Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình huống thiên tai, bão lũ

19/10/2021 09:21 PM


Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới, tần suất xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới gia tăng, gây mưa lớn và có thể xảy ra tình trạng bão lũ trên diện rộng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Công điện 1311/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế xây dựng Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình huống xảy ra thiên tai.

Để đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, chuyển điều trị kịp thời các trường hợp mắc Covid-19 khi xảy ra thiên tai (bão, lũ...) tại vùng có dịch bệnh và vùng có nguy cơ dịch, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một nội dung phòng, chống dịch Covid-19 trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai.

Theo đó, trước khi xảy ra thiên tai, cần thành lập/kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương; chủ động theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, dịch bệnh và vùng có mức độ nguy cơ dịch bệnh; tổ chức xét nghiệm và ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho thành viên của các lực lượng tham gia phòng, chống bão lũ, thiên tai, thảm họa; xây dựng, kiện toàn bổ sung kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly/trung tâm quản lý cách ly người nhiễm SARS-CoV-2, điều trị bệnh nhân Covid-19…; thành lập các tổ điều trị cơ động để thực hiện ứng cứu khẩn cấp cho bệnh nhân Covid-19 hoặc cấp cứu các bệnh khác tại khu vực bị chia cắt bởi bão, lũ và điểm tránh trú an toàn; tổ chức tuyên truyền phổ biến, cập nhật kiến thức, kỹ năng về phòng, chống dịch Covid-19 cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; tuyên truyền, hướng dẫn cho cộng đồng về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi xảy ra bão, lũ, thiên tai, thảm họa, đặc biệt là các biện pháp phòng, chổng dịch khi di chuyển và lưu trú tại các điểm tránh trú an toàn khi xảy ra thiên tai, bão lũ; xây dựng kế hoạch, đảm bảo đáp ứng đủ nhân lực, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm, dự trữ đủ thuốc, hóa chất và các trang thiết bị cần thiết; xác định quy mô điểm tránh trú và số lượng điểm tránh trú trên địa bàn, đảm bảo di chuyển thuận lợi, an toàn cho người dân.

Trong tình huống xảy ra thiên tai, thảm họa, triển khai các Kế hoạch, phương án, kịch bản đã được xây dựng để điều hành, chỉ đạo và ra quyết định tại chỗ theo diễn biến tình hình bão lũ, thiên tai, dịch bệnh Covid-19. Trường hợp có ca nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2 thì tiến hành cách ly, điều tra, khoanh vùng, dập dịch theo quy định. Trường hợp phải sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm ảnh hưởng bởi thiên tai đến điểm tránh trú an toàn, cần đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong thực hiện sơ tán người dân, trong điều kiện thời gian cho phép có thể tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhóm dân cư tại vùng có nguy cơ cao hoặc rất cao cần phải sơ tán: thực hiện test nhanh để tách trường hợp nghi ngờ nhiễm để vận chuyển về các khu vực cách ly riêng tại điểm tránh trú. Thực hiện quản lý, giám sát cách ly, điều trị hoặc chuyển tuyến đối với các trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2 tại phòng cách ly tạm thời hoặc khu vực cách ly của người bệnh COVID-19; đảm bảo các trang thiết bị tối thiểu cần thiết và bố trí sẵn ô tô/ phương tiện phù hợp để chuyên chở cần cách ly, điều trị tới khu cách ly, điều trị, chuyển tuyến khi cần. Tổ chức trực bảo đảm y tế, phòng chống dịch 24/24 tại các địa điểm sơ tán, nơi tránh trú an toàn. Và bảo đảm vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh; trong đó, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch phục vụ cho hoạt động ăn uống, sinh hoạt của người dân tại khu tránh trú; thu gom và xử lý chất thải phát sinh theo quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý chất thải y tế nguy hại.

Sau khi xảy ra thiên tai, tổ chức rà soát tình hình sức khỏe người dân (thông tin cá nhân, tình hình sức khỏe, ho, sốt,...) để sàng lọc phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trước khi rời điểm tránh trú an toàn; lực lượng tham gia phòng chống thiên tai yêu cầu xét nghiệm nhanh (test kháng nguyên nhanh) hoặc xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (nếu có điều kiện) trước khi kết thúc nhiệm vụ; sắp xếp và bố trí phương tiện vận chuyển, hỗ trợ người dân rời điểm tránh trú về nhà hoặc khu vực được quản lý, cách ly an toàn; thực hiện vệ sinh môi trường đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; tổ chức tổng kết kết quả công tác bảo đảm phòng chống dịch, phòng, chống thiên tai, đánh giá, rút kinh nghiệm để báo cáo cũng như có kế hoạch chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, sẵn sàng ứng phó với các trường hợp trong những tình huống thiên tai tiếp theo có thể xảy ra và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của địa phương tùy theo tình hình dịch bệnh.

Tạp chí BHXH