Bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Nỗ lực thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội

29/11/2023 10:30 PM


Sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương và hiệu quả, sáng 29/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành phiên họp bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Kỳ họp Quốc hội lần này đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7 luật, 8 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 8 dự án luật; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành nghị quyết chung của Kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 6

Quốc hội cũng đã thảo luận kỹ lưỡng tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-NSNN, đầu tư công năm 2023 và thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; quyết định Kế hoạch đầu tư công năm 2024; cho ý kiến về báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; Kế hoạch tài chính-ngân sách, đầu tư công 3 năm 2024-2026; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Quốc hội thống nhất đánh giá, từ năm 2023 và đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn so với dự báo, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; vừa chú trọng giải quyết các khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc trước mắt, vừa phải bám sát các mục tiêu, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Đồng thời, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế, trên cơ sở thúc đẩy các đột phát chiến lược. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh- gắn với nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật, đẩy mạnh CCHC, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh.

Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

“Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa-xã hội, an sinh xã hội, sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình MTQG về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận CBCC, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm…”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 và thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng, nhiều kiến nghị, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng các Chương trình MTQG trong thời gian tới.

Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai, rộng rãi và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cử tri, nhân dân cả nước. “Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Để các luật, nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả Kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, nhất là về những vấn đề cấp bách nảy sinh trong thực tiễn đòi hỏi phải có quyết sách kịp thời, phù hợp; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. “Các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, gia đình chính sách, NLĐ, người có hoàn cảnh khó khăn; chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết đầm ấm”- Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Ngay sau phiên bế mạc, Văn phòng Quốc hội đã tiến hành họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Liên quan đến phương án rút BHXH một lần tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, ông Đinh Ngọc Quý- Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, quá trình thảo luận tại tổ có 148 lượt ý kiến ĐBQH, thảo luận tại hội trường có 27 ý kiến phát biểu, 2 ý kiến tranh luận và 7 ý kiến ĐBQH gửi bằng văn bản. Đồng thời, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật của Ủy ban Xã hội cũng cho thấy, trong các thành viên của Ủy ban có 3 loại ý kiến khác nhau (đồng ý phương án 1, phương án 2 và không đồng ý cả 2 phương án) với những lý do thuyết phục.

Với 3 loại ý kiến đó, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, NLĐ và nhân dân về các phương án nhận BHXH một lần. Hiện, Ủy ban Xã hội đang phân tích các ý kiến thảo luận của ĐBQH về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) để làm việc với các cơ quan liên quan về các phương án. “Thời gian tới, Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến công chúng không chỉ phương án nhận BHXH một lần, mà còn nhiều nội dung khác của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)”- ông Quý thông tin.

Tạp chí BHXH