Đắk Lắk: Khó khăn, thách thức trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện
04/11/2022 10:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời gian qua, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm lan tỏa chính sách BHXH để thu hút thêm nhiều người lao động, người dân tham gia. Tuy nhiên, thực tế trong 10 tháng đầu năm 2022, Đắk Lắk chỉ có 17.730 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 59,54% kế hoạch; giảm 316 người so với cuối năm 2021. Như vậy, số người còn phải phát triển để đạt chỉ tiêu giao năm 2022 khoảng 12.117 người. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho ngành BHXH trong những tháng cuối năm
Nhiều khó khăn, thách thức
Nguyên nhân chính của việc giảm người tham gia là do tác động của các chính sách đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Từ ngày 01/01/2022 điều chỉnh mức chuẩn nghèo đa chiều ở khu vực nông thôn (từ 700.000 đồng/tháng lên 1.500.000 đồng/tháng) tại Nghị định số 07/2021/NQ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ đã gây khó khăn trong việc duy trì và phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, cùng với đó ảnh hưởng của dịch bệnh, mức giá sinh hoạt tăng cao cũng ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập của người dân.
Mặt khác, chính sách BHXH tự nguyện hiện nay chưa thật sự hấp dẫn, chế độ quyền lợi hưởng còn hạn chế nên người dân chưa đầu tư nguồn tài chính dài hạn để tham gia. Bên cạnh đó, do tác động của tình hình dịch bệnh, đời sống kinh tế và thu nhập của người dân ở vùng sâu, vùng xa, người lao động tự do gặp rất nhiều khó khăn nên người dân không đủ khả năng để tiếp tục tham gia hoặc tham gia mới BHXH tự nguyện.
Hơn nữa, một bộ phận người dân nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT chưa thật sự đầy đủ. Nhất là những người sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hệ thống tổ chức dịch vụ thu chưa thật sự ổn định về điểm thu và nhân viên thu; một số điểm thu chưa đáp ứng theo yêu cầu trong công tác vận động, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; chưa tổ chức theo dõi, đánh giá kết quả vận động, phát triển mới người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình của từng nhân viên thu BHXH, BHYT; chưa đầu tư thời gian cho việc vận động người tham gia đáo hạn, khai thác mới người tham gia BHXH tự nguyện; đa số nhân viên thu đang kiêm nhiệm nhiều việc, chưa bám sát địa bàn để vận động tuyên truyền, tư vấn trực tiếp…
Nhân viên Tổ chức dịch vụ thu tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho người dân
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Trước những khó khăn, thách thức lớn như vậy, BHXH tỉnh đang dồn lực, dồn sức thực hiện nhiều nhóm giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu được giao trong năm 2022, trong đó chú trọng đến công tác truyền thông, nhất là hình thức truyền thông trực tiếp.
Chia sẻ về nhiệm vụ của BHXH tỉnh trong 02 tháng cuối năm, ông Tạ Đức Hậu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết “BHXH, BHYT là chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Nhưng chính sách này sẽ không đi vào thực tiễn cuộc sống nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, không thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế và công tác tuyên truyền không đến được người dân, doanh nghiệp, người lao động thì việc tham gia và thụ hưởng chế độ sẽ rất hạn chế. Thời gian tới, trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, để đạt mục tiêu phát triển người tham gia, mở rộng diện bao phủ BHXH đến toàn bộ lực lượng lao động, BHYT đến toàn dân và bền vững, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đa dạng hình thức truyền thông từ trực tuyến đến trực tiếp. Trong đó, cần tăng cường tổ chức hội nghị truyền thông về chính sách BHXH, BHYT đến người dân, người lao động và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chúng tôi sẽ thành lập các tổ truyền thông nhỏ đến từng địa bàn, tổ dân phố, xã, phường, thôn, buôn. Mục tiêu là từ đây đến cuối năm, phải hoàn thành tỷ lệ bao phủ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Đắk Lắk cũng như chỉ tiêu mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao”.
Đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT tế cho người có uy tín trong đồng bào DTTS
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh sẽ tăng cường kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện cho hệ thống tổ chức dịch vụ thu; giao thêm chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện cho các tổ chức dịch vụ thu lớn; tiếp tục tranh thủ sự chung tay của các cấp Đảng ủy, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho một số nhóm người. Song song đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục… phục vụ ngày càng tốt hơn người tham gia BHXH tự nguyện
Có thể nói, muốn phát triển người tham gia BHXH cần thực đồng bộ nhiều giải pháp và trong đó việc kiên trì, bám sát và tuyên truyền trực tiếp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chỉ có cách này, mới giúp người dân, người lao động dần thay đổi nhận thức và hiểu rằng: BHXH chính là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động, người dân, do Nhà nước tổ chức thực hiện, được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ không vì lợi nhuận, mục đích duy nhất là vì cuộc sống của người dân./.
Huỳnh Kim Tưởng
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc