Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau Tết Nguyên đán

14/02/2019 07:08 AM



(ảnh minh họa)

Theo Cục Y tế dự phòng, ngay trong những tuần đầu năm 2019, dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới. Trong nước, một số nơi ở vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số người di biến động lớn, đặc biệt có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... có nguy cơ cao, ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng. Theo Bộ Y tế, cùng với sởi, các bệnh mùa đông xuân cũng được cảnh báo có nguy cơ gia tăng trong dịp nghỉ Tết và mùa lễ hội tháng Giêng như quai bị, thủy đậu. Đáng lưu ý, trong tuần nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã ghi nhận các ổ dịch sốt xuất huyết tại một số tỉnh như: An Giang, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại Hà Nội, những ngày đầu năm 2019 đã ghi nhận hơn 80 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Theo PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tại thời điểm này, tình hình dịch bệnh nói chung và dịch bệnh sốt xuất huyết nói riêng trên địa bàn thành phố tương đối ổn định nhưng không vì thế mà chúng ta được phép chủ quan.

Để phòng chống dịch bệnh sau Tết và mùa lễ hội xuân 2019, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan tăng cường giám sát dịch bệnh và mở rộng diện giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu; đồng thời lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện sớm, khoanh vùng, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan ra diện rộng.

Người dân cần đặc biệt lưu ý, quan tâm chủ động bảo vệ sức khoẻ của mình thông qua các biện pháp sau: Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vaccine phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…); Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…; Hạn chế đến những chỗ đông người; Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.

Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng cũng có yêu cầu sự phối hợp liên ngành, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người, các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện tốt các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, thực phẩm không an toàn.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, không ăn gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Đối với những hộ chăn nuôi khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./.
Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội