Những điểm mới về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp áp dụng từ ngày 01/7/2024
05/07/2024 10:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trên cơ sở quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN); Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Từ ngày 01/7/2024 quy định về đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN có sự thay đổi, cụ thể:
1. Mức lương cơ sơ làm căn cứ tính mức lương đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN
1.1. Áp dụng mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng làm căn cứ tính mức lương đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN từ ngày 01/7/2024.
1.2. Đối tượng áp dụng:
- Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
- Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
- Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ).
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
- Hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ thuộc Công an nhân dân.
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
BHXH tỉnh tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT cho người đồng bào dân tộc thiểu số tại các buôn trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột
2. Mức đóng của đối tượng chỉ tham gia BHYT
2.1. Đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng:
Từ ngày 01/7/2024 mức đóng BHYT tính theo mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng. Trường hợp được cấp thẻ BHYT trước ngày 01/7/2024 thì từ ngày 01/7/2024 cơ quan BHXH điều chỉnh mức đóng BHYT theo mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng.
2.2. Đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và người tham gia BHYT theo hộ gia đình từ ngày 01/7/2024: mức đóng BHYT tính theo mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng.
Ví dụ:
- Mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên từ ngày 01/7/2024:
2.340.000 đồng x 4,5% x 12 tháng x 65% = 821.340 đồng/năm/1 học sinh
- Mức đóng BHYT đối với hộ gia đình từ ngày 01/7/2024:
+ Người thứ nhất: 2.340.000 đồng x 4,5% x 12 tháng = 1.263.600 đồng/năm.
+ Từ người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất.
+ Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
3. Mức lương tối thiểu tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ
3.1. Đối tượng áp dụng:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
- Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, bao gồm:
+ Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
+ Cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 74/2024/NĐ-CP.
3.2. Mức lương tối thiểu tháng:
Vùng I: tăng 280.000 đồng, từ 4.680.000 đồng/tháng lên 4.960.000 đồng/tháng.
Vùng II: tăng 250.000 đồng, từ 4.160.000 đồng/tháng lên 4.410.000 đồng/tháng.
Vùng III: tăng 220.000 đồng từ 3.640.000 đồng/tháng lên 3.860.000 đồng/tháng.
Vùng IV: tăng 200.000 đồng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.450.000 đồng/tháng.
(Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP).
Tại tỉnh Đắk Lắk áp dụng:
- Mức 3.860.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các đơn vị hoạt động trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (vùng III).
- Mức 3.450.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các đơn vị hoạt động trên các địa bàn còn lại (vùng IV).
3.3. Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
- Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
- Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục kèm theo Nghị định này.
Lưu ý: Đối với các nội dung trả lương đã thỏa thuận, cam kết mà có lợi hơn cho người lao động (như chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học tập, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu và chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường) thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
4. Từ ngày 01/7/2024 mức tiền lương tháng tối đa để tính đóng BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện là: 20 lần mức lương cơ sở, bằng 2.340.000 đồng x 20 = 46.800.000 đồng; mức tiền lương tháng tối đa để tính đóng BHTN là 20 lần mức lương tối thiểu vùng.
Huỳnh Kim Tưởng
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc