Cần đưa Bảo hiểm xã hội vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

13/06/2016 03:51 AM




Cần có các giải pháp quyết liệt trong thu hồi nợ đọng BHXH để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Không quyết liệt khó đạt mục tiêu

Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết: Theo Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đặt chỉ tiêu tới năm 2020 có 50% số lao động tham gia BHXH và 35% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Việc phát triển và mở rộng BHXH là hết sức khó khăn do phần lớn đối tượng chưa tham gia là những đối tượng không được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng. Đặc biệt, những lần kiểm tra, khảo sát do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp các bộ, ngành mấy năm qua cho thấy, do không giao chỉ tiêu cụ thể cho nên lãnh đạo một số địa phương “lơ là” trong thực hiện chỉ tiêu này.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp khi đề cập đến vấn đề này cũng bày tỏ lo ngại trước thực trạng vẫn còn một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHXH đạt dưới 10%, do đó chỉ tiêu 50% số lao động tham gia BHXH là thách thức rất lớn. Theo phân tích của Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Hiện, số lao động có tiền lương, tiền công mới chiếm 41% số lao động, trong khi đó khoảng 50% là lao động ở khu vực phi kết cấu (những đơn vị sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ…). Cập nhật thông tin hằng quý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, mỗi quý chỉ có thêm 0,5% vào số lao động có quan hệ tiền công, tiền lương cho nên một năm chỉ tăng khoảng 2% số lao động tham gia BHXH. Vì vậy, để đạt mục tiêu 50% số người lao động tham gia BHXH vào năm 2020 như Bộ Chính trị đã đề ra, cần phải phát triển nhanh chóng nhóm đối tượng lao động khu vực phi chính thức. Tuy nhiên, hiện số người tham gia BHXH tự nguyện mới đạt 194 nghìn người. Do đó, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Chính phủ cần có chính sách riêng cho từng nhóm đối tượng để khuyến khích tham gia BHXH, như: nhóm lao động khu vực phi chính thức; người đến tuổi về hưu nhưng chưa đủ điều kiện số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu…

Trước kiến nghị của các bộ, ngành về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, việc thực hiện chỉ tiêu của Bộ Chính trị là rất khó khăn và đề nghị cơ quan BHXH Việt Nam phối hợp các bộ, ngành nhanh chóng đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết giao chỉ tiêu bắt buộc thực hiện BHXH với người lao động. Cũng như BHYT, BHXH cần được coi là một trong những chỉ tiêu phát triển KT-XH hằng năm của các địa phương.

Tập trung xử lý vướng mắc, khó khăn

Cùng với việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, công tác thu và xử lý vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT hiện cũng đang là một trong những khó khăn lớn của ngành BHXH. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết, thời gian vừa qua, cơ quan BHXH là đơn vị khởi kiện đối với doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT để đòi quyền lợi cho người lao động. Biện pháp này mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần tăng thu và giảm nợ đọng BHXH. Tuy nhiên, Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, quy định tổ chức Công đoàn thực hiện chức năng khởi kiện. Với quy định này, tháng 4-2016, TAND tối cao đã có văn bản chỉ đạo các TAND các cấp không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đối với doanh nghiệp nợ BHXH từ ngày 1-1-2016. Điều này gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc thu hồi nợ đọng cũng như bảo vệ quyền lợi của người lao động, trong thời điểm có một “khoảng trống” về chính sách, do Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự đến ngày 1-7-2016 mới có hiệu lực.

Trong khi đó, chỉ trong 5 tháng đầu năm, số nợ BHXH, BHYT đã tăng khoảng 7.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2015, đưa tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN lên tới 14.467 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số này có khoảng 2.200 tỷ đồng là nợ khó đòi hoặc không có khả năng thu hồi do doanh nghiệp phá sản, giải thể, bị rút giấy phép kinh doanh, không giao dịch với cơ quan BHXH hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn… Các khoản nợ này của doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 13.300 lao động.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết: Theo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tổ chức Công đoàn sẽ khởi kiện doanh nghiệp đòi nợ BHXH. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục tố tụng loại án này lại được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 cho nên từ đầu năm đến nay, tổ chức Công đoàn chưa khởi kiện được vụ nào.

Để giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị BHXH Việt Nam cần cung cấp đầy đủ thông tin nợ đọng BHXH cho LĐLĐ để khởi kiện một số doanh nghiệp vi phạm điển hình theo tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016)… Đồng thời, yêu cầu BHXH Việt Nam phân loại các địa phương đang có tỷ lệ tham gia BHXH thấp, có giải pháp đôn đốc cụ thể theo tình hình thực tế; đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển BHXH để các địa phương đưa vào kế hoạch phát triển KT-XH. Nhanh chóng, phối hợp các bộ, ngành chủ động rà soát, tích cực hoàn thiện sớm hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH (sửa đổi) để có thể triển khai, thực hiện luật một cách tốt nhất.

Tính đến hết tháng 5-2016, cả nước có 12,3 triệu người tham gia BHXH (chiếm 23,3% lực lượng lao động) và 10,5 triệu người tham gia BHTN (chiếm 19,6% lực lượng lao động), BHXH tự nguyện là 194 nghìn người và BHYT là 71,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 77,1%.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đối tượng tham gia BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng và tăng nhanh từng năm. Giai đoạn 2011-2015, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 19,6%; số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 133%; số người tham gia BHTN tăng 29,35%; số người tham gial BHYT tăng 22,6%./.


Nguồn: Báo Nhân dân điện tử