90 mùa xuân – Sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về chinh sách xã hội
04/02/2020 02:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trải qua 90 mùa Xuân, Đảng luôn hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đem lại độc lập cho dân tộc, phấn đấu từng bước thực hiện chính sách xã hội, làm cho ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, chữa bệnh. Chặng đường gần một thế kỷ cho thấy sự phát triển vượt bậc tư duy lý luận của Đảng về những vấn đề xã hội.
Đảng có nhận thức sớm về các vấn đề xã hội
Ngay từ khi ra đời đầu năm 1930, trong những văn kiện đầu tiên, cùng với các phương diện chính trị, kinh tế, với sợi chỉ đỏ xuyên suốt là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản”, Đảng đã nói rõ về phương diện xã hội bao gồm “dân chúng được tự do tổ chức; nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục theo công nông hóa”. Đó là tư tưởng chỉ đạo, cơ sở vững chắc để xuyên suốt 90 năm qua, Đảng tiếp tục phát triển tư duy lý luận về chính sách xã hội.
Hơn mười năm sau, để chuẩn bị cho cuộc vùng dậy của toàn dân tộc giành lấy chính quyền về tay nhân dân, cùng với việc họp Hội nghị Trung ương tám (5-1941), Bác Hồ và Đảng ta đã thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), trình bày rõ Chương trình Việt Minh, Mười chính sách của Việt Minh. Tư tưởng, chính sách rường cột của Việt Minh là giành quyền độc lập cho nước Việt Nam để thực hiện ích nước, lợi dân. Trên cơ sở đó, Chương trình Việt Minh trình bày 6 chính sách gồm chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, đối với các tầng lớp nhân dân, xã hội, ngoại giao.
Vấn đề xã hội được thiết kế thành một chính sách riêng, nhưng trên thực tế những chính sách khác như văn hóa giáo dục, đặc biệt là đối với các tầng lớp nhân dân cũng thể biện và phản ánh rõ nét quan điểm của Đảng và Bác Hồ về thi hành chính sách xã hội. Mục E - Xã hội - nói rõ về thi hành luật lao động, ngày làm việc 8 giờ; giúp đỡ các gia đình đông con; lập ấu trĩ viên để chăm nom trẻ con; lập thêm nhà thương, nhà đỡ đẻ, nhà dưỡng lão… Mục D - Đối với các tầng lớp nhân dân - nói rõ chính sách đối với 10 hạng người, bao gồm công nhân, nông dân, binh lính, học sinh, phụ nữ, thương nhân và các nhà kinh doanh, viên chức, người già và kẻ tàn tật, nhi đồng, Hoa kiều. Tuy không để trong mục “Xã hội”, nhưng thực chất đây là chính sách xã hội đối với các tầng lớp nhân dân. Trong đó có những chủ trương, chính sách mang tầm của an sinh xã hội hiện nay như “Cứu tế thất ngiệp. Xã hội bảo hiểm” cho công nhân; cứu tế nông dân; giúp đỡ học trò nghèo. Từ năm 1941 đã bàn chính sách xã hội đối với tầng lớp thương nhân và các nhà kinh doanh là một tầm nhìn xa của Bác Hồ và Đảng ta, soi sáng chính sách xã hội trong sự nghiệp đổi mới hôm nay.
Chương trình Việt Minh có thể xem như là tiền Hiến pháp của nước Việt Nam mới. Đây là động lực đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đây là nền tảng để sau khi các mạng thành công, Đảng ta tiếp tục phát triển về nhận thức và triển khai trong thực tiễn suốt quá trình tiến hành các cuộc kháng chiến chống xâm lược và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Hơn 30 năm đổi mới - Những bước tiến mới trong nhận thức của Đảng về chính sách xã hội
Đại hội lần thứ VI (12-1986) đánh dấu sự đổi mới của Đảng về nhiều lĩnh vực, trước hết và xuyên suốt là đổi mới tư duy. Cùng với những mục tiêu về kinh tế, Đảng ta xác định rõ nét về phương hướng, nhiệm vụ của chính sách xã hội. Đảng khẳng định chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người. Đảm bảo thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội, tức là coi nhẹ yếu tố con người.
Bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới, tư duy của Đảng cho thấy cần có một chính sách xã hội cơ bản, lâu dài, phù hợp với yêu cầu, khả năng trong chặng đường đầu tiên. Theo đó, Đảng ta xác định kế hoạch hóa dân số, giải quyết việc làm cho người lao động. Thực hiện công bằng xã hội, lối sống có văn hóa; bảo đảm an toàn xã hội. Chăm lo đáp ứng các nhu cầu giáo dục, văn hóa, bảo vệ và tăng cường sức khỏe của nhân dân. Xây dựng chính sách bảo trợ xã hội. Thực hiện chính sách giai cấp và chính sách dân tộc.
Phương hướng, nhiệm vụ về chính sách xã hội đưa ra trong Nghị quyết Đại hội VI - văn kiện đầu tiên của sự nghiệp đổi mới - chỉ 5 năm sau đã được ghi vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội thông qua ở Đại hội VII (6-1991). Trong 6 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa có hai đặc trưng trực tiếp bàn về chính sách xã hội, khẳng định con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.
Cương lĩnh năm 1991 nêu 12 điểm, trong đó điểm 6 bàn riêng về chính sách xã hội. Với sợi chỉ đỏ xuyên suốt là phát huy nhân tố con người, vì hạnh phúc con người, Cương lĩnh khẳng định chính sách xã hội là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân.
Là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng trong những thập kỷ tới, chính sách xã hội trong Cương lĩnh 1991 được bàn khá toàn diện. Phương hướng lớn của chính sách xã hội là đảm bảo công bằng, bình đẳng cả quyền lợi và nghĩa vụ; kết hợp kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, cá nhân và tập thể, trước mắt và lâu dài, đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Về đời sống vật chất, Cương lĩnh khẳng định không ngừng nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất; giải quyết việc làm, điều kiện lao động, học tập, bảo trợ. Có chính sách thích đáng đối với các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cán bộ lão thành, những người về hưu, những người già cả, neo đơn, tàn tật, mất sức lao động, trẻ mồ côi… Gắn với đời sống vật chất, tạo ra một đời sống văn hóa tinh thần cao đẹp, phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ.
Điều cần nhấn mạnh là chính sách xã hội nêu trong Cương lĩnh 1991 bao quát, toàn diện, không chỉ dừng lại từng nội dung, khía cạnh cụ thể, mà đề cập cả việc kết hợp, phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, các đoàn thể, nhà trường, gia đình, từng tập thể lao động, tập thể dân cư, cộng đồng trong việc chăm lo bồi dưỡng hình thành con người mới. Cương lĩnh cũng bàn đến vai trò của chính sách xã hội tác động trực tiếp đến việc hình thành một cộng đồng xã hội văn minh, bao gồm trong đó các giai cấp, các tầng lớp dân cư; thực hiện một chính sách xã hội bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh tiến bộ, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng.
Chỉ 15 năm sau khi nước nhà được thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; 5 năm sau khi Đảng khởi xướng sự nghiệp đổi mới, Cương lĩnh 1991 đã thể hiện được một tầm nhìn xa, sâu, rộng, bao quát hầu hết các lĩnh vực liên quan đến đời sống của con người, vì mục tiêu con người. Chính sách xã hội đó trở thành một động lực thật sự, một mục tiêu cho các hoạt động kinh tế. Trong khuôn khổ của hoạt động kinh tế, chính sách xã hội lại có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, là một nhân tố quan trọng để phát triển sản xuất.
Hai mươi năm sau Cương lĩnh 1991, tại Đại hội XI, Đảng ta có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Trong những định hướng lớn về phát triển các mặt, Cương lĩnh 2011 trình bày toàn diện về chính sách xã hội. Trên nền tảng chính sách xã hội đã nêu trong Cương lĩnh 1991, trong Cương lĩnh 2011, Đảng ta bổ sung, phát triển một số điểm phản ánh sự phát triển nhận thức, những điểm mới về tư duy lý luận của Đảng.
Thứ nhất, Cương lĩnh nhấn mạnh việc gắn nghĩa vụ với quyền lợi, cống hiến với hưởng thụ, lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích cộng đồng.
Thứ hai, Cương lĩnh bổ sung nội dung khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư.
Thứ ba, Cương lĩnh bổ sung việc hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Bảo đảm quy mô hợp lý, cân bằng giới tính và chất lượng dân số.
Thứ tư, Cương lĩnh không chỉ đề cập việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, mà còn cả việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do không tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật.
Tròn 30 năm sau Đại hội VI mở đầu sự nghiệp đổi mới, Đảng ta tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XII (1-2016). Với sự phát triển trong nhận thức về tư duy lý luận và thể hiện qua thực tiễn thực hiện chính sách xã hội, tại Đại hội XII, Đảng ta nâng tầm chính sách xã hội, đặt chính sách xã hội và gắn chính sách xã hội với quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Đảng ta đặt lên hàng đầu việc nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của phát triển xã hội bền vững và quản lý phát triển xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề Đại hội XII đặt ra không dừng lại ở các chính sách xã hội đơn thuần mà là các vấn đề xã hội, đặc biệt là quản lý phát triển xã hội. Chính sách xã hội phải đi cùng với quản lý xã hội; chính sách xã hội phải gắn với phát triển xã hội; phát triển kinh tế phải gắn với phát triển xã hội thành phát triển kinh tế - xã hội; chính sách đối với các giai tầng xã hội phải đi liền với giải quyết hiệu quả các quan hệ xã hội và những vấn đề xã hội bức xúc, kiểm soát rủi ro, sự mất cân đối về phát triển xã hội do phân hóa giàu - nghèo, phân tầng xã hội và các vấn đề khác, những mâu thuẫn có thể dẫn đến các xung đột xã hội bức xúc… Tất cả nhằm bảo đảm sự ổn định, an toàn xã hội, an ninh cho con người, phát triển bền vững.
Đại hội XII đề cập tới việc gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới; mọi người dân có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện.
Nhìn chung lại, qua 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta có nhiều thành tựu về lý luận và thực tiễn trong giải quyết các vấn đề xã hội. Về tư duy lý luận, Đảng ta nhận thức ngày càng cụ thể và đầy đủ hơn tầm quan trọng, mục tiêu, nội dung của việc giải quyết các vấn đề xã hội. Khẳng đinh mục tiêu chính sách xã hội là nhằm xây dựng và phát triển con người, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho con người, góp phần lành mạnh hóa xã hội và phát triển bền vững đất nước. Đảng ta nhất quán chủ trương xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh trên nền và gắn với dân giàu, nước mạnh.
Về thực tiễn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ, chúng ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng về lao động - việc làm; về giảm nghèo bền vững; về chăm sóc sức khỏe nhân dân; về chính sách ưu đãi người có công; về chính sách an sinh xã hội. Năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn khoảng 4%, thấp hơn 1% so với năm 2018; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%; hơn 54% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm hơn kế hoạch gần 2 năm. Giải quyết việc làm tiếp tục được đẩy mạnh.
Bước sang tuổi 91, cùng với việc giải quyết các vấn đề xã hội còn hạn chế, yếu kém, liên quan đến dân tộc, tôn giáo, dân số, đất đai, lao động, việc làm, thu nhập, tiền lương, giảm nghèo, phân hóa giàu nghèo, các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, Đảng ta chắc chắn sẽ có những bứt phá - đột phá mới trong nhận thức tư duy lý luận ở Đại hội XIII, góp phần đưa đất nước phát triển đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như sự mong đợi của Bác Hồ./.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc