Chuyển đổi số là bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội
30/11/2021 09:31 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ủy ban. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ với điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự phiên họp tại điểm cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số/xây dựng Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty, DN trong lĩnh vực công nghệ số. Tham dự tại điểm cầu BHXH Việt Nam có Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh- Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam; các Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp
Thống nhất nhận thức và tập trung hành động
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số là xu thế chung của thế giới, song cũng là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển đất nước. Chủ trương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia được xây dựng trên 3 trụ cột: Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số- đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 cũng xác định, phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện; phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt để hình thành Chính phủ số vào năm 2025.
Thủ tướng nhấn mạnh, Phiên họp đầu tiên của Ủy ban có ý nghĩa rất quan trọng. Để bảo đảm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định kiện toàn, đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Đây là minh chứng thể hiện sự quyết tâm hành động, nói đi đôi với làm và tăng cường kỷ luật kỷ cương.
Theo Thủ tướng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn xác định xây dựng Chính phủ số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây cũng là xu thế tất yếu, vừa nâng cao tính công khai, minh bạch, giải trình của Chính phủ, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển đất nước Việt Nam.
“Tại Phiên họp này, Ủy ban sẽ bàn về việc tiếp tục nâng cao nhận thức, thống nhất hành động; đề ra kế hoạch, bước đi, phương pháp, nội dung để Ủy ban hoạt động một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trước mắt là phục vụ phòng chống dịch Covid-19; khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế vai trò, tiềm lực của Việt Nam trên trường quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, phát triển số, chuyển đổi số, quốc gia số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số là những từ khóa quan trọng, thường xuyên được nhắc tới trong các văn bản chiến lược, kế hoạch hành động ở cấp cao nhất của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam gần như đi cùng nhịp với những nước nhanh nhất trên thế giới trong việc ban hành các văn bản về chủ trương, chiến lược quốc gia. Nhờ vậy, kết quả chỉ số xếp hạng “Sự trỗi dậy số” của các quốc gia năm 2021 do Trung tâm Cạnh tranh số Châu Âu thực hiện, đánh giá cho 3 năm (từ năm 2018 đến năm 2020) của 137 quốc gia, Việt Nam được xếp hạng nhất về tốc độ tiến bộ trong nhóm Đông Á và Thái Bình Dương.
Tại Phiên họp, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tập trung thảo luận về kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 và một số kiến nghị về chính sách. Đối với kế hoạch năm 2022, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử và hướng tới Chính phủ số, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đặt ra khoảng 53 chỉ tiêu định hướng đến năm 2025. Tất cả 53 chỉ tiêu này cần được tổ chức triển khai đồng bộ ngay từ năm 2022. Trong đó, lưu ý có 18 chỉ tiêu quan trọng đề xuất ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện trong năm 2022.
Dự thảo kế hoạch cũng đề xuất 34 nhiệm vụ trong năm 2022. Tinh thần là đặt mục tiêu cao, quyết tâm hành động cao, mỗi nhiệm vụ có một đơn vị chủ trì, có kết quả rõ ràng, có chỉ số đo lường cụ thể. Dự thảo kế hoạch phân công nhiệm vụ cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương. Trong đó, dự thảo kế hoạch đề xuất 8 nhiệm vụ nhằm xây dựng thể chế, chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho 5 nhóm vấn đề: Giao dịch điện tử; định danh và xác thực điện tử; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, thanh toán số, tiền kỹ thuật số; phân bổ và quản lý kinh phí chi cho chuyển đổi số; đại học số.
Đồng thời, dự thảo kế hoạch đề xuất 18 nhiệm vụ đột phá năm 2022 gồm: Phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân; phổ cập danh tính số toàn dân; phổ cập an toàn thông tin mạng toàn dân; phổ cập hồ sơ sức khỏe toàn dân; phổ cập dạy học trực tuyến; phổ cập chuyển đổi số trong DN vừa và nhỏ; phổ cập hóa đơn điện tử; phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phổ biến kỹ năng số; thúc đẩy toàn diện tất cả các phương thức thanh toán số; thúc đẩy thương mại điện tử; quy hoạch đô thị thông minh; phát triển Hệ thống thông tin báo cáo; cơ chế đặc thù cho Quỹ Phát triển khoa học công nghệ; phát triển Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; phát triển CSDL quốc gia về CBCCVC; điều phối phát triển, kết nối, chia sẻ dữ liệu; điều phối phát triển, sử dụng các nền tảng số.
Tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy chuyển đổi số
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng quan tâm đến những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số như: Hạ tầng cho chuyển đổi số; nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; nhận thức của người dân về chuyển đổi số; an ninh, an toàn mạng...
Tại điểm cầu BHXH Việt Nam
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành và địa phương, phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi và thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thử nghiệm ứng dụng giải pháp, công nghệ mới một cách sáng tạo, phù hợp.
Về Chính phủ số, cần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, xã hội; đẩy mạnh triển khai các hệ thống CSDL quốc gia, chuyên ngành, thúc đẩy chia sẻ, kết nối giữa các hệ thống; đổi mới phương thức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nội khối hành chính các cấp, ứng dụng CNTT vào mọi mặt hoạt động của cơ quan nhà nước, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành.
Các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số quốc gia cho giai đoạn mới, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số nhanh, bền vững, toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm. Nhanh chóng chuyển đổi số tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội, sử dụng công nghệ số và dữ liệu số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. "Tích cực hoàn thiện cơ sở dữ liệu; đầu tư, quan tâm, thúc đẩy triển khai chương trình phát triển công dân số; tích cực hợp tác giữa các địa phương tránh tình trạng cục bộ, phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Về kế hoạch chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, dẫn dắt, lan toả, thúc đẩy chuyển đổi số toàn quốc trong giai đoạn mới. Thủ tướng nhất trí về mặt chủ trương với 18 nhóm nhiệm vụ và một số chính sách thúc đẩy chuyển đổi số theo báo cáo. Đồng thời, đề nghị Bộ TT-TT sớm hoàn thiện kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022 có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu rõ ràng, hoạt động thực chất, hiệu quả, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường vai trò của Tổ công tác giúp việc Ủy ban; bảo đảm nguyên tắc Ủy ban không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở ý kiến góp ý tại Phiên họp, Bộ TT-TT hoàn thiện, lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ- Chủ tịch Ủy ban ký ban hành.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc