Tham gia BHXH cho NLĐ nước ngoài: Cần thực hiện nghiêm

17/04/2019 03:27 AM




Trên 60% NLĐ Nước ngoài tham gia BHXH

Theo quy định tại Nghị định 143/2018/NĐ-CP, từ ngày 1/12/2018, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đây là lần đầu tiên, pháp luật Việt Nam có quy định về thực hiện BHXH bắt buộc đối với công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Việc đóng BHXH bắt buộc đối với đối tượng này được thực hiện theo lộ trình đóng vào từng quỹ thành phần.

Lao động nước ngoài hoạt động trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam

Cụ thể, từ ngày 1/12/2018 đến 31/12/2021, hàng tháng, người SDLĐ đóng toàn bộ bằng 3,5% tiền lương tháng đóng BHXH vào quỹ ốm đau, thai sản và quỹ BH TNLĐ-BNN. Từ ngày 1/1/2022 trở đi, đóng bằng 25,5% tiền lương tháng đóng BHXH vào các quỹ ốm đau, thai sản, BH TNLĐ-BNN, hưu trí và tử tuất (trong đó người SDLĐ đóng bằng 17,5% và NLĐ đóng bằng 8%).

Theo ước tính của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có trên 800.000 NLĐ nước ngoài, trong đó đa số được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động). Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện Nghị định 143, đã có trên 64% lao động thuộc đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc (khoảng 8.730 đơn vị với 51.524 lao động)- đây là kết quả khả quan đối với việc triển khai chính sách mới. Đến hết tháng 2/2019, tổng số tiền đóng BHXH của NLĐ là công dân nước ngoài trên cả nước là hơn 100 tỉ đồng.

Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Mỗi năm Việt Nam có trên 100.000 NLĐ đi làm ở nước ngoài, riêng năm 2018 có trên 142.000 người. Còn NLĐ là công dân nước ngoài vào Việt Nam làm việc cũng tăng lên (năm 2018 có 87.235 lao động). Số NLĐ này đến từ 100 quốc gia, giữ các vị trí quản lý, chuyên gia và thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Quy định này đã khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thực thi các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Việc thực hiện BHXH đối với NLĐ nước ngoài cũng sẽ góp phần thúc đẩy đàm phán song phương giữa Việt Nam với các nước; đồng thời thúc đẩy đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, tạo bình đẳng giữa NLĐ trong nước với NLĐ nước ngoài. Đây là yếu tố tích cực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút lao động chất lượng cao đến Việt Nam.

Khắc phục khó khăn trong thực thi chính sách

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), việc thực hiện Nghị định 143 trước mắt sẽ gặp những khó khăn nhất định. Đặc biệt, NLĐ là công dân nước ngoài đến Việt Nam làm việc từ rất nhiều quốc gia, với nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong khi hồ sơ, giấy tờ tùy thân chỉ có chữ viết nước ngoài. Vì vậy, dẫn đến khó khăn trong giao dịch về BHXH. Bên cạnh đó, còn có khả năng đóng trùng BHXH khi NLĐ nước ngoài có thể đã tham gia BHXH tại nước sở tại và ngược lại.

Còn theo ông Trần Hải Nam, NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam chủ yếu tập trung trong những DN FDI nên sự đón nhận chính sách của chủ DN là rất quan trọng. Điều đó đòi hỏi cơ quan BHXH phải rà soát lại quy trình thủ tục và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thu. Mặt khác, NLĐ nước ngoài có những đặc thù ốm đau sẽ về nước điều trị nên quy trình thẩm định hồ sơ, xét đề nghị chi trả cần phải được giải quyết nhanh hơn.



Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội