Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý cho người cao tuổi trong phòng, chống Covid–19
10/04/2020 07:57 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Covid-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A do virus SARS-CoV-2 gây ra, lây truyền từ người sang người. Các số liệu thống kê nghiên cứu cho thấy, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ cao hơn mắc Covid-19, bệnh cảnh nặng nề hơn, điều trị kéo dài hơn với chi phí tốn kém hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh, bởi vậy, ngăn ngừa sự lây lan bệnh là giải pháp quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch.
(Ảnh minh họa)
Phòng, chống Covid-19 cho người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại cộng đồng
Bộ Y tế khuyến cáo, trong sinh hoạt hằng ngày, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính cần:
Thực hiện phương châm vệ sinh nhà cửa, rửa tay thường xuyên; giữ nhà cửa vệ sinh, thoáng mát, tránh gió lùa; thường xuyên khử khuẩn, vệ sinh nhà cửa theo khuyến cáo phòng chống, dịch Covid-19, đặc biệt, với các đồ dùng hay sử dụng như điện thoại, điều khiển TV, tay nắm cửa, sàn nhà, phòng vệ sinh....; thực hành rửa tay thường xuyên, đúng cách, ít nhất 20 giây (ví dụ, thời gian rửa tay khi hát hết một lượt bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng) với xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn; chuẩn bị sẵn xà phòng, dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, nồng độ cồn dưới 90% để cả gia đình cùng rửa tay.
Súc họng thường xuyên bằng các dung dịch nước súc họng trước mỗi lần ra khỏi nhà, sau khi tiếp xúc gần với người khác.
Tránh chạm tay lên mắt, mũi, miệng.
Nếu có triệu chứng ho, hắt hơi cần đeo khẩu trang; sử dụng giấy che miệng, mũi khi ho, hắt hơi hoặc ho vào khuỷu tay.
Đồng thời, trong thời gian giãn cách xã hội tại nhà, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính cần:
- Thay đổi các hành vi, lối sống có hại cho sức khỏe như bỏ thuốc lá, giảm sử dụng rượu bia.
- Thực hiện chế độ ăn đủ dinh dưỡng (1700-1900 Kcal/ngày), cân đối, lành mạnh, đủ cả tinh bột, đạm, chất béo cả động vật và thực vật, vitamin và khoáng chất, nhiều rau xanh.
- Đảm bảo ăn 3-4 bữa mỗi ngày, ăn nóng, thức ăn nên luộc, hấp nấu chín mềm. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày.
- Nên ăn ít thịt, thay bằng cá, tôm, cua. Mỗi tuần nên ăn ít nhất 03 bữa cá, 03 quả trứng ăn thêm sữa chua; nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, trong đó chất béo thực vật chiếm khoảng 35% tổng lượng chất béo trở lên.
- Những người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh gout... cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Bên cạnh đó, gia đình, cộng đồng và bản thân người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính cần nâng cao ý thức, bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến thức ăn; uống đủ lượng nước cần thiết hằng ngày (khoảng 1200ml -1800ml/ngày); bổ sung thêm các vitamin C, D để tăng cường sức khỏe trong điều kiện cách ly, hạn chế tiếp xúc xã hội dài ngày; tăng cường các hoạt động trong nhà, ngoài trời, quanh nhà trong phạm vi sức khỏe cho phép như đi bộ, tập thể dục quanh nhà, làm vườn với thời lượng ít nhất 30 phút/ngày và 05 ngày/tuần (trường hợp người bị hạn chế vận động, cần tăng cường luyện tập tại chỗ trên giường tuỳ theo điều kiện cho phép, hướng dẫn người chăm sóc xoa bóp, hỗ trợ tập luyện, phục hồi chức năng); lưu ý, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 trên các kênh thông tin chính thống, thông báo ngay cho cán bộ y tế khi có bất cứ thành viên trong hộ gia đình có tiền sử tiếp xúc hay có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 như sốt, ho, hắt hơi... để được tư vấn, hướng dẫn xử trí phù hợp.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính trong phòng, chống Covid-19
Người cao tuổi cần ăn đủ số lượng thực phẩm, ví dụ, trưa, tối ăn 01 lưng bát con cơm/bữa, tổng nguồn cung cấp chất đạm khoảng 200-250g thịt/cá các loại, thực phẩm cả từ nguồn động vật và thực vật, dầu ăn 10-15ml, 300g rau xanh, 300g quả chín, 01 cốc sữa (200ml) và 01 hộp sữa chua.
Chế độ ăn cần đa dạng thực phẩm để phòng tránh suy dinh dưỡng, sụt cân: Đủ chất đạm từ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, cá, tôm, trứng và có thể phối hợp các loại đậu đỗ như đậu tương, đỗ xanh, đỗ đen... Lưu ý chế biến hợp khẩu vị, sở thích, khả năng nhai, nuốt thức ăn để có thể ăn đủ số lượng. Nếu không thể ăn đủ lượng thực phẩm cần thiết, gầy, hoặc sụt cân nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày. Bên cạnh chế độ ăn cần tăng đậm độ năng lượng (món ăn có giá trị dinh dưỡng cao).
Nếu người cao tuổi có mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hay suy thận, suy tim thì thực hiện chế độ ăn điều trị các bệnh này như bác sĩ đã hướng dẫn.
Để tăng cường miễn dịch, bữa ăn cần đa dạng các loại thực phẩm chứ không phải chỉ có một loại thực phẩm cụ thể nào làm tăng cường miễn dịch. Ăn đa dạng thực phẩm sẽ cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết đặc biệt các loại vitamin A, C, D, E, Sắt, Kẽm, Selen vì đóng vai trò quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa, duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa. Nên lưu tâm các loại thực phẩm như sau:
- Vitamin A và Beta-caroten: Lòng đỏ trứng, trứng gà, gan gà, gan lợn (lưu ý đảm bảo nguồn an toàn), một số loại sữa thường dùng được bổ sung vitamin A, các loại rau màu xanh đậm, quả chín màu vàng, đỏ cũng chứa nhiều Beta-caroten (tiền chất của Vitamin A) như rau dền cơm, rau ngót, rau muống, cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ...
- Vitamin C: Quả chín, rau tươi như cam, quýt, bưởi, nho, cà chua, súp lơ, củ cải, rau đay, rau dền đỏ, rau ngót…
- Vitamin D cùng với canxi, phospho giúp xương, khối cơ và răng khỏe mạnh, phòng chống nhiễm trùng. Cần 400IU Vitamin D hàng ngày, cơ thể có thể tự tổng hợp khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời và có thể bổ sung vitamin D hoặc từ một số loại thức ăn được bổ sung thêm vitamin D (như các loại sữa). Uống bổ sung với người ở trong nhà, ít ra ngoài không tiếp xúc đủ ánh nắng.
- Vitamin E: Chủ yếu có nguồn gốc thực vật như dầu hướng dương, dầu ô liu, các loại hạt (hướng dương, hạnh nhân...), quả bơ.
- Selen: Gạo lứt, yến mạch, hạt điều, nấm, chuối, cá, trứng, tôm, rong biển, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, sữa, sữa chua…
- Sắt, kẽm: Thịt các loại, hải sản như hàu, cua... và nội tạng động vật như gan, tim… (lưu ý đảm bảo nguồn an toàn). Một số loại sữa thường dùng được tăng cường sắt, kẽm.
- Một số gia vị/thực phẩm chứa các hoạt chất giúp hỗ trợ tăng cường miễn dịch như sữa chua (sữa chua nước), tỏi, nghệ, sả, nấm, tảo biển, trà xanh...
Uống nước đủ, đúng cách để góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19 người cao tuổi uống từ 6 - 9 cốc (tương đương 1.200ml -1.800ml), khi bị sốt cần uống nhiều hơn. Cần uống nước sạch, ấm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát để giữ ẩm cổ họng, không uống nước nhiều trước khi đi ngủ, không uống nước ngọt thay nước lọc. Hạn chế những đồ uống chứa cồn.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng lưu ý một số nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm, cụ thể:
- Khi mua thực phẩm ngoài chợ: Không tiếp xúc với vật nuôi lang thang, gia súc, gia cầm bị bệnh hay thịt vật nuôi bị ôi, hỏng, chất thải và nước thải trong chợ.
- Khi chế biến thực phẩm tại nhà: Sử dụng dao, thớt riêng khi thái thực phẩm sống và đồ ăn chín.
- Thói quen ăn uống đảm bảo vệ sinh: Luôn ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm; khi ăn nơi công cộng, tập thể, không sử dụng đũa, thìa cá nhân để lấy các món ăn dùng chung; không nên uống chung ly nước hoặc đồ đựng các loại thức uống với người khác; rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch đúng cách sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thực phẩm sống trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc