Ngành BHXH Việt Nam: Dấu ấn 2023

01/01/2024 04:20 PM


Năm 2023, ngành BHXH Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, với tinh thần phục vụ, toàn Ngành đã chủ động bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tích cực, quyết liệt thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tạo dấu ấn rõ nét ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của Ngành.

Dấu ấn đầu tiên phải kể đến, đó là Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy của 63 tỉnh, thành phố về việc tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Trong đó, có việc tham mưu kiện toàn BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động, khẩn trương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kiện toàn BCĐ cấp xã; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT đến từng BCĐ và thành viên BCĐ cấp xã… Qua đó, đã huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo chuyển biến tích cực trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại địa phương theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng.

Việc kiện toàn BCĐ các cấp giúp chính sách BHXH, BHYT được thực hiện tốt hơn

Cũng trong năm 2023, BHXH Việt Nam đã bám sát chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ để triển khai đồng bộ, quyết liệt, kịp thời nhiều giải pháp, nhiệm vụ được giao. Đến nay, ngành BHXH Việt Nam là một trong số đơn vị đầu tiên kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức.

BHXH Việt Nam cũng chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiệm vụ xây dựng, làm giàu CSDL quốc gia về bảo hiểm. Kết quả, tính đến nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do Ngành quản lý, trong đó có 86,6 triệu người đang tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT- chiếm 97% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với CSDL quốc gia về dân cư.

Ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc vân tay là bước tiến mới trong thực hiện Đề án 06

Ngành BHXH Việt Nam cũng phối hợp với ngành Công an và Y tế triển khai sử dụng thẻ CCCD và ứng dụng Định danh điện tử (VNeID) phục vụ người dân đi KCB BHYT; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ cơ sở KCB, Sổ Sức khỏe điện tử; ứng dụng công nghệ sinh trắc tại cơ sở KCB và cơ quan BHXH các cấp; kết nối, tích hợp tài khoản VNeID trên ứng dụng VssID, cho phép người dân có tài khoản VNeID có thể truy cập, sử dụng ứng dụng VssID…

Cùng với đó, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai 2 nhóm TTHC liên thông gồm “Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng”; DVC trực tuyến “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”. Ngoài ra, chủ động cung cấp DVC trên Cổng DVC quốc gia gồm: Đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện; Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT; Giải quyết hưởng BHXH một lần.

Việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tạo thuận lợi, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và DN, mà còn tăng cường hiệu quả quản lý, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số theo đúng định hướng Chính phủ số của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ, năm 2023, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực cùng Bộ Y tế đề xuất và triển khai các giải pháp kịp thời tháo gỡ, đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB và đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia BHYT. Đáng chú ý, trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Ngành BHXH Việt Nam tạo dấu ấn trong nhiều lĩnh vực

Với sự vào cuộc tích cực, quyền lợi hưởng BHYT được mở rộng đối với một số nhóm đối tượng, trong đó có nhóm người DTTS mới thoát nghèo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg vào nhóm được NSNN hỗ trợ mức đóng BHYT. Từ đó, tháo gỡ khó khăn, giúp người mới thoát nghèo có điều kiện thuận lợi để tham gia và hưởng quyền lợi BHYT. Đặc biệt, Nghị định 75 đã gỡ “nút thắt” cơ chế thanh toán chi phí KCB BHYT. Đáng chú ý, phối hợp với ngành Y tế đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế, hạn chế việc người bệnh phải tự đi mua thuốc bên ngoài.

Một trong những dấu ấn nữa, đó là công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Ngành được triển khai một cách chủ động, linh hoạt. Đáng chú ý, trong năm 2023, Đoàn công tác BHXH Việt Nam do Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc với các cơ quan an sinh xã hội của Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ thực hiện Hiệp định song phương về BHXH… Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị đối thoại với khoảng 100 DN FDI Nhật Bản về thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đây là cơ hội để các DN Nhật Bản nắm bắt quy định pháp luật BHXH, BHYT của Việt Nam; đồng thời giúp xây dựng, củng cố niềm tin, tạo tiền đề thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Ngoài những dấu ấn trên, cũng trong năm 2023, toàn Ngành còn chú trọng thực hiện hiệu quả nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm như: Diện bao phủ BHXH, BHYT tiếp tục tăng, đặc biệt tỷ lệ người tham gia BHYT phát triển bền vững trong bối cảnh khó khăn toàn cầu tác động đến Việt Nam; toàn Ngành chủ động, kịp thời trong giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tiếp tục cải cách, phục vụ người tham gia và thụ hưởng chế độ một một cách tốt nhất. Đặc biệt, với phương châm “Lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, bên cạnh việc chi trả, giải quyết chế độ cho người dân, NLĐ, ngành BHXH Việt Nam đã tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ như: Đơn giản hóa TTHC, đẩy mạnh cung cấp DVC trực tuyến toàn trình; hệ thống thu nộp, chi trả BHXH điện tử; chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân…

Toàn Ngành cũng quyết liệt triển khai các giải pháp đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT xuống mức thấp nhất. Đồng thời, tăng cường đổi mới, đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất đối với các đơn vị SDLĐ; phối hợp với các đơn vị liên quan phòng ngừa, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT; chủ động nắm bắt thông tin để tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Tạp chí BHXH