Bắt buộc thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em

25/06/2019 09:30 AM



(Ảnh minh họa)

Theo đó, khi khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em ≥ 01 tháng tuổi, sẽ không tiến hành tiêm chủng trong các trường hợp: Có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước (có cùng thành phần), cụ thể sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở; suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các vắc xin sống giảm độc lực; các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin. Còn khi khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ sơ sinh, không tiêm vắc xin BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà mẹ không được điều trị dự phòng tốt lây truyền từ mẹ sang con; các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Về một số lưu ý khi khám sàng lọc trước tiêm chủng tại bệnh viện, Bộ Y tế khuyến cáo:

Trường hợp trẻ có tiền sử dị ứng với vắc xin hoặc nghi ngờ dị ứng với vắc xin, nếu trẻ có bằng chứng dị ứng với loại vắc xin tiêm lần trước thì không tiêm chủng cho trẻ; trẻ có tiền sử nghi ngờ dị ứng với vắc xin, cần khám, đánh giá nguyên nhân và mức độ dị ứng.

Trường hợp trẻ có vàng da sơ sinh, không chống chỉ định và không tạm hoãn tiêm chủng đối với trường hợp vàng da sinh lý có nồng độ bilirubin huyết thanh ≤ 7mg/dL, nếu không thực hiện xét nghiệm thì dựa vào phân vùng vàng da Krammer; tạm hoãn tiêm chủng với trường hợp vàng da bệnh lý hoặc vàng da sinh lý có nồng độ bilirubin máu > 7mg/dL.

Trường hợp trẻ đẻ non hoặc nhẹ cân so với tuổi, suy dinh dưỡng, mổ đẻ, không có chống chỉ định, không tạm hoãn tiêm chủng đối với trẻ có cân nặng ≥ 2.000g hoặc mổ đẻ, cần thực hiện tiêm chủng đúng lịch cho trẻ; không có chống chỉ định và không tạm hoãn tiêm chủng vắc xin viêm gan B đối với trẻ sinh non có tuổi thai 28-36 tuần; không có chống chỉ định và không tạm hoãn tiêm chủng vắc xin BCG đối với trẻ sinh non có tuổi thai 34-36 tuần. Tính tuổi của trẻ để xác định ngày tiêm chủng theo ngày tháng năm sinh của trẻ.

Trường hợp trẻ đang điều trị kháng sinh, cần khám, đánh giá lý tình trạng bệnh lý, nếu trẻ không có chống chỉ định hoặc tạm hoãn, sau đó thực hiện tiêm chủng cho trẻ theo lịch.

Trường hợp trẻ nhiễm hoặc nghi nhiễm HIV nhưng chưa ở trong giai đoạn AIDS, nếu trẻ không có các chống chỉ định hoặc tạm hoãn, tiêm chủng cho trẻ theo lịch kể cả vắc xin sống giảm độc lực.

Trường hợp trẻ có bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, gan, thận, máu, ung thư, thần kinh, nếu tình trạng bệnh của trẻ đang ở giai đoạn ổn định, trẻ không ở trong tình trạng cấp tính, không có chỉ định can thiệp điều trị cấp cứu thì không chống chỉ định hoặc tạm hoãn tiêm chủng, cần thực hiện tiêm chủng cho trẻ theo lịch; nếu trẻ thiếu yếu tố đông máu, cần truyền yếu tố đông máu bị thiếu trước khi tiêm chủng./.
Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội