Đề xuất 2 tình huống chuyển từ phòng, chống đại dịch COVID-19 sang quản lý bền vững
04/05/2022 10:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
(Chinhphu.vn) – Để xây dựng các tình huống dịch COVID-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững, Bộ Y tế đã xây dựng hai tình huống chống dịch. Trong đó có tình huống xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng cao.
Bộ Y tế vẫn khẳng định, vaccine là biện pháp hữu hiệu trong việc giảm nguy cơ bệnh COVID-19 chuyển nặng, tử vong. Ảnh:VGP/HM
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ, trên cơ sở kế hoạch của tổ chức Y tế thế giới, tham khảo kế hoạch đáp ứng của một số quốc gia và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, Bộ Y tế xây dựng các tình huống dịch COVID-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Tình huống thứ nhất được đặt ra là chủng virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tiến hóa. Tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn.
Tình huống thứ 2 là, xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Các tình huống này được Bộ Y tế đưa ra tại dự thảo xin ý kiến góp ý về phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 năm 2022 - 2023.
Mục tiêu của dự thảo nhằm nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng phù hợp, hiệu quả trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp theo từng khu vực, địa phương, từng diễn biến tình huống dịch.
Theo đó, Bộ Y tế nhấn mạnh, các hoạt động đáp ứng và dự phòng cơ bản được thực hiện ở cả 2 tình huống dịch, có sự điều chỉnh phù hợp với biến chủng virus và diễn biến dịch. Trong khi triển khai các biện pháp đáp ứng, phòng chống dịch trong tình huống 1 vẫn phải sẵn sàng triển khai các biện pháp đáp ứng, phòng chống dịch nếu tình huống 2 xảy ra.
Bộ Y tế cũng khẳng định, vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu trong việc giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng, tử vong; tỷ lệ bao phủ vaccine cao ở tất cả các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương và nhóm nguy cơ cao là nền tảng để từng bước nới lỏng các biện pháp y tế và biện pháp xã hội khác.
Bộ Y tế cho biết, một số nước Đông Nam Á đã đưa các tiêu chí để coi COVID-19 là bệnh lưu hành.
Cụ thể, Indonesia quy định để coi COVID-19 là bệnh lưu hành, tỷ lệ sử dụng giường bệnh phải dưới 5% và tỷ lệ dương tính phải dưới1% dân số.
Còn với Thái Lan, từ ngày 1/7/2022, nước này sẽ coi COVID-19 là bệnh lưu hành với điều kiện tỷ lệ tử vong không vượt quá 0,1% (hiện nay tỷ lệ này là gần 0,2%).
Theo đó, Thái Lan sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm, bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang, trừ trường hợp với những người đang nhiễm bệnh.
Hiện nay, trên phạm vi toàn cầu ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cũng giảm liên tục, số ca nhiễm nặng và tử vong cũng giảm, trong khi tỷ lệ bao phủ vaccine gia tăng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành.
Ngày 31/3/2022, WHO đã ban hành Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022.
WHO cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát. Đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.631.516 ca mắc, 9.163.132 người đã khỏi bệnh (86,2%), 43.034 ca tử vong (0,4%).
So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua giảm mạnh từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% trong tháng này. Về số ca mắc, Việt Nam đứng thứ 12/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/225 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong khi đó, số ca tử vong trên 1 triệu dân của Việt Nam xếp thứ 130/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; so với châu Á, tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4/10 ASEAN).
Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến thể Omicron chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay, tương đồng với một số nước trong khu vực như Malaysia và Singapore chạm đỉnh dịch vào khoảng 8 đến 9 tuần sau khi ghi nhận biến thể Omicron xâm nhập và thời gian qua số ca mắc ghi nhận theo ngày của các nước này đã có xu hướng giảm dần.
Báo điện tử Chính phủ
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc