Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với con đường độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam
18/07/2023 07:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Những phẩm chất thiên tài kết hợp với hoạt động thực tiễn phong phú, sinh động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành cơ sở quan trọng trong việc lựa chọn con đường độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Người, tiếp tục soi sáng con đường phát triển bền vững cho dân tộc Việt Nam hiện nay.
TƯ DUY ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ TRONG VIỆC LỰA CHỌN CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG ĐÚNG ĐẮN VÀ TRIỆT ĐỂ CHO DÂN TỘC VIỆT NAM
Mặc dù vô cùng kính trọng và rất khâm phục các bậc tiền bối, nhưng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành không tán thành các con đường cách mạng của họ. Các cuộc khởi nghĩa, các phong trào đấu tranh theo những khuynh hướng khác nhau với tinh thần “lớp trước ngã xuống, lớp sau tiến lên” nhưng đều đi đến thất bại. Sự nghiệp cứu nước và giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc và bế tắc về đường lối. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã không tư duy theo lối mòn, rập khuôn, máy móc, mà xuất phát từ lòng yêu nước chân chính, tính mẫn cảm với thời cuộc, có tư duy tự chủ, nhạy bén nên quyết tâm đi tìm một con đường cách mạng mới, đầy táo bạo cho dân tộc Việt Nam. Trả lời nhà thơ, nhà báo người Nga Osip Mandelstam, Người nhấn mạnh: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy"(1).
Ngay từ khi gia nhập Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Tất Thành đã thể hiện tính độc lập, chủ động khi tranh luận và đặt vấn đề với các đồng chí của mình là: “Nếu các đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu các đồng chí không đoàn kết với các dân tộc thuộc địa, thì các đồng chí làm thứ cách mạng gì?”(2). Ngày 18/6/1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam ở Pháp, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Hội nghị Hòa bình Véc-xây (Versailles) bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, yêu cầu Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của nhân dân Việt Nam và các nước Đông Dương. Mặc dù không được các nhà chức trách chấp nhận, nhưng hành động này của Người đã gây ra tiếng vang lớn trong dư luận nước Pháp và trên thế giới.
Trong hành trình tìm tòi, khảo nghiệm, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để nhìn nhận thấu đáo những xu hướng, con đường cách mạng khác nhau trên thế giới. Độc lập, tự do của Trung Quốc sau Cách mạng Tân Hợi (năm 1911) cũng là một thứ độc lập, nhưng chưa phải là độc lập thực sự và triệt để, vì giai cấp tư sản dân tộc Trung Quốc chưa thể đưa nhân dân Trung Quốc thoát khỏi nanh vuốt của chủ nghĩa đế quốc lúc này. Còn cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp (bao gồm cả Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 và cách mạng vô sản - Công xã Paris năm 1871) cũng đã bộc lộ rõ những hạn chế. Người giải đáp một cách ngắn gọn và rõ ràng về vấn đề này: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy”(3). Người nhận thấy chế độ tư bản có nhiều khuyết tật cố hữu và đánh giá đúng bản chất của cách mạng tư sản là không triệt để, không đến nơi.
Xuất phát từ tư duy độc lập, tự chủ để dân tộc độc lập hoàn toàn, nhân dân hạnh phúc thật sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”(4). Người xác định chỗ dựa cho cách mạng Việt Nam phải là cách mạng vô sản thế giới, là Cách mạng Tháng Mười Nga và Quốc tế Cộng sản: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”(5). Người luôn khẳng định vai trò quyết định của yếu tố nội sinh, đề cao tính tự lực trong mọi hoàn cảnh và nhấn mạnh “phải có tinh thần dân tộc vững chắc”. Những yếu tố nội sinh trở thành động lực quan trọng, khi được phát huy và kết hợp với con đường cách mạng đúng đắn thì cách mạng sẽ thành công triệt để.
Việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cách mạng vô sản thế giới đã tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức tư tưởng của Người, để đi đến kết luận: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Sau đó, Người “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(6).
TƯ DUY ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ, SÁNG TẠO ĐƯỢC KẾT TINH TRONG LÝ LUẬN SOI ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, ĐEM LẠI HẠNH PHÚC CHO NHÂN DÂN VIỆT NAM
Nguyễn Tất Thành có nền tảng gốc rễ là giá trị truyền thống về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân ái, hiếu học của dân tộc. Người sớm phát lộ nhân cách đạo đức, tư chất trí tuệ và mẫn cảm chính trị, cho nên trong quá trình bôn ba 30 năm, Người luôn có tư duy cầu thị, gạn lọc để học hỏi và tiếp tục bồi đắp tư tưởng của riêng mình mà không bị “đồng hóa”, hay “rập khuôn” máy móc theo tư tưởng và phong cách phương Tây. Từ việc giữ vững vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc, Người có được suy nghĩ độc lập trước những lối rẽ phức tạp của nhiều hệ tư tưởng để thâu thái những giá trị tinh hoa thời đại, trong đó có sự kiện lịch sử khi Người bắt gặp lý luận của V.I.Lênin năm 1920. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đã giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc kéo dài 2/3 thế kỷ. Được Luận cương của V.I.Lênin và đường lối của Quốc tế Cộng sản soi sáng, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động trong phong trào công nhân và Đảng Cộng sản Pháp, sau đó công tác tại Quốc tế Cộng sản. Ở Người, về cơ bản hình thành hệ thống quan điểm lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc đi theo con đường cách mạng vô sản; về bản chất bóc lột, dã man của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc; về mối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng chính quốc; về khả năng thắng lợi trước của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa; về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong cách mạng; về chủ nghĩa xã hội,...
Chủ nghĩa Lênin và đường lối của Quốc tế Cộng sản là nhân tố quan trọng nhất, có vai trò quyết định đến việc hình thành nhận thức về con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Con đường này càng được Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ thể và hoàn thiện hơn ở những giai đoạn sau, khi Người không chỉ hoạt động với tư cách là nhà yêu nước Việt Nam, mà còn là người cộng sản sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, 40 năm sau nhìn lại sự kiện này, đã viết: “Riêng về cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”(7).
Hòa mình trong dòng chảy của cách mạng thế giới theo nhiều xu thế khác nhau, nhưng với vốn tri thức phong phú và tư duy khoa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận định chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin là cẩm nang quý giá, là lý luận soi đường cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn. Người khẳng định: “Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”(8); và chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Đây là sự lựa chọn vô cùng quan trọng, mang tính tất yếu, đúng đắn và phù hợp về con đường giải phóng dân tộc, định vị con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Với tư duy độc lập, tự chủ và bằng những cách thức tuyên truyền hết sức phong phú và đa dạng, gần gũi, dễ hiểu, Nguyễn Ái Quốc từng bước truyền bá một cách có hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước và tích cực chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức cho sự ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 là bước ngoặt lịch sử đưa dân tộc thoát khỏi “tình hình đen tối như không có đường ra”, chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Có Đảng lãnh đạo là dấu mốc quan trọng trong bước phát triển về chất của cách mạng Việt Nam. Với Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn dựa trên nền tảng tư tưởng, lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, đáp ứng đòi hỏi về lợi ích của quốc gia, dân tộc và quyền sống của nhân dân, Đảng đã tập hợp, đoàn kết lực lượng của giai cấp công nhân, nông dân và toàn thể dân tộc thành một khối, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
TƯ DUY ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ, SÁNG TẠO TRONG VIỆC XÁC LẬP TƯ TƯỞNG PHÁT TRIỂN VÌ SỰ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên định, nỗ lực thực hiện khát vọng cháy bỏng vì độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc. Người khẳng định: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đây là tất cả những điều tôi hiểu”(9). Và khi tìm thấy con đường cách mạng và lý luận soi đường, Người đã dành toàn bộ tâm huyết để hiện thực hóa con đường giải phóng và phát triển đất nước.
Tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do không chỉ biểu hiện trong thực tiễn cách mạng, mà còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên thành nền tảng tinh thần trường tồn của dân tộc và phát triển từ độc lập dân tộc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trên tinh thần tự chủ, sáng tạo, Người đã nâng tầm tư duy nhân quyền và dân quyền của cách mạng tư sản, để khẳng định giá trị phổ quát cho toàn thể nhân loại là “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"(10). Đó là chân lý của thời đại mà mỗi dân tộc đều khát khao thực hiện. Người nhấn mạnh, ý chí đấu tranh cho độc lập và lòng khát khao tự do mới là nhân tố quyết định làm nên những chiến thắng vẻ vang, chứ không phải là nhờ quân đông sức mạnh; tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc, cần được tôn trọng, bảo vệ; và điều đó chỉ có thể phát huy, phát triển trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Thấm nhuần sâu sắc lý luận về sự phát triển từ hình thái kinh tế - xã hội ở bậc thấp lên bậc cao của C.Mác, Nguyễn Ái Quốc khẳng định tính tất yếu về sự tiến bộ của xã hội loài người. Theo Người: “Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển"(11). Và, chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới có thể xóa bỏ mọi chế độ người bóc lột người, đem lại cuộc sống no ấm cho toàn thể nhân dân. Đó là một cuộc cách mạng vĩ đại và vẻ vang nhất trong lịch sử loài người, nhưng đồng thời cũng là một cuộc cách mạng cam go, phức tạp và khó khăn nhất. Người nhấn mạnh, mỗi người dân Việt Nam phải chuẩn bị tư tưởng và nghị lực để vượt qua mọi thử thách và hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng này. Người đặc biệt quan tâm và nỗ lực thực hiện các cấp độ của sự giải phóng, đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người; quan trọng nhất là giải phóng lực lượng lao động và giải phóng giai cấp công nhân để tạo ra động lực quan trọng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh có sự nhất quán cao, khi khẳng định nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập đó cũng chẳng có nghĩa lý gì; do đó, “công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân"(12). Xuất phát từ truyền thống “trọng dân” của dân tộc, Người khẳng định vai trò rất quan trọng của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của đất nước; bởi lẽ, có lực lượng dân chúng thì việc dù to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Các giai tầng trong xã hội khi được tập hợp, đoàn kết “ủng hộ” và “tin theo” Đảng thì sẽ tạo thành sức mạnh “dời non, lấp biển”, sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong mọi hoàn cảnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đổi mới “là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân"(13). Nhưng để xây dựng và phát triển đất nước, theo Người, cần phải xác định những động lực cần thiết cho con người Việt Nam. Đó là, động lực lợi ích (trước mắt và lâu dài, vật chất và tinh thần, chính đáng và công bằng) để xứng đáng với mục tiêu đất nước độc lập và nhân dân được tự do, hạnh phúc. Người luôn luôn khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn dân phát huy tinh thần yêu nước trong mọi hoàn cảnh của đất nước, từ giai đoạn khó khăn của chiến tranh với kẻ thù, cho đến giai đoạn chiến thắng, bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngay từ năm 1948, Người viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm chăm lo, phát huy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước. Người quan tâm xây dựng nền dân chủ trong chính trị và dân chủ trong xã hội, bởi dân chủ có thực chất thì mới tạo ra đoàn kết và đồng thuận thực chất.
TƯ DUY ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ, SÁNG TẠO TRONG VIỆC KẾ THỪA NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA THỜI ĐẠI ĐỂ LÀM GIÀU TRÍ TUỆ CHO MÌNH
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, con đường phát triển và mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam là làm cho đất nước được hoàn toàn độc lập và để đi tới xã hội cộng sản, muốn vậy phải tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng, từng bước đưa đất nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hai giai đoạn cách mạng này có quan hệ biện chứng; trong đó: 1) Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải giành được độc lập dân tộc; 2) Đi lên chủ nghĩa xã hội chính là điều kiện tiên quyết để giữ vững được độc lập dân tộc và xây dựng được cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tư duy giải phóng dân tộc của Người phát triển thành chiến lược cách mạng không ngừng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhưng theo Người, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì toàn dân nhất định phải có học thức, phải không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, khoa học, kỹ thuật; đồng thời, đề cao tầm quan trọng của việc nhận thức lý luận, học tập toàn diện để tiến bộ.
Trong mọi hoàn cảnh, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự thống nhất biện chứng giữa tình cảm cách mạng và lý trí khoa học, khẳng định trí tuệ mẫn tiệp của Người. Người đánh giá: “Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu thái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại”(14). Người tâm niệm rằng, để không ngừng làm giàu trí tuệ của mình, việc học hỏi phải được diễn ra mọi lúc, mọi nơi và ở mọi người. Vì vậy, Người cho rằng cần phải biết tiếp thu những tri thức của nhân loại, cả tinh hoa văn hóa phương Tây cũng như phương Đông để tạo dựng nền văn hóa mới. Tư duy độc lập, tự chủ không có nghĩa là rập khuôn, khép kín, tự huyễn hoặc mình, mà phải được đặt trên nền tảng khoa học, hiện đại, nhân văn, hấp thụ những cái mới, những giá trị tiến bộ của văn minh thế giới; từ đó, xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có yếu tố dân tộc, khoa học và đại chúng; đồng thời, cần phải lĩnh hội những cái hay, cái đẹp, chắt lọc cái tiến bộ cho phù hợp với Việt Nam để xây dựng một dân tộc thông thái. Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình ảnh kết tinh của việc làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn trí tuệ của thời đại, phương Đông và phương Tây, vừa thâu thái, vừa gạn lọc để có thể từ tầm cao của tri thức nhân loại mà suy nghĩ và lựa chọn, kế thừa để đổi mới, vận dụng và phát triển một cách phù hợp, sáng tạo với thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi sáng, dẫn dắt, đưa dân tộc Việt Nam đi đến bến bờ độc lập, tự do, hạnh phúc; mở ra một trang sử mới của dân tộc, “đó là thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc”, với đặc trưng lớn nhất là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nhất quán trong hành trình đi tới mục tiêu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
__________________
(1) (6) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.1, tr.461, 209, 40.
(2) (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.585, 617.
(3) (4) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.296, 292, 304.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.740.
(9) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Nghệ An, 2005, tr.44.
(10) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 285, 158.
(12) (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.232, 357.
Tạp chí Tuyên giáo
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc