Con đường cách mạng Hồ Chí Minh
05/06/2022 09:15 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vào giữa thế kỷ 19, thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Với truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường dân tộc, nhiều phong trào yêu nước đã diễn ra rất sôi nổi và quyết liệt. Tuy nhiên, tất cả các phong trào yêu nước đó đều thất bại, cách mạng Việt Nam “đen tối như không có đường ra”. Lịch sử đặt ra yêu cầu phải tìm được một đường lối cứu nước đúng đắn, một phương pháp cách mạng khoa học để giải phóng dân tộc, đưa đất nước tiếp tục đi lên theo trào lưu chung của nhân loại.
Giữa bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người thanh niên yêu nước tiên tiến của dân tộc đã ra đi tìm đường cứu nước, thực hiện lý tưởng và lòng ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Sau gần một thập kỷ bôn ba qua các lục địa Âu, Á, Phi, Mỹ, vừa lao động kiếm sống, vừa nghiên cứu và khảo sát, Nguyễn Ái Quốc đã có được một sự hiểu biết sâu sắc về tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản, về thể chế chính trị cộng hòa, về đời sống và cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và các dân tộc bị nô dịch. Từ đó, Người rút ra kết luận quan trọng: Muốn dân tộc được độc lập, muốn nhân dân lao động thoát khỏi thân phận người nô lệ, thì phải làm cách mạng một cách triệt để. Không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, không thể thiết lập mô hình nhà nước cộng hòa tư sản, nơi chính quyền chủ yếu thuộc về giai cấp hữu sản. Người chỉ rõ: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.
Sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động trong phong trào công nhân, gia nhập Đảng Xã hội Pháp, hướng về nước Nga Xôviết, về chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 7/1920, sau khi đọc đi, đọc lại nhiều lần Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, Người đã khẳng định: "Ðây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta". Luận cương đã cung cấp cho Nguyễn Ái Quốc cơ sở lý luận quan trọng cho những kết luận mà Người rút ra từ khảo sát thực tiễn dân tộc cũng như thực tiễn thế giới về con đường giải phóng và phát triển dân tộc. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”; "Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ''.
Sự lựa chọn con đường phát triển của dân tộc trong những thập niên đầu thế kỷ 20 không chỉ do những điều kiện chính trị, kinh tế trong nước mà trước hết và cơ bản là nhờ Nguyễn Ái Quốc, bằng thiên tài trí tuệ và bản lĩnh khoa học của mình đã nắm vững giá trị khoa học của phương pháp duy vật biện chứng để xem xét lại và bổ sung, củng cố cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác bằng triết lý lịch sử phương Đông và tư tưởng văn hóa truyền thống Việt Nam. Từ một người dân thuộc địa trong hoàn cảnh phong trào công nhân chưa phát triển, ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin chưa rọi tới, nhưng xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người đã vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại để tìm hiểu, khảo nghiệm cuộc sống của các dân tộc trên thế giới và trực tiếp tham gia phong trào công nhân, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành người cộng sản. Tiêu chuẩn cao nhất cho sự lựa chọn và định hướng của Người là kiên quyết đứng về phía học thuyết và tổ chức cách mạng nào thực sự quan tâm đến cuộc sống và quyền lợi của các dân tộc bị áp bức, bênh vực, ủng hộ và chỉ ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc. Tiêu chuẩn hết sức thiết thực đó của một thanh niên yêu nước một nước thuộc địa lại phù hợp với chân lý của thời đại khi mà cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Đây chính là điểm gặp gỡ có ý nghĩa then chốt giữa con người Nguyễn Ái Quốc, dân tộc Việt Nam với thời đại Lênin.
Từ nhận thức cách mạng và khoa học đó, tại Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, con đường mà Nguyễn Ái Quốc đã đi cũng chính là con đường Người đưa dân tộc chúng ta đi theo. Và trong điều kiện mới của thời đại mở ra từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, đó cũng là con đường mang tính phổ biến ở một khu vực rộng lớn của thế giới - phương Đông thuộc địa đang thức tỉnh - mà Nguyễn Ái Quốc là người khai phá và mở đường. Nguyễn Ái Quốc đã trở thành con người của bước ngoặt lịch sử, mở đường vạch hướng thắng lợi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Và chính Người đã chú tâm nghiên cứu, xây dựng lý luận, tư tưởng chiến lược của cách mạng giải phóng dân tộc để truyền bá vào Việt Nam, dẫn dắt cả một thế hệ thanh niên yêu nước đi theo con đường mà Người đã lựa chọn và tư tưởng cách mạng do Người xây dựng. Người đã tích cực hoạt động, chuẩn bị để thành lập một chính đảng cách mạng tiên phong của giai cấp công nhân nhằm đảm nhiệm sứ mệnh đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trở thành người lãnh đạo duy nhất của phong trào cách mạng nước ta chính là sự giao phó của lịch sử thông qua thử thách sàng lọc nghiêm khắc trên con đường đấu tranh cách mạng quyết liệt của nhân dân ta; là hiện thực hóa trong cuộc sống đấu tranh dân tộc hệ thống quan điểm cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh; là thành quả cơ bản đầu tiên của một thập niên vận động tổ chức phong trào dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản và cuộc vận động thành lập Đảng của Hồ Chí Minh, của một tập thể học trò và nhiều chiến sĩ cách mạng do Người đào tạo. Theo con đường cách mạng Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam vững bước tiến giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do.
Báo Đắk Lắk
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc