BHXH Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam ký kết quy chế phối hợp truyền thông

17/01/2022 10:42 PM


Chiều 17/1, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giai đoạn 2022-2026. Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đồng chủ trì Lễ ký kết.

Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Việt Nam Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn. Về phía Đài Tiếng nói Việt Nam có các Phó Tổng Giám đốc: Trần Minh Hùng, Ngô Minh Hiển, Phạm Mạnh Hùng, Vũ Hải Quang; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc hai cơ quan.

Ông Đỗ Tiến Sỹ- Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Tiến Sỹ- Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, với trách nhiệm là cơ quan báo chí chủ lực quốc gia, trong nhiều năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã bám sát nội dung tuyên truyền theo định hướng của BHXH Việt Nam, thông tin nhanh, chính xác những chủ trương, chính sách về BHXH, BHYT và những hoạt động đổi mới của BHXH Việt Nam đến đông đảo người dân. Đặc biệt, không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông trong tình hình mới đảm bảo linh hoạt, đồng bộ...

Nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT trong đảm bảo an sinh xã hội đất nước, ông Đỗ Tiến Sỹ khẳng định: "Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ hỗ trợ BHXH Việt Nam tăng tần suất các tin, bài, phóng sự, chuyên mục tuyên truyền về BHXH, BHYT… góp phần tạo sức hút và lan tỏa các chính sách an sinh xã hội tới đông đảo độc giả, khán thính giả trên cả nước". Đồng thời, đề nghị BHXH Việt Nam chủ động cung cấp thông tin cho các phóng viên, biên tập viên của Đài về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhất là về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, giám sát, quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT, quỹ BH thất nghiệp, ngăn chặn trục lợi quỹ BHYT...

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh

Chia sẻ tại buổi lễ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, mà trụ cột là chính sách BHXH, BHYT, nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Xuất phát từ ý nghĩa, vai trò quan trọng của chính sách BHXH, BHYT đối với công tác an sinh xã hội, trong những năm gần đây, việc mở rộng diện bao phủ và thực hiện các chính sách BHXH, BHYT luôn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng để hướng tới BHXH, BHYT toàn dân.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền; các bộ, ngành; sự vào cuộc của các tổ chức chính trị-xã hội; cộng đồng DN, NLĐ và nhân dân; sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí, chính sách BHXH, BHYT đã đạt được những kết quả quan trọng”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.

Lãnh đạo hai đơn vị ký kết Quy chế

Theo đó, trong điều kiện dịch bệnh, chính sách thay đổi, các chỉ tiêu quan trọng tăng so với cùng kỳ; diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng. Tính đến hết ngày 31/12/2021, số người tham gia BHXH hơn 16,5 triệu người, tăng 2,2% so với năm 2020, đạt 33,77% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BH thất nghiệp gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so với năm 2020, đạt 27,34% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHYT hơn 88,8 triệu người, tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.

Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng mạnh, với hơn 1,45 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28-NQ/TW... “Những kết quả nổi bật này có đóng góp rất quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí, trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam đã luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ ngành BHXH Việt Nam một cách chủ động, tích cực, hiệu quả trong suốt thời gian qua”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định.

Nhấn mạnh vị thế, vai trò của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như mối quan hệ truyền thống gắn kết bền chặt mà hai cơ quan đã tạo dựng trong giai đoạn 2015-2020, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tin tưởng Quy chế phối hợp được ký kết lần này giữa BHXH Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tiếp tục được triển khai thành công, mang lại hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu về BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước.

Theo Quy chế phối hợp, thông tin tuyên truyền thông trên các kênh sóng và các phương tiện truyền thông của Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tập trung vào những nội dung như: Chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, trọng tâm là Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Đồng thời, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, kinh nghiệm hay trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; biểu dương các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, giải pháp để triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; truyền thông kết quả, các giải pháp, sáng kiến cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam; truyền thông kết quả công tác đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và hưởng BHXH, BHYT; cảnh báo những thông tin xấu độc, phê phán hành vi vi phạm; kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT...

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng sẽ cử đại diện các đơn vị chức năng tham gia các chương trình, chuyên mục, tọa đàm, phỏng vấn về BHXH, BHYT trên các phương tiện truyền thông của Đài Tiếng nói Việt Nam; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam được giao phối hợp và tham gia truyền thông về chính sách BHXH, BHYT…

Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan truyền thông với đầy đủ 4 loại hình báo chí, trong đó có 8 kênh phát thanh, 16 kênh truyền hình, 2 báo điện tử, 1 báo in, 1 tạp chí. Từ năm 2015 đến năm 2020, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực hiện được gần 2.000 chương trình, chuyên đề; gần 3.000 bài viết bình luận-phóng sự và hơn 5.000 tin, bài tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT và các hoạt động của ngành BHXH Việt Nam.

Tạp chí BHXH