Đẩy mạnh công tác BHYT toàn dân trong giai đoạn mới
19/09/2024 05:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 19/9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Đẩy mạnh công tác BHYT toàn dân trong giai đoạn mới”. Ông Vũ Thanh Mai- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết Chỉ thị 38-CT/TW; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa đồng chủ trì Tọa đàm.
Thành tựu song hành thách thức
Nhấn mạnh “việc đảm bảo quyền tiếp cận y tế của người dân thông qua BHYT không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, mà còn là nghĩa vụ của toàn xã hội”, ông Vũ Thanh Mai- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá: “Đẩy mạnh công tác BHYT toàn dân trong giai đoạn mới” là một chủ đề quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thách thức và cơ hội”. Theo đó, chính sách BHYT đã đạt được nhiều thành tựu với tỷ lệ bao phủ BHYT tăng lên đáng kể, đặc biệt là đối tượng người nghèo, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi đã được hưởng những lợi ích thiết thực từ chính sách này.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức”- ông Vũ Thanh Mai chỉ rõ. Cụ thể, theo ông Mai, việc tiếp cận và sử dụng BHYT còn có sự chênh lệch giữa các khu vực và nhóm dân cư, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là tại tuyến cơ sở, còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn tài chính cho BHYT đang gặp nhiều áp lực trước tình trạng chi phí y tế tăng cao và sự gia tăng các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm...
Vì vậy, ông Vũ Thanh Mai đề nghị, trên cơ sở 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung thực hiện chính sách BHYT trong thời gian tới. Đồng thời, phân tích bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có tác động đến công tác BHYT trong giai đoạn mới; xác định các nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực để phấn đấu từ năm 2025 trở đi đạt trên 95% dân số tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; nâng cao tỷ lệ người dân và người SDLĐ tham gia BHYT, nâng cao tỷ lệ BHYT hộ gia đình, mở rộng các loại hình bảo hiểm như BHYT dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu và dịch vụ nâng cao sức khỏe cá nhân...
Cùng với đó, triển khai hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch cải cách TTHC, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ; mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ KCB BHYT, nhất là tại tuyến y tế cơ sở. Ngoài ra, thảo luận phương án tính đúng, tính đủ dịch vụ KCB BHYT, quản lý quỹ BHYT, phương thức chi trả; xem xét nâng mức đóng BHYT đối với lao động tự do, đảm bảo phù hợp với tình hình hiện nay... "Các nội dung thảo luận sẽ tập trung đề xuất các nội dung văn bản trình Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục chỉ đạo về nội dung này"- ông Mai nhấn mạnh.
Cần tháo gỡ những vướng mắc mang tính cấp bách
Từ tháng 12/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Tổng kết Chỉ thị 38. Những đánh giá tổng quan ban đầu được tổng hợp từ 72 báo cáo (trong đó có 63 Tỉnh ủy, Thành ủy và 9 Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương); tổ chức 4 cuộc khảo sát tại Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Kon Tum và Tiền Giang; cùng với một cuộc tọa đàm.
Đóng góp thêm ý kiến về những vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong quá trình thực hiện chính sách BHYT, TS.Nguyễn Văn Tiên- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội- nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá: Chỉ thị 38 của Ban Bí thư đã định hướng cơ bản, quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật và đầu tư về BHYT. Do đó, chuyên gia này đề nghị Ban Bí thư có chỉ thị mới về hoàn thiện BHYT, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, mục đích nhằm đưa ra định hướng cơ bản, quan trọng để chỉ đạo trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Luật BHYT (sửa đổi) sắp tới…
“Quy định BHYT là hình thức “bảo hiểm bắt buộc” trong Luật BHYT 2014 là cơ sở để độ bao phủ BHYT đột phá. Do đó, điểm quan trọng cần tiếp tục duy trì là thực hiện chính sách BHYT toàn dân, trên cơ sở BHYT bắt buộc để tạo điều kiện cho toàn dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, không để ai tụt lại phía sau”- ông Tiên phân tích. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đến phát triển y tế cơ sở, để chính sách chăm sóc sức khỏe người dân thông qua y tế cơ sở thực sự đi vào cuộc sống. “Hiện có nhiều địa phương đầu tư lớn cho y tế cơ sở, nhưng để thực sự phát huy hiệu quả thì phải giải quyết được vấn đề từ cơ chế chính sách, bởi các cơ sở y tế tuyến xã hiện nay vẫn còn hạn chế về danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật được thực hiện...”- ông Tiên nhấn mạnh.
Đặc biệt đề cập đến việc quản lý quỹ BHYT hiệu quả, chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, kinh nghiệm vừa qua cho thấy, nhiều cơ sở KCB vi phạm quy định pháp luật và bị xử phạt, truy tố… Vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường cung ứng dịch vụ KCB BHYT, và người thiệt thòi là bệnh nhân BHYT. Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế khiến bệnh nhân BHYT phải chi tiền mua ngoài... “Vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra sử dụng quỹ BHYT cần thường xuyên để nhắc nhở tránh vi phạm, vừa qua những việc này còn hạn chế”- ông Tiên lưu ý. Bên cạnh đó, để “gỡ vướng” giữa cơ quan BHXH và cơ sở y tế trong thời gian qua, cũng cần sửa đổi, xác định rõ ràng nội dung, nội hàm của công tác giám định.
Đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện chính sách BHYT
Bên cạnh yêu cầu cấp bách về hoàn thiện tổ chức và công tác quản lý trong thực hiện chính sách BHYT, một vấn đề cũng được đề cập với góc nhìn đa chiều, đó là đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện chính sách BHYT. Theo đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và dự phòng của người dân ngày càng cao, số lượt KCB BHYT hàng năm gia tăng. Do đó, bài toán đặt ra hiện nay là giải quyết những thách thức từ gia tăng chi phí KCB, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ KCB BHYT theo lộ trình tính đúng, tính đủ...
Bà Trần Thị Trang- Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho rằng, cần xác định rõ mục tiêu ưu tiên của BHYT toàn dân giai đoạn mới là gì? Bên cạnh tập trung các nguồn lực để phấn đấu từ năm 2025 trở đi đạt trên 95% dân số tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, Chính phủ và các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu một số mô hình tăng nguồn lực cho quỹ BHYT...
Tham gia góp ý tại Tọa đàm, đại diện một số BV như: Xanh Pôn, Bạch Mai, K… cũng đề nghị cần có lộ trình rõ ràng và cụ thể hơn về điều chỉnh tăng giá dịch vụ KCB BHYT theo lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố giá; tập trung triển khai hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ KCB BHYT, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở...
Từ góc nhìn cơ quan thực hiện chính sách, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) nhấn mạnh, việc hoàn thiện thể chế chính sách là bước cực kỳ quan trọng làm nền tảng thuận lợi thực hiện BHYT toàn dân hiệu quả. Đơn cử, một số vấn đề cấp bách cần được quan tâm là xác định rõ ràng nội hàm công tác giám định BHYT; lộ trình tăng mức đóng BHYT để đảm bảo cân đối thu-chi...
Đặc biệt nhấn mạnh đảm bảo nguồn lực BHYT được sử dụng hợp lý, TS.Nguyễn Đức Hòa- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chỉ rõ: "Sự minh bạch trong sử dụng chi phí KCB BHYT cần được đảm bảo bằng các công cụ kiểm soát phù hợp. Cơ quan quản lý quỹ BHYT phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, cũng như thực hiện trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng quỹ BHYT…".
Kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết và Tờ trình Ban Bí thư về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW. Từ đó, đề xuất Ban Bí thư xem xét, ban hành Chỉ thị về “đẩy mạnh công tác BHYT phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn mới…
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc