Đề xuất trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tham gia BHYT cho học viên

23/08/2019 02:19 AM



(Ảnh minh họa)

Quy định về y tế học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Dự thảo Thông tư trên bao gồm các điều kiện bảo đảm công tác y tế học đường, quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe y tế học đường áp dụng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. (không áp dụng trong việc quản lý nhà nước đối với các Trường Trung cấp Sư phạm, Trường Cao đẳng Sư phạm), nhằm bảo đảm nguyên tắc đối với công tác y tế trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp là: Chăm sóc sức khỏe cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm thực hiện các chính sách, quy định và chế độ hiện hành; giáo dục kiến thức, quan niệm đúng về sức khỏe và lối sống để người học có thể lựa chọn phương pháp, hình thức phù hợp nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho bản thân; bảo đảm mối liên hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với gia đình và cộng đồng để hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao cả về thể lực và trí lực cho người học. Kinh phí thực hiện công tác y tế trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo Dự thảo, là nguồn kinh phí sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo hàng năm theo phân bổ ngân sách cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nguồn BHYT trích lại theo quy định hiện hành; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật và các nguồn thu hợp pháp khác.

Dự thảo cũng quy định, cán bộ y tế của cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế bảo đảm có phòng thực hiện chuyên môn y tế riêng, bảo đảm diện tích 12m2 trở lên, ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động; phòng thực hiện chuyên môn y tế được trang bị tối thiểu 01 giường khám bệnh và lưu bệnh nhân, bàn làm việc, ghế, tủ đựng dụng cụ, thiết bị làm việc thông thường và một số trang thiết bị, thuốc thiết yếu phục vụ cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động; cơ sở giáo dục nghề nghiệp có bếp ăn nội trú, bán trú phải bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm, người làm việc tại nhà ăn, bếp ăn phải bảo đảm các yêu cầu tối thiểu về sức khỏe...

Bên cạnh đó, trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp là xây dựng kế hoạch công tác y tế hàng năm và tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung về công tác y tế học đường; bảo đảm cán bộ y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác y tế và môi trường y tế học đường; tổ chức, thực hiện khám sức khỏe cho người học khi nhập học; quản lý hồ sơ sức khỏe của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động; cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về y tế học đường do cơ quan y tế tổ chức; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác y tế học đường... và lập hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT học sinh, sinh viên, đóng BHYT đầy đủ, đúng thời hạn, giao thẻ BHYT cho người tham gia BHYT, lập hồ sơ đề nghị cơ quan BHXH thanh toán chi phí BHYT cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động tham gia BHYT theo quy định, tham gia giám sát việc thi hành pháp luật về BHYT.

Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội