Đánh giá tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện của người dân Tây Nguyên

10/05/2023 04:57 PM


Để phục vụ cho đề tài nghiên cứu cấp Bộ về các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận BHXH tự nguyện của người lao động khu vực Tây Nguyên, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học BHXH (BHXH Việt Nam) thực hiện lấy phiếu khảo sát tại các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Bà Lê Thị Quế, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học BHXH, trưởng nhóm nghiên cứu

Ngày 10/5/2023, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát tại Đắk Lắk. Cụ thể, theo kế hoạch, nhóm nghiên cứu của Viện khoa học BHXH sẽ phối hợp với BHXH tỉnh Đắk Lắk sẽ lấy phiếu khảo sát 02 xã tại 02 huyện: Cư M’gar và Krông Ana với 150 phiếu/huyện. Trước đó, nhóm nghiên cứu cũng đã thực hiện khảo sát trên địa bàn các huyện của tỉnh Gia Lai, Kon Tum.

Người được chọn khảo sát thuộc 2 nhóm: cán bộ xã, thị trấn, thôn, buôn, hội, đoàn thể, chức sắc, chức việc của tổ chức tôn giáo. Đây là những người gần dân nhất, đồng thời cũng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện (làm nghề buôn bán, làm rẫy, lao động tự do…)

Bà Lê Thị Quế, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học BHXH, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng là khu vực có tính chất đặc thù, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đông. Qua đánh giá chung, có thể thấy, nhận thức về chính sách BHXH, BHYT của người dân còn hạn chế; thu nhập của còn thấp, nhất là vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa… Đây là các yếu tố tác động, ảnh hưởng lớn đến khả năng tham gia BHXH tự nguyện.

“Mục đích của việc tổ chức khảo sát lần này là để đo lường, đánh giá cụ thể về nhận thức, hiểu biết BHXH tự nguyện của người dân, tìm hiểu những nguyên nhân chủ quan/khách quan ảnh hưởng đến việc tham gia BHXH tự. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan BHXH kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng, qua đó giúp người dân Tây Nguyên tham gia BHXH tích cực hơn”, bà Quế nhấn mạnh.

Khảo sát tại xã Dray sáp, huyện Krông Ana

Trao đổi với nhóm khảo sát, ông Nguyễn Khắc Tuấn - Giám đốc BHXH tỉnh nhấn mạnh, việc tổ chức khảo sát, đánh giá khả năng tiếp cận BHXH tự nguyện của người dân khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng là rất cần thiết. BHXH tỉnh sẽ chỉ đạo BHXH các huyện phối chặt chẽ cùng nhóm nghiên cứu để thực hiện khảo sát lấy ý kiến các nhóm đối tượng về BHXH tự nguyện. Hy vọng rằng, đây sẽ là cơ sở thực tiễn để nhóm nghiên cứu có căn cứ đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật BHXH phù hợp hơn với yêu cầu thực tế của các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên./.

Phạm Loan