Chính sách BHYT tại Việt Nam- Thành tựu đáng ghi nhận

01/07/2022 09:40 PM


Báo cáo Kết quả điều tra các Mục tiêu Phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 (SDGCW Việt Nam 2020-2021), vừa được Tổng cục Thống kê và UNICEF Việt Nam công bố cho thấy, hỗ trợ về BHYT là một trong những chính sách ASXH được Chính phủ quan tâm và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Tăng tỷ lệ bao phủ, tăng nhận thức

Điều tra này nằm trong khuôn khổ Chương trình Điều tra Đa chỉ tiêu (MICS) toàn cầu của UNICEF, được xây dựng và phát triển từ những năm 1990 đến nay. Đồng thời, là Chương trình Điều tra thống kê quốc tế cấp hộ gia đình, hỗ trợ các quốc gia thu thập dữ liệu có tính so sánh quốc tế cho một loạt chỉ tiêu về tình hình trẻ em và phụ nữ. Điều tra MICS đo lường các chỉ tiêu thống kê quan trọng, cung cấp cho các quốc gia dữ liệu để hoạch định chính sách, chương trình và kế hoạch phát triển quốc gia; đồng thời cho phép theo dõi tiến độ hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và các cam kết quốc tế khác.

Ứng dụng VssID và CCCD gắn chip tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT

Theo SDGCW Việt Nam 2020-2021, hệ thống chính sách ASXH của Việt Nam bao gồm 4 nhóm chính sách cơ bản: Chính sách đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo, tham gia thị trường lao động; chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; chính sách trợ giúp xã hội đối với người có hoàn cảnh khó khăn; chính sách về các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, BHYT là một chương trình ASXH có nhiều thành tựu đáng kể.

Xét trên toàn quốc cho thấy, ở lứa tuổi 15-49, phụ nữ có tỷ lệ tham gia BHYT là 85,6% và nam giới là 80,3% thông qua nhiều hình thức khác nhau. Tỷ lệ bao phủ BHYT không có sự khác biệt đáng kể giữa thành thị, nông thôn và theo độ tuổi, nhưng có sự khác biệt đáng chú ý theo vùng, trình độ học vấn và mức sống. Vùng trung du và miền núi phía Bắc có độ bao phủ BHYT cao nhất (93,9% đối với nữ và 89,9% đối với nam), trong khi tỷ lệ bao phủ thấp nhất là ở vùng ĐBSCL (76% đối với nữ và 68,4% đối với nam). Tỷ lệ bao phủ BHYT cao nhất ở những người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên và những thành viên của các hộ gia đình thuộc nhóm giàu nhất.

Trong số những người từ 15-49 tuổi tham gia BHYT, tỷ lệ cao nhất là những người có BHYT thông qua chủ SDLĐ (40,7% đối với nữ và 34,9% đối với nam); tiếp theo là BHYT Nhà nước do cá nhân tự mua (30,7% đối với nữ và 30,1% đối với nam). Tỷ lệ tham gia BHYT thông qua chủ SDLĐ ở khu vực thành thị cao hơn ở khu vực nông thôn đối với cả nam và nữ. Về loại BHYT do Nhà nước chi trả, tỷ lệ nam và nữ được hưởng quyền lợi này ở nông thôn cao hơn thành thị. Qua đó, có thể thấy, tỷ lệ này có mối liên hệ ngược chiều với trình độ học vấn và mức sống của hộ gia đình, tức là nam giới và phụ nữ có trình độ học vấn thấp hơn và thuộc các hộ gia đình nghèo hơn có nhiều khả năng được Chính phủ chi trả toàn bộ BHYT hơn.

NSNN cần đóng vai trò chủ đạo

Điều tra cũng đưa ra các con số thống kê riêng về mức độ bao phủ BHYT cho thành viên từ 5-17 tuổi và trẻ em từ 5-15 tuổi. Cụ thể: Trên toàn quốc, 96,3% thành viên từ 5-17 tuổi và 97,2% trẻ em từ 5-15 tuổi được tham gia BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT cho cả hai nhóm tuổi là khá cao trong 6 vùng, các nhóm dân tộc, các nhóm mức sống, các mức trình độ học vấn của người mẹ và cả khu vực nông thôn, thành thị. Tuy vậy, trẻ em có mẹ không có bằng cấp có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp nhất (86,1% đối với thành viên từ 5-17 tuổi và 87% đối với trẻ từ 5-15 tuổi).

Theo tình trạng đi học, trẻ em không đi học có tỷ lệ tham gia BHYT thấp hơn nhiều so với trẻ em đang đi học, tương ứng khoảng 60% so với gần 99% ở cả hai nhóm tuổi. Theo loại hình BHYT cho trẻ em, ở cả hai nhóm tuổi, tỷ lệ cao nhất là nhóm được Nhà nước chi trả một phần (hơn 50%) và cao thứ hai là nhóm được Nhà nước chi trả toàn bộ (hơn 1/4). Đối với BHYT do Nhà nước chi trả toàn bộ, tỷ lệ bao phủ của trẻ em ở cả hai nhóm tuổi cao hơn ở những người sống trong hộ gia đình nghèo hơn và những người có mẹ có trình độ học vấn thấp hơn. Trẻ em thuộc các nhóm DTTS có xu hướng được Nhà nước chi trả toàn bộ BHYT hơn so với trẻ em dân tộc Kinh và Hoa.

Điều tra cũng cho thấy, 96,1% trẻ em dưới 5 tuổi có BHYT. Mặc dù không có sự khác biệt giữa khu vực nông thôn và thành thị, nhưng có sự khác biệt giữa các vùng, trong đó tỷ lệ bao phủ BHYT thấp nhất ở ĐBSCL (92,8%), trong các nhóm tuổi (từ 0-11 tháng tuổi) có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp nhất (87,6%). Tỷ lệ bao phủ BHYT của trẻ em dưới 5 tuổi cũng thấp hơn ở những trẻ có mẹ có trình độ học vấn thấp hơn, thuộc hộ gia đình người Mông và người Khmer và thuộc nhóm nghèo nhất. Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi đều có BHYT do Nhà nước chi trả toàn bộ (99,4%). Không có sự khác biệt theo khu vực, vùng, độ tuổi, trình độ học vấn của người mẹ, dân tộc hoặc mức sống…

Thực tiễn thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam cho thấy, khó khăn trong phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT là tính bền vững của hơn 50% dân số tham gia BHYT phụ thuộc vào nguồn NSNN đóng và hỗ trợ đóng. Có tới 31-44% số người tham gia BHYT thuộc nhóm NSNN bao cấp, trong khi quy định NSNN đóng BHYT lại liên quan đến chính sách vùng miền, chuẩn nghèo. Hiện tại, chúng ta cũng chưa thực hiện được quy định “BHYT là hình thức bắt buộc”. Mặc dù có quy định xử phạt, nhưng lại chưa đủ mạnh, chỉ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không đóng BHYT; còn việc xử phạt với cá nhân không tham gia BHYT thì thiếu tính khả thi trong tổ chức thực hiện...

Do đó, để duy trì tỷ lệ tham gia và tăng bao phủ BHYT đối với số dân chưa có BHYT, một trong những giải pháp cần thiết là NSNN tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, ngân sách địa phương giữ vai trò bổ sung trong việc đóng BHYT cho nhóm dễ bị tổn thương, hộ gia đình nghèo, hỗ trợ nhóm thân nhân NLĐ thuộc khu vực phi chính thức… với lộ trình trợ cấp, hỗ trợ phải đảm bảo tính ổn định. Đồng thời, thực hiện cơ chế tham gia BHYT mới, đó là NLĐ có thu nhập ổn định đóng BHYT cho thân nhân. Ngoài ra, cần có chế tài nghiêm khắc, quy định mức đóng BHYT cao hơn hoặc truy thu tiền đóng BHYT đối với thời gian trốn đóng hoặc chậm tham gia BHYT với tất cả các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.

Tạp chí BHXH