Hội thảo đề xuất thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ tại BHXH Việt Nam
14/04/2023 09:05 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 14/4, tại TP.Hải Phòng, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Đề xuất thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ tại BHXH Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Nội Vụ, Bộ Tư pháp, BHXH Việt Nam.
Thành quả là minh chứng cho năng lực thanh tra
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho biết, năm 2014, Quốc hội khóa 13 thông qua Luật BHXH, trong đó giao BHXH Việt Nam thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan BHXH. Bộ máy thanh tra, kiểm tra của Ngành được hình thành trên cơ sở bộ máy kiểm tra trước đây (tại Trung ương, Ban Kiểm tra đổi tên thành Vụ Thanh tra-Kiểm tra, tại địa phương Phòng Thanh tra đổi tên thành Phòng Thanh tra-Kiểm tra).
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo
Theo đó, cùng với sự phát triển của Ngành, hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH Việt Nam đã từng bước được khẳng định, đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Ngành. Trong đó, hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT đã kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chính sách BHXH, BHYT. “Trong 7 năm thực hiện, đã bảo vệ quyền lợi cho 370 nghìn NLĐ với số tiền truy đóng 1.020 tỷ đồng, xử phạt hoặc kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính trên 170 tỷ đồng”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn chia sẻ.
Theo Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, sau khi Luật Thanh tra được thông qua, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức, nghiên cứu, xây dựng dự thảo, trong đó có đề xuất việc thành lập cơ quan thanh tra BHXH Việt Nam. Do đó, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học để tiếp tục thảo luận, trao đổi, đóng góp ý kiến và đề xuất các giải pháp định hướng cho việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, trong đó có BHXH Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm khẳng định, BHXH Việt Nam là cơ quan có vai trò quan trọng và được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện thông qua những quy định cụ thể tại Luật Thanh tra- đã được Quốc hội thông qua và Nghị định về thanh tra chuyên ngành đang được Thanh tra Chính phủ trình Bộ Tư pháp thẩm định, tiến tới trình Thủ tướng, nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/7/2023.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm phát biểu tại Hội thảo
Nhận định về việc thành lập cơ quan thanh tra tại BHXH Việt Nam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho rằng, chiếu theo luật định thì điều này hoàn toàn phù hợp. Bởi Luật Thanh tra đã có quy định rõ ràng về việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ. Hơn nữa, BHXH Việt Nam đã có đội ngũ làm công tác thanh tra hết sức chuyên nghiệp, được bố trí từ Trung ương tới địa phương. “Những kết quả thanh tra chuyên ngành mà BHXH Việt Nam đạt được trong những năm vừa qua cũng là minh chứng cho việc thành lập cơ quan thanh tra tại đây là hết sức đúng đắn và khả thi”- ông Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm gửi lời cảm ơn tới BHXH Việt Nam đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ xây dựng thành công dự thảo Nghị định về thanh tra chuyên ngành. Đồng thời, đề nghị BHXH Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ làm công tác thanh tra, nhất là tại các địa phương. Tiếp tục xây dựng các giải pháp triển khai bộ máy thanh tra để đến khi được Thủ tướng thông qua sẽ bắt tay vào triển khai trên cả nước, qua đó góp phần khẳng định hơn nữa việc thành lập cơ quan Thanh tra tại BHXH Việt Nam là rất đúng, giúp Chính phủ phát hiện và xử lý sai phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Đáp ứng tình hình mới trong công tác thanh tra
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lò Quân Hiệp- Vụ trưởng Vụ Thanh tra-Kiểm tra (BHXH Việt Nam) cho biết, kết quả thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của BHXH Việt Nam qua 7 năm được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho công tác quản lý, có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Theo đó, qua công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT đã phát hiện và yêu cầu truy thu đối với 148.905 NLĐ chưa đóng, đóng thiếu thời gian với số tiền truy thu là 627,2 tỷ đồng; 221.395 NLĐ đóng thiếu mức đóng với số tiền truy thu 392 tỷ đồng. Xử phạt, kiến nghị xử phạt (với tổng số 2.896 quyết định xử phạt VPHC, với số tiền xử phạt 172,7 tỷ đồng).
Từ đó, góp phần làm giảm số tiền chậm đóng, số tiền chậm đóng phải tính lãi đã giảm dần qua các năm. Cụ thể: Năm 2016 là 7.600/257.300 tỷ đồng (2,95%); năm 2017 là 5.700/291.300 tỷ đồng (1,97%); năm 2018 là 5.700/332.000 tỷ đồng (1,72%); năm 2019 là 6.000/368.200 tỷ đồng (1,63%). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT của năm 2020, 2021, 2022 tăng so với các năm trước đó: Năm 2020 là 14.400/391.800 tỷ đồng (3,67%), năm 2021 là 3,67% và năm 2022 là 2,91%.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2022, qua công tác kiểm tra của Ngành đã kiến nghị thu hồi về quỹ BHXH số tiền 74,6 tỷ đồng của 74.371 lượt người hưởng các chế độ BHXH không đúng quy định; 22,2 tỷ đồng của 3.716 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định; 928,4 tỷ đồng chi phí KCB BHYT không đúng quy định. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra của BHXH Việt Nam còn phát hiện, yêu cầu BHXH địa phương rà soát và xử lý 1.251,8 tỷ đồng chi phí KCB BHYT có dấu hiệu thanh toán chưa đảm bảo quy định.
Ông Lò Quân Hiệp chia sẻ về sự cần thiết thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH Việt Nam
Tuy nhiên, theo ông Lò Quân Hiệp, những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT có chiều hướng gia tăng; hình thức vi phạm đa dạng, phức tạp, với giá trị lớn (nhất là lĩnh vực KCB BHYT) có ý thức chủ quan của con người và ngày càng tinh vi hơn. Các hành vi vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến như: Mua bán sổ BHXH qua mạng xã hội bằng hình thức nhận ủy quyền; mua bán, cấp khống GCN nghỉ việc hưởng BHXH; dùng các thủ đoạn tinh vi giả mạo giấy tờ sử dụng công nghệ cao để trục lợi quỹ BHXH; gửi đóng BHXH để lạm dụng hưởng chế độ BHXH; cơ sở y tế lạm dụng chỉ định dịch vụ, thống kê không đúng dịch vụ, ngày giường, thuốc, vật tư y tế để trục lợi quỹ KCB BHYT…
Đặc biệt, tình trạng chậm đóng, trốn đóng, không đóng, đóng không đủ số người, đóng không đúng thời gian quy định, đóng thiếu mức tiền lương phải đóng. Nhiều DN chậm đóng BHXH với số tiền lớn, thời gian kéo dài, phần lớn đã trích tiền đóng BHXH của NLĐ nhưng lại không đóng BHXH. Vi phạm này đang tồn tại phổ biến tại các DN ngoài khu vực nhà nước, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. “Từ những lý luận và thực tiễn nêu trên cho thấy, việc thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH Việt Nam là cần thiết, đáp ứng tình hình thực tiễn và phù hợp với các quy định của pháp luật”- ông Lò Quân Hiệp khẳng định.
Cần thành lập đồng bộ từ Trung ương đến địa phương
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng việc thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH Việt Nam là cần thiết, nhất là trong bối cảnh các vi phạm về BHXH, BHYT ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi chính đáng của NLĐ.
Ông Đinh Văn Minh đồng tình với đề xuất của BHXH Việt Nam
Bày tỏ quan điểm đồng tình với việc thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH Việt Nam, ông Đinh Văn Minh- Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, hiện nay đang có một bất cập đó là, dù cơ quan BHXH phát hiện rất nhiều vi phạm về BHXH, BHYT nhưng lại không có thẩm quyền xử phạt, khiến các DN ỷ lại, gây khó khăn và ảnh hưởng tới quyền lợi của NLĐ. Đến khi không thể giải quyết được thì mới bị khởi kiện, nhưng hầu như cũng không thể làm gì.
Từ thực trạng trên, cộng với bức tranh tổng thể về kết quả công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành, việc thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH Việt Nam là hợp lý. Tuy nhiên, nếu được thành lập, thì các cán bộ làm công tác thanh tra cần phải có sự chuẩn bị để thích ứng kịp thời với chuyên môn thanh tra của một cơ quan Thanh tra chính thức. “Sẽ không còn việc thanh tra thường xuyên, mà thay vào đó để tiến hành thanh tra cần thực hiện rất nhiều bước. Để làm được điều này, thì nhân lực cần được đào tạo bài bản”- ông Minh lưu ý.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng cần thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH cấp tỉnh
Đối với đề xuất thành lập cơ quan thanh tra tại BHXH cấp tỉnh, bà Nguyễn Quỳnh Liên- Trưởng ban Dân chủ-Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, BHXH là ngành dọc, có độ phủ sóng rộng lớn từ Trung ương đến địa phương, qua đó cho thấy được phạm vi hoạt động và đối tượng phụ trách rất lớn. Do đó, việc thành lập cơ quan thanh tra BHXH xuống tận cấp tỉnh là rất phù hợp.
“Nếu bên trên chuyển thành Thanh tra, mà bên dưới vẫn giữ mô hình Phòng Thanh tra, thì rất khó trong thực hiện nhiệm vụ, không đảm bảo thông suốt chương trình thanh tra, hoạt động thanh tra, kế hoạch thanh tra… trong nội bộ cơ quan BHXH, chứ chưa nói đến các Ngành liên quan. Vì vậy, việc thành lập đồng bộ từ cấp Trung ương tới địa phương sẽ là mô hình phù hợp với hoạt động thanh tra”- bà Liên lý giải.
Cũng bày tỏ sự ủng hộ và mong chờ sớm thông qua việc thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH Việt Nam, đặc biệt là tại BHXH các địa phương, ông Bùi Hùng Thiện- Chánh Thanh tra (Thanh tra TP.Hải Phòng) nhận định, đây sẽ là sự củng cố, bổ sung về mặt nhân sự rất lớn đối với ngành Thanh tra nói chung và Thanh tra các lĩnh vực, trong đó có BHXH ở địa phương nói riêng. “Chỉ với 5 cuộc thanh tra phối hợp với phía cơ quan BHXH Thành phố, chúng tôi đã xử phạt và thu hồi được trên 330 tỷ đồng. Nếu như có cơ quan thanh tra tại BHXH Thành phố, thì đó như một công cụ, chế tài để thực hiện, thực thi pháp luật. Đặc biệt với BHXH là lĩnh vực có tác động trực tiếp đối với người dân, NLĐ”- ông Thiện nêu ý kiến.
Tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ
Cho ý kiến về các vấn đề được đưa ra thảo luận tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, mà cụ thể là tại BHXH Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với luật định và nhu cầu từ thực tiễn. Tuy nhiên, đối với việc thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH cấp tỉnh thì cần có thêm những dẫn chứng, lý luận thực tiễn về việc được và mất khi thành lập. “Nếu thành lập mà mang lại lợi ích cho người dân, xử lý và hạn chế được các vi phạm thì tôi hoàn toàn đồng ý”- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nói.
Ông Bùi Hùng Thiện nhận định cơ quan thanh tra ở BHXH cấp tỉnh sẽ cho hiệu quả cao
Kết luận Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn khẳng định, việc thành lập cơ quan Thanh tra ở các cấp BHXH là một tất yếu trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay, đảm bảo được yêu cầu đúng việc, đúng người, đúng luật, đúng thời điểm; đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Luật Thanh tra ngày 14/11/2022. Ngành BHXH Việt Nam với nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách xã hội quan trọng, cần tiếp tục khẳng định và tiên phong trong thực hiện thanh tra chuyên ngành, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân; kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chính sách BHXH, BHYT.
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cũng nêu rõ, việc thành lập cơ quan thanh tra phải đảm bảo tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan khác có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHYT. Đồng thời, phải có sự gắn kết, liên thông, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương để thay đổi căn bản về quy trình, cách thức vận hành, mang lại giá trị mới cho người dân, người tham gia BHXH, BHYT; cũng như tăng năng suất lao động, năng lực quản trị của ngành BHXH Việt Nam.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc