Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách BHYT vùng đồng bào DTTS và miền núi

01/11/2021 07:19 PM


Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao các bộ, cơ quan: Y tế, GD-ĐT, LĐ-TB&XH, Nội vụ, Tài chính và Ủy ban Dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương chủ trì nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với các chính sách đã ban hành áp dụng tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn ĐBKK thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020 nay không còn nằm trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn ĐBKK thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, báo cáo cấp có thẩm quyền tại thời điểm phù hợp, bảo đảm kết quả phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao sinh kế cho người dân.

 

Giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách các thôn ĐBKK và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung danh sách các xã khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.

Giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và đồng bào DTTS về các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong tình hình mới, nhất là Đề án tổng thể và Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đánh giá về tình hình thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg, theo Ủy ban Dân tộc, sau 2 tháng Quyết định được ban hành, Ủy ban đã triển khai sớm đến các địa phương. Tuy nhiên, trên cơ sở báo cáo của các địa phương cho thấy, còn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong đó lớn nhất là ý kiến của cơ quan BHXH về việc mua thẻ BHYT cho đối tượng là người DTTS đến hết năm 2021 và giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg.

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải, thời gian qua, Ủy ban Dân tộc nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị xoay quanh việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng là đồng bào DTTS theo Quyết định số 861/QĐ-TTg. Các ý kiến cho rằng, cần chủ động trong việc hỗ trợ đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo; đảm bảo sự liên thông trong thực hiện chính sách, đảm bảo quyền lợi cho đồng bào DTTS, đảm bảo công tác an sinh xã hội; cân nhắc việc bổ sung dự toán thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến hết năm 2021. Việc xây dựng chính sách BHYT cần đảm bảo hợp lý, nên trình và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để giải quyết dứt điểm vấn đề đối tượng hưởng chính sách BHYT…

“Ủy ban Dân tộc đề nghị các bộ, ngành liên quan thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện chính sách BHYT đến hết năm 2021, theo tinh thần góp ý của BHXH là vận dụng hài hòa chính sách; bám sát thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, khẩn trương thực hiện, giảm thiểu tối đa thiệt thòi cho đồng bào, không cứng nhắc theo phân định khu vực trong thực hiện chính sách BHYT; nhanh chóng xây dựng chính sách BHYT tốt hơn cho giai đoạn 2022-2025 với tinh thần chính sách BHYT toàn dân, lo cho dân, đảm bảo tốt an sinh xã hội”- Thứ trưởng Lê Sơn Hải nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đánh giá của các địa phương, Quyết định số 861/QĐ-TTg đã tác động lớn tới thực hiện chính sách BHYT cho người dân đang sinh sống trên các địa bàn này.

Cụ thể, các xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới chuyển từ khu vực III sang khu vực I. Do đó, các đối tượng là người DTTS thuộc đối tượng được NSNN đóng BHYT không được hưởng chính sách nữa hoặc bị cắt đột ngột làm cho người dân khó khăn trong quá trình đi KCB hoặc không có điều kiện tham gia BHYT hộ gia đình, dẫn đến tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân giảm xuống, có địa phương giảm từ 97% xuống 94%, có địa phương giảm từ 95% xuống 90%...

Tạp chí BHXH