Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia
31/10/2023 10:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 phê duyệt Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia, với quan điểm xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia phải trở thành một thành phần hạ tầng số quan trọng phục vụ phát triển kinh tế và quản lý xã hội phù hợp với đặc điểm của Việt Nam.
Dữ liệu tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Đồng thời, cung cấp hạ tầng CNTT cho các tổ chức chính trị-xã hội, hệ thống CSDL quốc gia và các cơ quan có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Vai trò của Trung tâm Dữ liệu quốc gia là tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, khai thác, chia sẻ, phân tích và điều phối tất cả các dữ liệu tổng hợp từ các CSDL quốc gia, dữ liệu liên quan đến con người (bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người có liên quan đến hoạt động kinh tế-xã hội tại Việt Nam) theo quy định của pháp luật để tạo dựng kho dữ liệu về con người; dữ liệu liên quan đến con người bao gồm các thông tin đã được số hóa có nội dung gắn với con người bao gồm: Dữ liệu dân cư, bảo hiểm, y tế và an sinh xã hội, giáo dục-đào tạo, CBCCVC, căn cước, hộ tịch, hoạt động tài chính và các hoạt động khác từ các CSDL quốc gia, CSDL của các bộ, ngành, địa phương và các CSDL khác. Trung tâm Dữ liệu quốc gia hoạt động sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển CSDL quốc gia phục vụ phát triển kinh tế-xã hội…
Về mục tiêu tổng quát, Đề án nêu rõ, Trung tâm Dữ liệu quốc gia khi đưa vào hoạt động sẽ là tiền đề thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các CSDL quốc gia phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới.
Phát triển kho dữ liệu tổng hợp với dữ liệu gắn với con người và các dữ liệu tổng hợp từ các CSDL quốc gia sẽ là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số. Hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và DN, từ đó triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số của Việt Nam.
Trung tâm còn cung cấp hạ tầng phục vụ xây dựng các CSDL quốc gia và hình thành kho thông tin định danh số cho công dân, tổ chức trong thực hiện các TTHC, kết hợp cùng với việc tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các CSDL quốc gia khác sẽ giúp phát triển Chính phủ số và cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC không còn phù hợp, gia tăng sự hài lòng của người dân với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trên nền tảng dữ liệu số.
Đồng thời, thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn và minh bạch hơn. Hình thành và từng bước mở rộng kho dữ liệu về con người để người dân, DN khai thác, sử dụng phục vụ sáng tạo, triển khai các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số.
Về mục tiêu cụ thể, Trung tâm Dữ liệu quốc gia cần đạt được về dữ liệu, quy hoạch kiến trúc dữ liệu, phân tích và khai thác dữ liệu; hạ tầng, thiết bị CNTT; cải cách, cắt giảm TTHC; phát triển Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế-xã hội.
Trong đó, về dữ liệu, đến hết năm 2025 hoàn thành cơ bản xây dựng và đưa vào khai thác kho dữ liệu tổng hợp được đồng bộ từ các CSDL quốc gia và phối hợp khai thác với kho dữ liệu về con người; từ năm 2026, triển khai thực hiện việc phân tích dữ liệu chuyên sâu hỗ trợ công tác xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch chiến lược phát triển quốc gia; đồng thời tạo điều kiện phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trên nền các dữ liệu số được khai thác từ các kho dữ liệu dùng chung và kho dữ liệu mở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Từ năm 2025, đưa Trung tâm Dữ liệu quốc gia đóng vai trò là nơi để trao đổi, kết nối quốc tế nhằm chia sẻ thông tin, nghiên cứu phát triển các chiến lược phát triển và đặt nền tảng nghiên cứu, hỗ trợ khai thác, phát triển nền tảng khoa học công nghệ đất nước.
Đến 2030, hoàn thành việc triển khai Trung tâm Dữ liệu quốc gia là nơi lưu trữ dữ liệu, hệ thống thông tin của các CSDL quốc gia, kết nối liên thông dữ liệu với các CSDL chuyên ngành, các hệ thống thông tin trong nước và tổ chức chính phủ các nước để phục vụ các hoạt động trên môi trường số, bảo đảm lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Ngoài ra, đối với mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử, đến năm 2030, trên 90% các hoạt động hành chính trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước được thay thế bằng chia sẻ dữ liệu số từ các kho dữ liệu tổng hợp trong Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); 30 nước dẫn đầu về CNTT (IDI); 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Chính phủ đã xác định 3 nhóm nhiệm vụ cần hoàn thành gồm: Xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng, vận hành trung tâm; đảm bảo các điều kiện quản lý, vận hành trung tâm, trong đó giao rõ đơn vị chủ trì và thời gian thực hiện từng nhiệm vụ. Đồng thời, đề ra 6 nhóm giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới gồm: Cơ chế, chính sách; bảo đảm nhân lực; khoa học và công nghệ; huy động vốn và phân bổ đầu tư; bảo đảm kết nối mạng truyền dẫn thông suốt giữa Trung tâm Dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành và địa phương; hợp tác quốc tế.
Nhằm bảo đảm hiệu quả của Đề án, quá trình thực hiện được chia thành 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn xây dựng cơ sở (từ năm 2023 đến năm 2025); giai đoạn mở rộng (từ năm 2026 đến hết năm 2028); giai đoạn phát triển (từ năm 2029 đến hết năm 2030). Ngoài ra, Đề án cũng quy định đối tượng sử dụng dịch vụ của Trung tâm Dữ liệu quốc gia gồm các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị-xã hội, người dân, DN.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc