp giải quyết, chi trả và quản lý người hưởng theo quy định tại điểm 1.3 khoản 1 Điều 2 Quyết định số 166/QĐ-BHXH phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Về nguyên tắc, khi phân cấp, BHXH tỉnh, thành phố phải quản lý được và phải chịu trách nhiệm đối với việc giải quyết các chế độ BHXH của BHXH cấp huyện. Đối với BHXH huyện chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ giải quyết các chế độ BHXH thì chưa thực hiện phân cấp.
Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức cấp huyện và sắp xếp lại nhân sự để đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ.
Về công tác tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam giao Ban Thực hiện chính sách BHXH: Chủ trì phối hợp với Vụ Tài chính - Kế toán chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra BHXH tỉnh việc thực hiện quy trình giải quyết hưởng và chi trả trợ cấp theo quy định tại Nghị định số 88/2020/NĐ-CP; phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin triển khai, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ liên quan đảm bảo thực hiện đúng quy định.
Trung tâm Công nghệ thông tin: Căn cứ quy định của chính sách và hướng dẫn tại văn bản này để triển khai, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ liên quan đảm bảo thực hiện kể từ ngày Nghị định số 88/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Đồng thời, bổ sung báo cáo mẫu số 14 ban hành kèm theo Nghị định số 88/2020/NĐ-CP vào phần mềm Xét duyệt chính sách (TCS) và Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH (DWH)./.
Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc