Thống nhất với đề xuất có sự hỗ trợ từ NSNN để thu hút người tham gia BHXH
24/07/2023 10:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 288/TB-VPCP ngày 24/7/2023 về Kết luận của Thường trực Chính phủ về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, trong đó có Luật BHXH (sửa đổi).
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện (ảnh minh họa)
Theo đó, những vấn đề này, các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải quán triệt thực hiện nghiêm túc. Về những nội dung, phương án đề xuất, các cơ quan chủ trì soạn thảo phải lý giải cụ thể và có quan điểm rõ ràng về nội dung, phương án lựa chọn. Đồng thời, tiếp tục đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách được đưa ra hiệu quả, khả thi; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam; lấy ý kiến rộng rãi, nhất là đối tượng chịu sự tác động của chính sách; tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tế…; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp hiệu quả với các bộ, cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng chính sách.
Đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi), Thường trực Chính phủ đánh giá dự án luật này có nhiều nội dung phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống an sinh xã hội và NLĐ. Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực trong việc tổ chức xây dựng dự án luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung dự án luật cơ bản đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách, hoàn thiện chính sách BHXH trong điều kiện mới, khắc phục được nhiều bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành.
Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thường trực Chính phủ và các thành viên Chính phủ với các yêu cầu sau: Thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ đường lối của Đảng về BHXH; thực hiện phân cấp, phân quyền cần đi liền với hoạt động kiểm tra, giám sát; đa dạng hóa nguồn lực để huy động tổ chức thực hiện luật, hợp tác công tư…
Vấn đề rút BHXH một lần khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế-xã hội, nên có thể đưa ra nhiều phương án để xin ý kiến Quốc hội, nhưng cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể và nghiên cứu bổ sung các biện pháp thiết thực hỗ trợ NLĐ, khuyến khích NLĐ tự nguyện hạn chế rút hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng quyền lợi hưu trí thay vì nhận BHXH một lần. Về chi phí quản lý BHXH cần bổ sung phân tích về cơ sở lý luận, thực tiễn để đánh giá một cách khoa học về cách tính, tổng mức chi phí cụ thể… đối với mỗi phương án; đưa ra quan điểm về phương án được lựa chọn để Chính phủ xem xét, quyết định.
Thường trực Chính phủ cũng thống nhất đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc cần có sự hỗ trợ từ NSNN để bổ sung thêm chính sách, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia BHXH, nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân. Qua đó, thể hiện chủ trương không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, hướng tới đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.
Về các vấn đề khác, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục hoàn thiện. Cụ thể, tiếp tục rà soát, bảo đảm các quy định của dự thảo luật thống nhất, đồng bộ với các bộ luật và luật liên quan như: Luật công đoàn, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật BHYT…; rà soát tính tương thích, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Tăng cường ứng dụng CNTT, số hóa, kết nối đồng bộ với CSDL về dân cư để nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện, quản trị BHXH, tránh việc lợi dụng, tiêu cực, trục lợi chính sách.
Vấn đề giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và mức đóng BHXH cần tính toán, đánh giá tác động một cách khoa học để bảo đảm hài hòa lợi ích của NLĐ, DN và xã hội. Về HĐQL BHXH, cần đánh giá làm rõ sự cần thiết, khả thi, ưu điểm, nhược điểm của phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch HĐQL để báo cáo Chính phủ. Đặc biệt, về việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, cần làm rõ hành vi vi phạm và các vấn đề liên quan để đề xuất giải pháp phù hợp, đặc biệt nghiên cứu cải cách TTHC, bảo đảm thuận tiện, minh bạch, không gây khó khăn cho NLĐ và người SDLĐ thực hiện quyền, trách nhiệm của họ.
Ngoài ra, Thường trực Chính phủ cũng giao Bộ LĐ-TB&XH hoàn thiện hồ sơ dự án luật, trình Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc