Thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN: Kết quả bước đầu

28/10/2016 09:21 AM



Thực hiện thanh tra về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giúp hạn chế nợ dọng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật BHXH sửa đổi năm 2014, BHXH Việt Nam đã chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN của cơ quan BHXH như: Mời Trường Nghiệp vụ thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ tổ chức đào tạo nghiệp vụ thanh tra cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, công tác thu; mua sắm bổ sung trang thiết bị phương tiện phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành.

Hiện nay, toàn ngành BHXH có khoảng 5.500 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác kiểm tra và công tác thu. Trong đó, có 1.300 người đã được đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành (BHXH Việt Nam 60 người, BHXH các tỉnh, thành phố là 1.240 người) đủ điều kiện để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Trong việc triển khai thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật BHXH sửa đổi và Nghị định số 21/2016/NĐ-CP của Chính phủ, BHXH Việt Nam nghiên cứu kỹ Luật Thanh tra và bám sát các hoạt động nghiệp vụ của mình để xây dựng Quy trình thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN,tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động thanh tra.

Trong những năm qua, ngành BHXH đã thực hiện nhiều vụ khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật về nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN và đạt được những kết quả nhất định. Luật BHXH năm 2014 quy định mới nhằm tăng cường vai trò công đoàn các cấp trong bảo vệ quyền lợi BHXH, BHYT của người lao động, đó chính là quyền đại diện người lao động khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. Do vậy, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng quy chế phối hợp để triển khai thực hiện bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Ngày 20/9/2016, BHXH Việt Nam ký với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký Quy chế phối hợp số 3601/QCPH-TLĐ-BHXH về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Theo Quy chế phối hợp, định kỳ hoặc đột xuất, cơ quan BHXH tỉnh, huyện cung cấp cho Liên đoàn Lao động tỉnh, huyện:

Danh sách của các đơn vị nợ tiền BHXH cần phải khởi kiện (bao gồm: số tiền phải đóng, số tiền nợ, thời gian nợ, tiền lãi chậm đóng BHXH); Hồ sơ xác định nợ BHXH theo quy định của BHXH Việt Nam; Bản cập nhật đến tháng trước thời điểm nộp đơn khởi kiện ra tòa án về tình hình nợ và tình trạng áp dụng các biện pháp xử lý khác đối với các đơn vị sử dụng lao động mà tổ chức công đoàn đã gửi danh sách thông báo cho cơ quan BHXH trước khi khởi kiện.

Trên cơ sở hồ sơ do cơ quan BHXH cung cấp, tổ chức công đoàn khởi kiện đơn vị nợ BHXH theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi cho người lao động và thông báo về tình hình và kết quả khởi kiện các đơn vị nợ BHXH tại địa phương cho cơ quan BHXH cùng cấp.

Trên cơ sở nội dung Quy chế phối hợp này, chỉ đạo BHXH tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng Quy chế phối hợp để thực hiện trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa hai bên trên địa bàn tỉnh./.





Nguồn: Trang tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam