Cần chế tài đủ mạnh để xử lý trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHXH

14/08/2023 03:10 PM


Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức, các chuyên gia cho rằng, cần quy định các biện pháp, chế tài đủ mạnh để phòng chống, xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan đã có nhiều giải pháp trong công tác thu, nhưng tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Không ít trường hợp cả DN và NLĐ cùng đồng thuận lợi dụng các quy định, kẽ hở của luật pháp để né tránh đóng BHXH.

PGS-TS.Đinh Dũng Sỹ- nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật trao đổi tại Hội thảo

DN chậm đóng, không đóng BHXH (trốn đóng) không chỉ gây nên tình trạng thất thu cho quỹ BHXH, nợ đọng quỹ, mà còn gây thiệt thòi, khiến NLĐ không được hưởng các quyền lợi BHXH, BHYT. Qua công tác quản lý thuế cũng cho thấy, không ít DN đã trích phần BHXH thuộc trách nhiệm đóng góp của NLĐ (tính trừ vào tiền lương), nhưng lại không đóng vào quỹ BHXH theo quy định...

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc bình quân giai đoạn 2016-2022 là trên 10.000 tỷ đồng/năm và có xu hướng gia tăng trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19. Xét theo thời gian, số chậm đóng kéo dài trên 3 năm hiện chiếm tỷ trọng cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 trên 30%. Đặc biệt, trong tổng số chậm đóng BHXH, thì số tiền chậm đóng khó có khả năng thu hồi có xu hướng tăng nhanh, từ 1.562 tỷ đồng năm 2016 (chiếm 16,3%) tăng lên đến khoảng 2.600 tỷ đồng năm 2020 (chiếm 22% trong tổng số tiền chậm đóng).

Do đó, để hạn chế tình trạng này, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH (từ Điều 36 đến Điều 44). Theo đó, bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng; quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người SDLĐ trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người SDLĐ trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của NLĐ, Dự thảo đã bổ sung trách nhiệm của người SDLĐ phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ...

Liên quan vấn đề này, nhiều chuyên gia thống nhất cao với định hướng cần có quy định chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc; đồng thời đề nghị cần phân biệt rõ hành vi “trốn đóng” và “chậm đóng” BHXH.

Theo TS.Đoàn Xuân Trường- Trường ĐH Luật Hà Nội, Ban soạn thảo cần đánh giá toàn diện tính tương thích về hành vi trốn đóng BHXH trong Dự thảo Luật BHXH và Khoản 10, Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn về một số thuật ngữ được sử dụng trong quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017). Bởi, trốn đóng BHXH quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự là hành vi của người SDLĐ có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT cho NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT.

Bày tỏ thống nhất cao với kiến nghị trên, ThS.Nguyễn Văn Phụng- nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) đề nghị, quy định về chế tài xử lý vi phạm đóng BHXH bắt buộc cũng phải thật rõ và đúng về hành vi (trốn đóng BHXH khác với chậm đóng). Trên cơ sở đó mới quy định, phương thức xử lý, mức độ xử lý, cơ quan, tổ chức/cá nhân có thẩm quyền xử lý, và biện pháp bảo đảm thi hành các chế tài xử lý.

Theo đó, với hành vi trốn đóng khi bị phát hiện cần áp dụng nhiều biện pháp xử lý như: Truy thu đủ số tiền trốn đóng BHXH; phạt số tiền theo từng lần khi xảy ra hành vi trốn đóng hoặc tỷ lệ % số tiền trốn đóng bị phát hiện; và tiền chậm nộp 0,03% mỗi ngày tính trên số tiền BHXH đã chiếm dụng, chậm đóng do trốn đóng BHXH nay bị phát hiện. Ngoài ra, các biện pháp như quyết định tạm ngừng sử dụng hóa đơn, tạm hoãn xuất cảnh, khởi tố hình sự đối với người đại diện, người được ủy quyền theo pháp luật của DN cũng có thể được quy định để áp dụng xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT.

Cùng quan điểm, PGS-TS.Đinh Dũng Sỹ- nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho biết, cơ quan BHXH có nhiều cố gắng, thực hiện nhiều giải pháp và cũng đã có những chuyển biến tích cực nhất định. Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều DN, địa phương, thậm chí còn diễn ra thời gian dài dẫn đến khó có khả năng truy thu, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ cho NLĐ.

Ủng hộ bổ sung các biện pháp, chế tài mạnh, PGS-TS.Đinh Dũng Sỹ đề xuất, cần kiên quyết, nghiêm túc trong tổ chức thực thi mới có thể đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định ràng buộc trách nhiệm, bổ sung chế tài xử lý đối với các cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm có liên quan khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH.

“Bộ luật Hình sự đã quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH, nhưng trên thực tế số vụ chúng ta truy tố, xử lý hình sự chưa được. Vậy, trách nhiệm của các cơ quan liên quan như thế nào, nhất là cơ quan điều tra, khởi tố, truy tố? Do đó, phải rà soát, bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong phối hợp thực hiện các biện pháp nói trên, đặc biệt là khi cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan điều tra đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trường hợp không quyết định khởi tố, cơ quan điều tra có trách nhiệm phản hồi lại cơ quan BHXH một cách công khai, rõ ràng, thuyết phục về lý do không khởi tố”- ông Sỹ phân tích.

Tạp chí BHXH