Ngày Xuân suy ngẫm về truyền thông trong di sản Hồ Chí Minh

01/03/2018 09:36 AM



Bác Hồ hoạt động và lãnh đạo cách mạng từ những năm hai mươi đến cuối thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước. Trong di sản của mình, Người chưa dùng khái niệm “truyền thông”, nhưng trên thực tế những gì ngày nay chúng ta hiểu biết về truyền thông thì hầu như Hồ Chí Minh đã sử dụng trong công tác cách mạng của mình. Rõ ràng nhất là bản chất của truyền thông là truyền tải thông điệp, giúp cho mỗi người và mọi người nhận thức được và hiểu biết các lĩnh vực khác nhau, đa dạng, phong phú của đời sống kinh tế - xã hội thì đã thể hiện rất rõ trong di sản Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định rằng Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc trong việc truyền tải thông điệp “biến người nô lệ thành người tự do”, “rũ bùn đứng dậy chói lòa”, vì những gì Người thực hiện mà ngày nay chúng ta gọi là công tác truyền thông, đã góp phần to lớn vào nhiệm vụ giải phóng và phát triển đất nước. Nói về nguồn lực để tạo xung lực trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam từ cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân, có thể khẳng định truyền thông theo phương thức Hồ Chí Minh đã tạo nên một sức mạnh “dời non, lấp biển” to lớn, hiệu quả.

Những nhận xét trên đây là hoàn toàn có cơ sở, vì cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh cho ta thấy rõ điều đó. Truyền thông trong di sản Hồ Chí Minh có hai mảng lớn: bằng ngôn từ và bằng hành động thực tiễn.

Một là, bằng ngôn từ qua báo chí, sách, bài phát biểu, truyền đơn, lời kêu gọi, thư, điện, v,v… Bác Hồ là người Việt Nam đầu tiên đã dùng “Yêu sách” như một kênh truyền thông hữu hiệu để gửi thông điệp rất quan trọng của Nhân dân An Nam về ân xá những người bản xứ; cải cách nền pháp lý ở Đông Dương; về tự do, lập hội, cư trú, học tập,… tới Chính phủ Đồng minh thắng trận trong thế chiến thứ nhất. Dù những “Yêu sách” đó không được chấp nhận nhưng ý nghĩa của thông điệp truyền thông là rất lớn. Tên một người Việt Nam yêu nước thật sự (Nguyễn ÁI QUỐC - Nguyễn YÊU NƯỚC) lần đầu tiên đã xuất hiện trên vũ đài chính trị quốc tế. “Yêu sách” được ví như một “quả bom” chính trị nổ giữa lòng nước Pháp. Còn người Việt Nam ở trong và ngoài nước biết được các yêu cầu, từ ngày ấy phong trào cách mạng Việt Nam càng lên cao. Kẻ thù khám xét, đàn áp, điều đó chứng tỏ sức mạnh và hiệu quả của “Yêu sách”.

Sau “Yêu sách” là báo chí. Bác Hồ sớm nhận thức được tầm quan trọng của báo chí như một kênh truyền thông phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, sau khi vào “làng báo”, Người viết bài cho nhiều tờ báo quốc tế; Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Le Paria (Người cùng khổ). Báo ra đời, Người lại viết truyền đơn cổ động mua báo. Không chỉ báo mới truyền đi được thông điệp có ý nghĩa tuyên ngôn, nêu rõ tôn chỉ, mục đích của báo như “tố cáo sự lạm quyền về chính trị, lối cai trị độc đoán”; kêu gọi tổ chức Nhân dân thuộc địa đoàn kết, đấu tranh cho tiến bộ về vật chất và tinh thần, mà ngay cả truyền đơn cổ động cũng chứa đựng một thông điệp truyền thông quan trọng như Người đã nói rõ trong truyền đơn cổ động mua báo Le Paria rằng “tờ báo này sẽ giúp Nhân dân thuộc địa thoát khỏi cảnh nô lệ, dẫn dắt những người cùng khổ quét sạch mọi kẻ bóc lột”.

Cùng với báo chí là sách, cũng là một phương tiện tích cực trong việc truyền tải thông tin đến quần chúng nhân dân. Đường Kách mệnh là cuốn sách lý luận cách mạng đầu tiên ở Việt Nam đến nay đã qua 90 năm nhưng vẫn nguyên giá trị. Cuốn sách truyền tải nhiều thông điệp quan trọng: 1. Vì sao chúng ta muốn sống phải làm kách mệnh? 2. Vì sao kách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người? 3. Đem lịch sử kách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. 4. Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. 5. Ai là bạn ta? Ai là thù ta? 6. Kách mệnh thì phải làm thế nào? Viết về 23 điều tư cách của người cách mạng, Bác muốn gửi cho các thế hệ những người cách mạng từ đó đến nay thông điệp quan trọng: đã dấn thân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản thì trước hết, hàng đầu phải có đạo đức cách mạng. Thông điệp đó sau này tiếp tục được khẳng định với quan điểm nổi tiếng “đạo đức là gốc của người cách mạng. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”.

Có thể nói sách, báo là những phương tiện truyền thông được Hồ Chí Minh sử dụng liên tục, có hiệu quả từ những năm hai mươi cho đến tận cuối đời. Ngày nay chúng ta khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc của Người về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam và cách mạng thuộc địa. Đó chính là những thông điệp về Nhân dân làm chủ; về sứ mệnh phục vụ Nhân dân của Đảng và Chính phủ; về đại đoàn kết toàn dân tộc; về dân chủ; về đạo đức cách mạng; về vai trò của cán bộ, đảng viên; v.v..

Hồ Chí Minh cũng có nhiều bài phát biểu, lời kêu gọi tựa lời hịch vang dậy núi sông như Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946); Không có gì quý hơn độc lập, tự do (17/7/1966)…

Bản Di chúc là một tác phẩm mang tầm vóc, ý nghĩa và giá trị một kiểu truyền thông hiện đại vì nó chứa đựng những thông điệp không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai, để lại một dấu ấn trong sự phát triển của đất nước. Chẳng hạn đó là những vấn đề về đoàn kết, về dân chủ, về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, về công việc đối với con người, vấn đề chỉnh đốn lại Đảng, v.v..

Hai là, truyền thông không bằng lời mà thông qua hành động thực tiễn. Một trong những kiểu truyền thông có hiệu quả chính là qua cử chỉ, nét mặt, điệu bộ, “ngôn ngữ cơ thể”… Ẩn chứa sâu thẳm bên trong, đằng sau những điều đó chính là tác phong, phong cách Hồ Chí Minh, xuất phát từ sự chân thật trong nhân cách, cốt cách của Người. Những lời nói, bài viết của Người - nói theo khoa học là tư tưởng Hồ Chí Minh - hóa thân vào các ứng xử cả tầm chiến lược lẫn trong giao tiếp đời thường. Tư tưởng Hồ Chí Minh có một bảo chứng, đó là cuộc đời, tấm gương của Người mang giá trị thông điệp thuyết phục hùng hồn.

Người sống như những điều Người nói. Rất nhiều ví dụ tỏ cho chúng ta thấy rõ điều đó: Cái ăn, cái mặc, cái ở, phương tiện đi lại của Người không khác gì của người dân, anh chị em phục vụ, cán bộ công chức bình thường, thậm chí vẫn là quả cà muối, đĩa cá kho, bát canh rau, nước tương, quả ớt… Cho đến trước lúc vĩnh biệt chúng ta, Người vẫn chưa nhận tấm huân chương mà Đảng và Nhà nước tặng, chờ đến lúc miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, đồng bào miền Nam sẽ trao cho Người. Cho đến lúc qua đời, Người vẫn ở ngôi nhà sàn, vẫn đôi dép cao su từ chiến khu về Thủ đô Hà Nội, vẫn những bộ quần áo cũ… như lời Người nói: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Hồ Chí Minh không coi và không bao giờ tự nhận những hành động thực tiễn cuộc đời mình là truyền thông, nhưng Người có ý thức rất rõ đó chính là cách truyền thông có sức mạnh nhất, bền vững nhất, có hiệu quả nhất, đem lại giá trị lớn nhất. Người luôn luôn có ý thức về sự nêu gương, gương mẫu. Điều này hoàn toàn không dễ. Tuyên ngôn không khó, nói thì dễ, làm mới khó. Hành vi chứa đựng tư tưởng có giá trị khoa học, cách mạng và nhân văn lại càng khó hơn. Người ta ca ngợi, tôn kính và đề cao Hồ Chí Minh bởi mỗi cử chỉ, việc làm, hành động, ánh mắt, nụ cười của Người đều chứa đựng những thông điệp có giá trị. Người đã tạo ra một sự tương tác xã hội đặc biệt, độc đáo giữa Người với mọi người xung quanh. Trong cuộc đời hoạt động vô cùng oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ, Hồ Chí Minh đã để lại những ấn tượng hết sức sâu sắc trong tất cả những ai đã từng được gặp Người. Giao tiếp với nhiều đối tượng khác nhau, Hồ Chí Minh đã có một cách ứng xử ở tầm nghệ thuật, gần như hoàn thiện, làm cho mọi người có thể cảm nhận đầy đủ cái đẹp của cuộc sống, cái cao thượng của nhân cách con người, những giá trị về Chân, Thiện, Mỹ. Chính nhân cách lớn và cuộc đời cao thượng của Hồ Chí Minh với tư cách là chủ thể trong giao tiếp với đối tượng bằng cử chỉ, thái độ, phong thái, phong độ đã tạo ra một kiểu truyền thông, một kênh thông tin mẫu mực ở Hồ Chí Minh. Nhân loại nói rằng “chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó”, thì cái làm nên huyền thoại ở Hồ Chí Minh chính là những hành vi từ cuộc đời thực của Người chứa đựng những thông điệp lớn.

Tác phong Hồ Chí Minh phản ánh một lối sống bình dị, gần với tự nhiên, tự nhiên đến mức hồn nhiên, không giả tạo, gượng ép. Tiếp khách quốc tế, thấy có một vị khách húng hắng ho, Người không ngần ngại lấy chiếc khăn quàng của mình cho khách. Năm 1946, ở Pari, một nhà báo Pháp muốn làm giảm thiện cảm của những người Pháp không ưa cộng sản đối với Bác, bằng cách đưa ra một câu hỏi: “Thưa Chủ tịch, Ngài có phải là cộng sản không?”. Bác Hồ nhanh chóng đi đến chỗ có lẵng hoa, vừa rút ra từng bông tặng mỗi người, vừa vui vẻ nói: “Tôi là người cộng sản như thế này đây”.

Trong một buổi nói chuyện cho cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng ở chiến khu Việt Bắc nhân kỷ niệm Quốc khánh lần thứ tư năm 1949 trong một cái nhà to bằng nứa, không phải hội trường, Bác thấy những vị có chức quyền trong Văn phòng, những anh khỏe mạnh nhanh chân tranh nhau ngồi trước vây quanh Bác, còn phụ nữ bận con cái, việc gia đình, đến sau, ngồi sau. Thấy không ổn vì phụ nữ quá thiệt thòi, Bác đứng dậy đi xuống phía sau và nói rằng “các cô, các chú phải ngồi đúng vị trí của mình, riêng diễn giả được phép thay đổi chỗ. Khi đi xuống phía sau, Bác bảo mọi người quay mặt lại, thế là mấy chục chị em tưởng phải ngồi cuối lại hóa ra được ngồi đầu, ngay cạnh Bác.

Nhiều thông điệp từ cuộc đời “thanh bạch chẳng vàng son” của Bác: Câu chuyện Bác không đồng ý để đồng chí Chủ tịch huyện Vĩnh Thành (Nghệ An) đưa ô lên che nắng trong buổi nói chuyện với đồng bào trên một ngọn đồi thấp. Người từ chối cưỡi ngựa trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 khi anh em cảnh vệ khẩn khoản mời. Bác bảo anh em công tác trong Phủ Chủ tịch hằng ngày cứ tiếp tục đạp xe mà đi làm việc của mình, không phải xuống dắt bộ khi gặp Bác với câu nói vui “Bác có phải cái đền có biển “hạ mã” ở trước để ai đi qua cũng phải xuống xe, xuống ngựa”… Những câu chuyện đó chứa đựng nhiều giá trị, quý hơn biết bao bản tuyên bố hay những lời hứa hẹn, bởi vì nó còn lại mãi trong lòng dân tộc về một kiểu truyền thông hoàn toàn mới giữa lãnh tụ và quần chúng Nhân dân. Quá trình chia sẻ thông tin, kiểu tương tác xã hội đó của Hồ Chí Minh trở thành mối giao hòa, trong đó chủ thể và đối tượng đã hóa thân vào nhau.

Tiêu biểu cho nền văn hóa của tương lai, phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh thể hiện một nhân cách văn hóa mang lại giá trị truyền thông bền vững, độc đáo, không hề thấy ở bất kỳ ai. Với quần chúng Nhân dân, kiểu truyền thông của Hồ Chí Minh cho ta một thông điệp như Người thường nói: “Bác có phải vua đâu”. Người sống giữa lòng dân, không đứng trên mà đứng trong đội ngũ quần chúng Nhân dân. Với các người khác, các nhân sĩ trí thức, tôn giáo, không đảng phái, phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh làm cho tất cả những ai đã đến với Người thì không bao giờ từ giã Người cả. Một trong những ý nghĩa lớn nhất của thông tin kiểu truyền thông bằng tác phong của Hồ Chí Minh chính là tạo ra sự quy tụ thay vì loại trừ, tìm được mẫu số chung của toàn dân tộc thay vì khoét sâu sự cách biệt. Những con người như đại trí thức không đảng phái Huỳnh Thúc Kháng nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bùi Bằng Đoàn - nguyên Thượng thư Bộ hình làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Phan Kế Toại - nguyên Khâm sai Bắc Kỳ làm Phó Thủ tướng, Linh mục Phạm Bá Trực đi kháng chiến, vận động đồng bào công giáo kính Chúa yêu nước… là những minh chứng hùng hồn cho điều đó, chứng minh cho sức mạnh truyền thông bằng phong cách của Hồ Chí Minh. Hòa thượng Thích Đôn Hậu viết rằng “tất cả những người đã đến với Hồ Chủ tịch thì không bao giờ từ giã Người cả. Tôi đã hiểu vì sao Người là một lãnh tụ sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà Người vẫn thu hút được tất cả các thành phần khác trong xã hội đứng chung quanh mình làm việc lớn cho dân, cho nước”.

Ngày nay, thời đại cách mạng khoa học và công nghệ, thế giới toàn cầu cho phép phương tiện truyền thông hết sức đa dạng, phong phú như điện tử, truyền hình, radiô, báo chí, tờ rơi, fanpage, điện ảnh, sách, phát thanh… nhưng vẫn không thể thay thế được kiểu truyền thông bằng hành vi, hành động thực tiễn, bằng tác phong. Tất nhiên, đó phải là những hành vi, hành động, việc làm, cử chỉ, tác phong của một nhân cách văn hóa, chân thật, trong sáng, thật sự vì nước, vì dân. Bác Hồ dạy rằng “muốn biết một chính đảng, hay một người có phải là Đảng hay chiến sĩ tiên phong của vô sản hay không, ta không nên chỉ xem những tuyên ngôn, nghị quyết và nghe lời nói của họ; ta cần xét hành vi chính trị của họ, lập trường và thái độ của họ trong những cuộc đấu tranh chính trị thế nào?”. Đây cũng chính là lý do tại sao hiện nay Đảng ta - cùng với việc nhấn mạnh tư tưởng, đạo đức - lại đề cao việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh. Phong cách Hồ Chí Minh là một kiểu truyền thông mang lại những thông điệp chứa giá trị trực tiếp, nhanh nhất, có sức thuyết phục nhất, lâu dài, bền vững.

Sự kết hợp của hai mảng truyền thông trong quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh cần được vận dụng và phát triển sáng tạo trong điều kiện hiện nay. Đó là việc làm hết sức cần thiết, và chắc chắn sẽ đem lại sức mạnh, hiệu quả lớn, giá trị vững bền./.



Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội