Xử lý hình sự DN trốn, nợ BHXH: Cần sớm ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán

26/04/2019 03:58 AM




Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ và Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đồng chủ trì hội thảo. Cùng tham dự hội thảo còn có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu; Giám đốc BHXH các địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai; đại diện TAND, Viện KSND TP.HCM và một số luật sư…

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trí Tuệ- Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, BHXH, BHYT là những chính sách có liên quan trực tiếp đến nhiều đối tượng, từ DN đến NLĐ cũng như các cơ quan chức năng. Chính vì vậy, ngành Tòa án đang rất nỗ lực để sớm đưa các quy định này áp dụng vào cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều Thẩm phán chưa chuyên sâu về BHXH, BHYT, nên rất cần ngành BHXH tham vấn, góp ý để sớm hoàn chỉnh Nghị quyết...

Chia sẻ với các đại biểu ngành Tư pháp, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, thời gian qua, ngành BHXH đã có nhiều nỗ lực nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn có những vướng mắc, trở ngại, trong đó có tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT; gia tăng xu hướng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT tại nhiều địa phương. “Tính đến cuối năm 2017, các DN trong cả nước nợ BHXH, BHYT lên tới trên 12.000 tỉ đồng; 100 chủ DN FDI bỏ trốn và khoảng 8.000 DN “mất tích”. Tính đến tháng 2/2019, tổng số nợ BHXH của các DN cũng lên tới 6.654 tỉ đồng…”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh dẫn chứng.

Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung 3 điều luật để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Tuy nhiên, để áp dụng thống nhất, rất cần phải có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, qua đó có chế tài nghiêm khắc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

Trao đổi tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán để hướng dẫn áp dụng các điều luật liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT là rất cần thiết và phù hợp, để thống nhất cách hiểu và thuận lợi hơn trong quá trình áp dụng. Đồng thời, đề nghị TAND Tối cao cần đưa Điều 213 ra khỏi nghị quyết, do điều này là quy định về “Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”- đây là loại hình bảo hiểm thương mại, nên bản chất khác hoàn toàn với BHXH, BHYT.

Theo đó, đối với bảo hiểm thương mại, mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội được tự thành lập, tự quyết mức thu chi, có cạnh tranh, có mục tiêu lợi nhuận và lợi ích của tổ chức kinh doanh bảo hiểm. Còn với BHXH là cơ quan nhà nước, được lập ra để thực hiện nhiệm vụ quản lý quỹ, để đảm bảo mục tiêu ASXH, mà mức thu chi đều do Quốc hội quyết định…

Ngoài ra, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng phân tích, giúp các đại biểu hiểu thêm về những khái niệm, thuật ngữ riêng của ngành BHXH như: Thế nào là trốn đóng, trục lợi quỹ; về nghĩa vụ trích đóng BHXH, BHYT của chủ SDLĐ và NLĐ; về sự khác nhau giữa cách hiểu việc thỏa thuận trốn đóng của NLĐ và DN với trách nhiệm của chủ SDLĐ và NLĐ phải trích đóng BHXH, BHYT theo luật định...

Đơn cử, theo dữ liệu ngành Thuế, cả nước hiện đang có 600 ngàn DN hoạt động đóng thuế, nhưng BHXH chỉ đang quản lý thu đối với khoảng 300 ngàn DN. Trong quá trình thanh tra, cơ quan BHXH phát hiện 300 ngàn DN này có SDLĐ, nhưng không tham gia cho NLĐ, thì đó là trốn đóng. Hoặc trường hợp DN đang sử dụng 1.000 lao động, nhưng khi Thanh tra BHXH tiến hành thanh tra, đối chiếu hồ sơ và HĐLĐ, thì chỉ có 600 NLĐ được tham gia BHXH, BHYT. Vậy, còn 400 NLĐ khác không được tham gia, nhưng vẫn làm việc bình thường, thì đó là trốn đóng BHXH…

Đồng quan điểm với kiến nghị của ngành BHXH, ông Phạm Lương Toản- Chánh Tòa Hình sự (TAND TP.HCM) đề nghị TAND Tối cao nên bỏ Điều 213 ra khỏi Nghị quyết hướng dẫn, vì nó không liên quan đến BHXH, BHYT là những chính sách ASXH. Ngoài ra, ông Toản cũng bày tỏ mong muốn, TAND Tối cao sớm ban hành Nghị quyết, để làm “bảo bối” cho Tòa án các cấp áp dụng.

Dẫn chứng thực tế xử lý các hành vi phạm pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn, ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: TP.HCM đang quản lý 187.000 DN tham gia BHXH, cùng với đó là công tác thu chi, quản lý đối tượng rất lớn. Trong khi đó, hiện nay, hàng ngàn hồ sơ khởi kiện của Công đoàn không được xử, gây thiệt hại cho NLĐ… Vì thế, theo ông Mến, công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT là vô cùng quan trọng, cần phải có các chế tài đủ mạnh để xử lý những đơn vị cố tình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, ông Mến cũng đề nghị TAND Tối cao nghiên cứu cùng các cơ quan, ban ngành có hướng giải quyết cho cơ quan BHXH được thanh tra toàn diện các mặt liên quan như thu, chi, chế độ chính sách trong lĩnh vực BHXH, BHYT… “Những giải pháp song hành hợp lý này sẽ cùng với chế tài hình sự góp phần giảm tình trạng trục lợi, trốn đóng BHXH, BHYT, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ”- ông Mến nói.

Ông Phạm Minh Thành- Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, bản thân ông và BHXH tỉnh Đồng Nai rất mong mỏi 3 điều luật được áp dụng sớm, bởi hiệu quả của luật là rất rõ rệt dù chưa áp dụng. Ví dụ, tại Đồng Nai, có Công ty 45.1, ngay khi BHXH tỉnh đưa Bộ luật Hình sự ra phân tích, phía DN đã lập tức truy đóng hơn 9 tỉ đồng nợ BHXH, nhưng sau đó chờ mãi không thấy hướng dẫn, đến nay DN này lại tiếp tục nợ BHXH trở lại...

Trước những ý kiến từ đại diện ngành BHXH và ngành Tư pháp, ông Nguyễn Trí Tuệ- Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, ý kiến của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu về Điều 213 khá xác đáng, phía TAND Tối cao sẽ ghi nhận và xem xét loại bỏ khỏi Nghị quyết, để tránh chồng lấn giữa bảo hiểm thương mại và chính sách ASXH. Ông Tuệ cũng thông tin thêm, trong quý III năm nay sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình lên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao./.
Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội