Nghị định 75/2023/NĐ-CP góp phần duy trì, phát triển diện bao phủ BHYT

17/03/2024 07:30 PM


Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Trải qua nhiều năm triển khai thực hiện, chính sách BHYT đã không ngừng cải thiện và mở rộng quyền lợi, mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia. Nhờ vậy, người có thẻ BHYT được tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến với chi phí thấp, giảm bớt gánh nặng kinh tế khi ốm đau, bệnh tật.

Đặc biệt, Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/10/2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 03/12/2023 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT (Nghị định 75/2023/NĐ-CP) ra đời, nhiều nhóm đối tượng chính sách đã được mở rộng điều kiện tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT. Theo đó, Nghị định 75/2023/NĐ-CP bổ sung hai nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT, gồm: người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mức hỗ trợ đóng BHYT tối thiểu 70% mức đóng trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 1/11/2023.

​ Bà Nguyễn Thị Huyền (áo xanh) - an nhàn hơn khi có Nghị định 75

Là người hiểu rõ giá trị của BHYT đối với gia đình cũng như với cộng đồng, nên dù không được cấp thẻ BHYT miễn phí theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Huyền ở Thôn 6, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông vẫn tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình với mức đóng 100%. Tuy nhiên, với một hộ nghèo, bản thân bà Huyền cũng đau bệnh, không có sức lao động, chạy ăn từng bữa thì để tham gia BHYT cũng là điều khó khăn. Khi biết về Nghị định 75, bà đã tham gia BHYT với mức đóng thấp hơn nhiều. Điều này đã giúp cho bà Huyền bớt được một mỗi lo trong chi tiêu.

“Đối với những người mắc bệnh mãn tính như tôi được hưởng chế độ này rất tốt. Vì số tiền để tham gia BHYT không còn là gánh nặng. Bản thân tôi cảm thấy được tiếp cận với những dịch vụ y tế tốt hơn, kinh tế gia đình cũng nhờ thế mà được thoải mái và ổn định hơn”- Bà Nguyễn Thị Huyền - Thôn 6, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết

Việc Nghị định số 75/NĐ-CP bổ sung đưa nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ mức đóng BHYT có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế có cơ hội được tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT, qua đó góp phần duy trì, phát triển diện bao phủ BHYT. Người dân là người dân tộc thiếu số đang sinh sống tại xã, thôn đã thoát khỏi vùng quy định tại Quyết định 861 khi tham gia BHYT được Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng, nghĩa là chỉ phải đóng 30%, tương ứng số tiền 291.600 đồng/năm, được quỹ BHYT hỗ trợ 95% chi phí khám chữa bệnh, thủ tục tham gia đơn giản và nhanh chóng. Người tham gia BHYT thuộc diện này sẽ được quỹ BHYT hỗ trợ 95% chi phí khám chữa bệnh, bao gồm cả chi phí thuốc, vật tư y tế, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật,...

Ông Nguyễn Khắc Tuấn - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: là đơn vị thực hiện các chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân có thẻ BHYT, BHXH tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Nghị định 75/2023/NĐ-CP. BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, lập danh sách chi tiết người tham gia theo từng nhóm lao động như nhóm do ngân sách Nhà nước đóng, nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, để cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT và chuyển đổi mã mức hưởng kịp thời cho người tham gia ngay khi Nghị định 75/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. BHXH tỉnh cũng tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT bằng các phương thức linh hoạt.

BHXH tỉnh tổ chức Chương trình đối thoại trực tiếp trên sóng truyền hình về chính sách BHYT

Kể từ ngày ra đời đến nay, BHYT đã luôn khẳng định tính đúng đắn của một chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với sự phát triển, đổi mới đất nước qua từng thời kỳ, đảm bảo sự công bằng trong khám chữa bệnh và hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân. BHYT giúp mọi người dân, bất kể giàu nghèo, đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng, giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh, đặc biệt là những trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo. Năm 2023, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là 1.735.486 người, đạt 104,57% kế hoạch, tăng 75.839 người so với cùng kỳ năm 2022 và đạt tỷ lệ bao phủ 92,7%/dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 546/QĐ-TTg (92,5%). Tin tưởng rằng, Nghị định số 75/NĐ-CP sẽ góp phần đưa tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng./.

Phạm Loan