WHO: Chất lượng nhà ở có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe con người

05/04/2019 03:25 AM



(Ảnh minh họa)

Nhấn mạnh cải thiện điều kiện nhà ở sẽ giúp tăng chất lượng cuộc sống, hạn chế bệnh tật, kéo dài tuổi thọ, giảm nghèo, giảm thiểu biến đổi khí hậu... và đạt được một số Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ (cụ thể, là Mục tiêu thứ 03, sức khỏe, mục tiêu 11, thành phố bền vững), WHO đưa ra 01 số hướng dẫn về Nhà ở và Sức khỏe; trong đó, cung cấp các khuyến nghị dựa trên nghiên cứu, bằng chứng mới về việc giảm thiểu rủi ro sức khỏe chính liên quan đến chất lượng nhà ở. Theo WHO, nhà ở có chất lượng tốt cần căn cứ vào 04 khía cạnh, bao gồm không gian sống thoáng đãng; nhiệt độ trong nhà ở mức trung bình, không nóng quá, không lạnh quá; mức độ an toàn, không tiềm ẩn nguy cơ chấn thương khi sinh sống trong nhà; tăng khả năng tiếp cận cho người bị suy giảm chức năng. Ngoài ra, hướng dẫn của WHO đề cập đến các vấn đề bên ngoài nhà ở như chất lượng nước, chất lượng không khí, tiếng ồn xung quanh, có bị ảnh hưởng bởi amiang, chì, khói thuốc lá và khí độc hay không.

Bên cạnh đó, các hướng dẫn về Nhà ở và Sức khỏe của WHO cũng đề ra 01 số biện pháp để cải thiện điều kiện nhà ở. Ví dụ, lắp đặt hệ thống cách nhiệt an toàn và hiệu quả có thể cải thiện nhiệt độ trong nhà để hỗ trợ sức khỏe, đồng thời, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm lượng phát thải khí carbon; định kỳ dọn dẹp nhà cửa bởi không khí trong nhà cũng bị ô nhiễm do tích chứa nhiều bụi, vi khuẩn, nấm mốc...; tận dụng ánh sáng thiên nhiên, áp dụng các biện pháp chống ẩm (nhất là các quốc gia và khu vực nằm trong vùng nhiệt đới nóng ẩm) bằng các biện pháp thông gió tích cực, làm mái che hợp lý, có hiên che...; cần ban hành các chính sách và quy định ở cấp địa phương, khu vực và quốc gia, đòi hỏi các bên liên quan có trách nhiệm hơn nữa trong hoạt động xây dựng, bảo trì và phá dỡ nhà ở, hướng tới giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn của con người... và phòng, chống ô nhiễm tiếng ồn (xây tường dày, cửa ra vào, cửa sổ thiết kế sát và kín, sàn ngăn cách tầng nên có 01 khoảng trống...).
Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội