Thực hiện chính sách BHYT: Hiệu quả thiết thực

02/07/2019 08:07 AM




* ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre):

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người và BHYT bảo đảm rủi ro sức khỏe cho con người. Qua 27 năm (từ năm 1992) thực hiện chính sách BHYT, chúng ta thấy rõ hiệu quả BHYT mang lại. Thực hiện KCB bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau, tai nạn.

Tỉ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40% và đang phấn đấu đạt dưới 30% vào năm 2025. Việc mở rộng quyền lợi cho người có BHYT giúp người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật (DVKT) y tế tiên tiến. Hiện hầu hết thuốc, DVKT đều được quỹ BHYT chi trả. Các loại thuốc thuộc quỹ BHYT thanh toán cũng được mở rộng hơn so với trước đây. Nhiều danh mục thuốc được sử dụng trong lĩnh vực điều trị ung thư được quỹ BHYT thanh toán; hàng chục loại thuốc điều trị các bệnh mãn tính đều thuộc quỹ BHYT chi trả. Đặc biệt, các DVKT cao, chi phí lớn như can thiệp tim mạch, mổ tim hở, phẫu thuật bằng dao gamma, tạo hình vòm sọ và thay khớp, phẫu thuật phình tách động mạch chủ… đều được quỹ BHYT thanh toán. Kết quả này có được từ chính sách BHYT và là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Về góc độ kinh tế, không ít người đang được quỹ BHYT chi trả chi phí tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí tới hàng tỉ đồng cho một lần KCB. Với chi phí này, nếu không tham gia BHYT sẽ là một gánh nặng rất lớn đối với gia đình và xã hội, thậm chí nhiều người sẽ không thể tiếp tục điều trị. Như vậy, BHYT có hiệu quả rất rõ với từng cá nhân, gia đình.

Với những lợi ích đó và sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành BHXH, số người tham gia BHYT ở nước ta ngày càng tăng cao. Hết tháng 5/2019, toàn quốc có trên 84 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 89% dân số. Hiện vẫn còn 11% dân số, tương đương với khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT mà các cấp, các ngành cần phải tuyên truyền, vận động để họ tham gia.

Mặc dù chịu nhiều áp lực từ nhu cầu của đối tượng thụ hưởng và xã hội trong việc bảo đảm tài chính cho hoạt động KCB cũng như các dịch vụ BHYT nhưng BHXH Việt Nam đã phát huy tính chủ động, cân đối, cung cấp tài chính theo đúng kế hoạch nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ người dân.

* ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM):

Chính sách BHYT rất ưu việt. Nhiều người so sánh y tế của nước này với nước kia, bệnh nhân của hệ thống y tế tư nhân được đối xử tốt nhưng phải lưu ý đến số tiền người người bệnh ở đó phải trả.

Rõ ràng, khi giá dịch vụ thấp sẽ dẫn đến những nguy cơ về mặt chất lượng. Mức đóng BHYT của chúng ta thấp nhất thế giới mà lại muốn bao toàn bộ chi phí và để bao được chỉ có cách hạ các chi phí.

Do vậy, chúng ta phải đa dạng các loại BHYT như các nước đã và đang làm. Mức giá BHYT phải khác nhau, phải khuyến khích dùng gói BH phụ.

Việc Nhà nước miễn phí cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT cũng tạo tâm lý ỷ lại cho một bộ phận người dân, khiến nhiều người bị bệnh, biết bị bệnh hoặc bệnh khá nặng mới đăng ký tham gia. Quỹ BHYT có phần thu ít hơn chi. Có nhiều người dân còn độ tuổi lao động, có sức khỏe, cứ nghĩ mình chưa cần dùng đến BHYT, đến lúc sức khỏe yếu hoặc bị ốm đau mới “lật đật”, “chạy vạy” đi mua BHYT thì khi đó ý nghĩa “chia sẻ” của BHYT đã mất đi.

Ngoài ra, tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải nhìn nhận rõ nguy cơ thâm hụt quỹ, có dự báo tác động để xử lý, làm sao “kéo” người dân tham gia BHYT nhiều hơn, ổn định hơn. Đặc biệt, chúng ta phải tiến tới sửa Luật BHYT phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tế, không còn theo kiểu “muốn đóng BHYT thấp nhất, cào bằng nhất, nhưng lại muốn được nhiều nhất”.



Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội