Giải pháp để đảm bảo quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản, giải thể
16/04/2021 11:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn là bài toán khó cần có các giải pháp đồng bộ để giải quyết triệt để tình trạng này.
Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội của đất nước, Đắk Lắk cũng không nằm ngoài sự tác động đó, trong đó doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, xuất khẩu cà phê, cao su, tiêu, vận tải… là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng và chịu tác động rõ rệt, nặng nề nhất. Do đó hiện nay doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc đóng và giải quyết chế độ BHXH cho người lao động.
Ảnh minh họa
Tính đến 31/3/2021, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 194.942 triệu đồng, trong đó nợ phải tính lãi là 93.531 triệu đồng; một số doanh nghiệp phá sản giải thể có số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN lớn như Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Tul: 15.526.257.667 đồng; Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Nông sản 722: 1.196.309.718 đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Quyết Thắng: 1.762.182.213 đồng…; người lao động tại các doanh nghiệp này đến nay vẫn chưa được giải quyết các chế độ BHXH.
Trước thực trạng trên, Luật BHXH năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung tăng tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH. Đồng thời, thực hiện quy định tại Khoản 7 Điều 10 Luật BHXH năm 2014, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, có quy định cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nợ tiền đóng tiền BHXH, BHTN được đóng riêng cho từng lao động để kịp thời giải quyết các chế độ BHXH hoặc ghi nhận quá trình đóng BHXH cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để giải quyết chế độ BHTN, tiếp tục tham gia BHXH ở các đơn vị mới. Mặc dù quy định là có nhưng quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp phá sản, giải thể vẫn chưa được quan tâm giải quyết vì hầu hết các doanh nghiệp này không có khả năng đóng tiền trước cho những lao động đủ điều kiện để giải quyết chế độ BHXH.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, trước mắt đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp phá sản, giải thể… trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động rà soát những trường hợp đã đủ điều kiện về tuổi và thời gian tham gia BHXH thì hướng dẫn thủ tục hồ sơ giải quyết chế độ hưu trí cho người lao động (sau khi doanh nghiệp đóng tiếp BHXH thì thực hiện điều chỉnh cho phù hợp). Đồng thời chủ động, kịp thời nắm bắt những vấn đề bất thường trong hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT có biện pháp cụ thể để xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia./.
Huỳnh Kim Tưởng
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc