Toàn ngành BHXH Việt Nam tiếp tục đồng lòng, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ được giao
06/04/2022 03:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 6/4, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 4/2022. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam có Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn và lãnh đạo các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam. Tại các điểm cầu địa phương có lãnh đạo BHXH tỉnh, thành phố; lãnh đạo các phòng chuyên môn và BHXH cấp huyện.
Nhiều kết quả nổi bật
Báo cáo tại Hội nghị, ông Chu Mạnh Sinh- Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 3/2022, toàn quốc có trên 16,4 triệu người tham gia BHXH, trong đó có trên 15,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và trên 85,34 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số. Nhìn chung, 3 tháng đầu năm, số tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, với mức tăng lần lượt là 1,47%, 10,77% và 1,95%. Tuy nhiên, nếu so với năm 2021, số tham gia BHXH tự nguyện giảm 168 nghìn người và số tham gia BHYT giảm 3,49 triệu người…
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Lý giải điều này, hầu hết các địa phương đều cho biết, nguyên nhân là do số người tham gia đã hết hạn nhưng chưa đóng tiếp và do tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg nên nhiều người dân, đồng bào DTTS chưa có điều kiện tham gia lại; HSSV có thẻ hết hạn chưa đóng tiền tham gia tiếp do chưa học trực tiếp tại trường; đối tượng thuộc hộ gia đình nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có thẻ hết hạn chưa đóng tiền tham gia tiếp do HĐND cấp tỉnh chưa ban hành nghị quyết hỗ trợ tiếp năm 2022.
Tổng số thu BHXH, BHYT lũy kế hết tháng 3/2022 là 93.483 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số nợ BHXH, BHYT là 23.992 tỷ đồng, bằng 5,6% so với số phải thu (so với cùng kỳ năm 2021, số tiền nợ tăng 2.992 tỷ đồng, tỷ lệ nợ so với số phải thu tăng 1%)...
Chia sẻ những nhiệm vụ đã thực hiện, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ cho biết: Trong bối cảnh chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022 rất lớn, nếu không chủ động, kịp thời triển khai các giải pháp hiệu quả ngay từ thời điểm đầu năm, thì sẽ khó đảm bảo hoàn thành được. Do đó, theo ông Hào, để đạt được các mục tiêu, bên cạnh các giải pháp hiện có, chúng ta cần có một cơ chế đổi mới hơn về thù lao đại lý, tạo sự khuyến khích tham gia thời gian dài hơn với người tham gia BHXH tự nguyện. “Đề nghị BHXH các địa phương tiếp tục cập nhật lại các nhóm đối tượng tiềm năng, thực hiện phân bổ chỉ tiêu phát triển đối tượng”- ông Hào nhấn mạnh.
Đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người dân
Cũng theo BHXH Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, số người giải quyết hưởng các chế độ BHXH hằng tháng, BHXH một lần, ốm đau, thai sản, DS-PHSK đều giảm so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ riêng số trường hợp giải quyết hưởng mới BH thất nghiệp tăng 61,94%, tuy nhiên số chi BH thất nghiệp lại giảm 509 tỷ đồng (12,69%).
Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam
Theo ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố bố trí nhân lực, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về nguồn kinh phí, cải cách TTHC, ứng dụng CNTT để tiếp nhận giải quyết kịp thời, chính xác, đầy đủ quyền lợi cho NLĐ mắc COVID-19; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích NLĐ nhận chế độ BHXH trực tiếp qua tài khoản cá nhân…
“Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ nghỉ việc điều trị COVID-19 tại nhà vẫn còn khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp, tham gia với Bộ Y tế báo cáo, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vướng mắc về việc cấp GCN nghỉ việc hưởng BHXH đối với NLĐ mắc COVID-19 điều trị tại nhà, nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ”- ông Thọ thông tin.
Trong khi đó, theo ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, để đảm bảo thực hiện tốt chính sách BHYT cũng như quyền lợi của người dân, BHXH Việt Nam đã phối hợp, đề nghị Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn xác định tổng mức thanh toán; lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ sở KCB về dự thảo Quy trình giám định BHYT mới; chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh kiểm tra, rà soát để cấp tạm ứng cho các cơ sở y tế nhằm đảm bảo kịp thời kinh phí phục vụ hoạt động KCB BHYT...
Liên quan công tác cải cách TTHC và ứng dụng CNTT, theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 25/3/2022, toàn Ngành đã xác thực khoảng 39 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về BH với CSDL quốc gia về dân cư; đồng thời đã cung cấp, chia sẻ trên 9,3 triệu bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư. Phối hợp với Bộ Công an xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư qua số CMND để đối chiếu, đồng bộ số CCCD từ CSDL quốc gia về dân cư sang CSDL của BHXH. Tính đến ngày 25/3/2022, số lượng xác thực lấy số CCCD là trên 45,4 triệu trường hợp, số xác thực thành công là trên 30,4 triệu. Kết quả sau một tháng triển khai thí điểm, toàn quốc đã có 2.856 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 35.813 lượt tra cứu, trong đó có 19.268 lượt tra cứu thành công...
Nhiều giải pháp cụ thể
Chia sẻ một số kết quả thực hiện trong quý I/2022, bà Lê Minh Lý- Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, BHXH tỉnh đã ký quy chế phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn; tổ chức các hội nghị tư vấn về BHXH, BHYT với hơn 2 nghìn người tham gia; tổ chức các hoạt động truyền thông theo nhóm; thực hiện rà soát dữ liệu thuế đối với trên 8.000 đơn vị với hơn 100.000 NLĐ. Nhờ các giải pháp cụ thể, số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn đều tăng nhẹ- đây là tín hiệu mừng khi dịch đã được kiểm soát, NLĐ bắt đầu quay trở lại thị trường lao động. “BHXH tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam; đồng thời tham mưu cho HĐND, UBND xem xét tăng mức hỗ trợ đóng...”- bà Lý nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Đức Hoà- Giám đốc BHXH TP.Hà Nội, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng nhiều giải pháp, số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn Hà Nội đều tăng so với năm 2021, riêng BHYT giảm 17 nghìn người và tập trung chủ yếu ở nhóm HSSV. “Theo chu kỳ, tới đây khi HSSV tại Hà Nội quay trở lại trường học, thì số người tham gia BHYT sẽ tăng trong thời gian tới”- ông Hoà nói.
Điểm cầu BHXH TP.HCM
Là địa phương giảm hầu hết các chỉ tiêu, ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM chia sẻ: Trong quý I, BHXH Thành phố thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh hết sức khó khăn, khi số ca nhiễm tăng cao, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của đơn vị. Cùng với đó, nhiều CCVC của BHXH Thành phố bị nhiễm COVID-19 làm ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ. “Vượt qua khó khăn, ngay từ những ngày đầu tiên, BHXH Thành phố đã bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam để triển khai quyết liệt. Vì vậy, một số nhiệm vụ đạt được tương đối tốt; tuy nhiên vẫn còn những chỉ tiêu chưa được như mong muốn”- ông Mến cho biết.
Tại Hà Nam, ông Trần Mạnh Toàn- Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, chỉ riêng tháng 3, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 600 người; 3 tháng đầu năm tăng mới trên 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện; số tham gia BHYT tăng trên 3.000 người so với năm 2021 và đạt 98% kế hoạch. “Chỉ riêng số người tham gia BHXH bắt buộc dù đạt được 90% kế hoạch, nhưng giảm khoảng 2.000 người so với năm 2021. Nguyên nhân là do số NLĐ mắc COVID-19, đầu năm nhiều DN chưa có đơn hàng mới. Tuy nhiên, BHXH tỉnh Hà Nam tin tưởng tình trạng này chỉ trong ngắn hạn, bởi khi Hà Nam qua đỉnh dịch, NLĐ quay trở lại làm việc, các DN có đơn hàng mới và tiếp tục tuyển dụng, thì số NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sẽ đạt được mục tiêu đề ra”- ông Toàn kỳ vọng.
Đồng lòng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ
Tại Hội nghị, các Phó Tổng Giám đốc đã có những đánh giá, nhận định và chỉ đạo về các lĩnh vực phụ trách. Liên quan lĩnh vực BHYT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn yêu cầu Ban Thực hiện chính sách BHYT, Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT cần tập trung, quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Ngành. Trong đó, phải sớm thống nhất về việc xây dựng quy trình giám định BHYT; có văn bản hướng dẫn BHXH các tỉnh triển khai thực hiện; tham mưu văn bản hướng dẫn tạm thời về việc tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT...
Về công tác thu và phát triển đối tượng, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Từ đó, nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn, để có giải pháp cụ thể hỗ trợ BHXH địa phương hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, BHXH các địa phương cũng phải nỗ lực hơn nữa mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đề nghị Vụ KH-ĐT bám sát tình hình, triển khai sớm dự toán năm 2022 để giao dự toán đến từng địa phương. “Phải thực hiện giao các chỉ tiêu, kế hoạch cho địa phương ngay từ đầu năm mới có thể hoàn thành kế hoạch đã đặt ra”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh. Còn theo Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, BHXH các địa phương cần thành lập tổ quyết toán năm, trong đó Giám đốc trực tiếp chỉ đạo để hoàn thành công tác quyết toán trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, quyết liệt chi trả các chế độ theo phương thức không dùng tiền mặt.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường cũng đề nghị các đơn vị trong toàn Ngành cần đẩy mạnh việc truyền thông, chia sẻ các giải pháp, cách làm hay, mô hình mới, các địa phương làm tốt nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, giúp BHXH các tỉnh, thành phố tham khảo, học tập, áp dụng vào triển khai nhiệm vụ tại địa phương mình…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của toàn Ngành trong thực thi nhiệm vụ, nhất là cơ bản hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất được giao. Theo Tổng Giám đốc, trước mắt vẫn khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản để ứng phó, triển khai nhiệm vụ hiệu quả. Đặc biệt, cần bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác; có lộ trình, cách thức triển khai, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân…
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc, bất cập; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho phù hợp. Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư. Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHYT. Thường xuyên rà soát, hoàn thiện CSDL để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, toàn Ngành cần tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4. Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống CSDL chuyên ngành; hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới trên ứng dụng VssID; nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số của Ngành, nhất là việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn (Big Data), áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động, nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi của các đơn vị, DN và người dân.
“Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm, rõ kết quả”; động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, sáng kiến, cách làm hay. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thực thi công vụ; đoàn kết, đồng lòng xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân, DN”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc