Đảm bảo an sinh xã hội để an dân

13/01/2022 06:56 AM


Chiều 12/1, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành, đoàn thể…

Đảm bảo an sinh trong dịch bệnh

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2021 với những thách thức rất lớn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sản xuất kinh doanh cơ bản phục hồi, đời sống nhân dân ổn định. Đợt dịch lần 4 đã ảnh hưởng đến lao động, việc làm với số người mất việc chiếm 5%; 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh; gần 50% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên.

“Đây là một mức giảm đáng kể, làm suy yếu sức mua của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống NLĐ. Trong bối cảnh đó, an sinh xã hội cùng với phòng chống dịch và phát triển kinh tế là 3 trụ cột chính để phát triển kinh tế-xã hội. Chỉ trong thời gian vài tháng, việc thực hiện Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đem lại hiệu quả thiết thực, được dư luận xã hội, NLĐ, chủ SDLĐ đồng tình cao. Cùng với đó, sự nỗ lực vượt bậc của CBCCVC ngành LĐ-TB&XH, ngành BHXH, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan, nhất là sự vào cuộc của các địa phương đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế-xã hội 11 tháng đầu năm đang khởi sắc trở lại, thị trường lao động phục hồi nhanh chóng và bắt đầu tạo được “sức bật” mới cho thời gian tiếp theo. Đáng chú ý, các chính sách đã triển khai với nguồn lực tuy chưa thật lớn, song đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm, địa bàn tăng trưởng trọng điểm vượt qua giai đoạn khó khăn”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, với phương châm tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “mục tiêu kép” với ưu tiên hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh người dân, bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh không đứt gãy, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ NLĐ, người dân gặp khó khăn, phục hồi thị trường lao động, giải quyết việc làm. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có chính sách "chưa có tiền lệ" hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch như: Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP và Nghị quyết 126/NQ-CP. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội ứng phó hiệu quả hơn trong đại dịch. Thống kê tới nay cho thấy, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP trên toàn quốc là trên 35,9 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng. Triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP, đến nay đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho trên 12,8 triệu lao động với số tiền hỗ trợ trên 30,5 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 0,52% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,34%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 4%; 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hằng tháng; 86% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 86% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời…

“Cùng với đó, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp được quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh, số người tham gia BHXH khoảng 16,578 triệu người, chiếm trên 36% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm 2,97% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt chỉ tiêu so với mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết 28-NQ/TW gần 2%); số người tham gia BH thất nghiệp khoảng 13,537 triệu người, chiếm trên 30% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hướng dẫn thực hiện chính sách lao động, tiền lương cho DN và NLĐ, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động trong DN, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đến thu nhập, tiền lương của NLĐ”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Giảm đối tượng hưởng BHXH một lần

Trong năm 2022, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ và của Bộ về thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC, lực lượng vũ trang, NLĐ trong DN và Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường công tác giám sát về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp; kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Mở rộng bao phủ và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp, nhất là BHXH tự nguyện. Phấn đấu giảm số đối tượng hưởng chế độ BHXH một lần, giảm tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm 2021 là năm rất đặc biệt trong bối cảnh cả nước phải tập trung chống dịch, ngành LĐ-TB&XH đã rất quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Qua đó, đã góp phần cùng cả nước hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, đối ngoại trong điều kiện "chưa từng có tiền lệ" từ khi chiến tranh kết thúc đến nay. Đáng chú ý, trong 2 năm (2020-2021), nền kinh tế thế giới tăng trưởng 1,8%, còn Việt Nam tăng 5,49%. “Điều đó cho thấy rằng, trong 2 năm qua, tuy rất khó khăn, nhưng chúng ta vẫn cố gắng có mức tăng trưởng rất tốt so với mặt bằng chung của thế giới. Có được kết quả như vậy là sự đóng góp của các bộ, ngành, trong đó sự đóng góp của ngành LĐ-TB&XH là rất quan trọng”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Tạp chí BHXH