Xây dựng chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam phù hợp với xu thế quốc tế
28/10/2021 09:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 28/10, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn quốc tế về “Định hướng chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì hội thảo tại điểm cầu Hà Nội, Việt Nam.
Bối cảnh mới đòi hỏi chiến lược mới
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh điểm lại những dấu ấn nổi bật của ngành BHXH Việt Nam sau hơn 26 năm hình thành và phát triển. Theo đó, với sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam, đến nay, độ bao phủ BHYT đạt trên 90% dân số, trên 33% lực lượng lao động tham gia BHXH, BH thất nghiệp…
Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực và giải pháp hỗ trợ người dân, DN vượt qua đại dịch thông qua các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan quản lý, chi trả kịp thời chế độ BH thất nghiệp cho NLĐ, điều chỉnh giảm mức đóng BH thất nghiệp, BH TNLĐ, BNN, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ: Kiểm soát ngăn chặn bệnh dịch với phát triển kinh tế và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển khác phải đối mặt với những vấn đề mang tính toàn cầu mới nổi lên trong lĩnh vực ASXH như: Toàn cầu hóa, già hóa dân số, dịch chuyển lao động khu vực và liên khu vực, chuyển đổi số, độ bao phủ chưa đồng đều giữa đô thị và nông thôn, nguồn tài chính còn hạn hẹp, các chế độ an sinh xã hội chưa được bao phủ toàn diện.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực và chú trọng phát triển các chính sách ASXH nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới, góp phần đảm bảo cuộc sống cho NLĐ, đồng thời khắc phục những hạn chế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Những mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi phù hợp với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, thể hiện trách nhiệm, vai trò trung tâm của Nhà nước, của hệ thống chính trị và phản ánh xu thế phát triển và hội nhập quốc tế về an sinh xã hội.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nêu rõ: Để đạt được các mục tiêu trên, BHXH Việt Nam bắt buộc phải thay đổi và thích ứng với bối cảnh mới. Đại dịch COVID-19 tuy đang dần được kiểm soát nhưng một lần nữa cho thấy hệ thống ASXH cần điều chỉnh để phù hợp với những vấn đề toàn cầu phi truyền thống, bùng phát nhanh với phạm vi lớn và có hệ quả lâu dài đối với nền kinh tế và NLĐ đặc biệt là lao động ở khu vực phi chính thức.
Những vấn đề mang tính định hướng chiến lược phát triển đang được đặt ra; từ quan điểm quản lý, hạ tầng công nghệ, quy trình quản trị đến nguồn nhân lực hướng đến một hệ thống bền vững hiệu quả, hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch và vì sự hài lòng của người dân và DN…
Hội thảo tham vấn quốc tế hôm nay vì mục tiêu phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là một cơ hội quý báu cho BHXH Việt Nam tham vấn các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, qua đó hoàn thiện chiến lược phát triển một cách phù hợp, khoa học, đáp ứng mục tiêu phát triển ASXH bền vững của đất nước, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh.
Đáp ứng yêu cầu đang đặt ra từ thực tiễn
Hiện nay, Đề án chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được xây dựng, tập trung và các nội dung chủ yếu như: Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; phát triển người tham gia BHXH, BHYT; kiểm soát chặt chẽ, minh bạch tài chính quỹ; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư các quỹ theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ; đổi mới nội dung, phương pháp truyền thông; kiện toàn tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lược; tăng cường, mở rộng năng lực hệ thống CNTT; phát triển công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; hội nhập và hợp tác quốc tế..
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến vào từng nội dung quan trọng của Đề án.
Về vấn đề hợp tác quốc tế, ông Trịnh Minh Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) nêu khuyến nghị: BHXH Việt Nam cần tiếp tục triển khai hoạt động đối ngoại trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa. Thông qua hợp tác song phương và đa phương, tham gia các diễn đàn, tổ chức ASXH của khu vực và quốc tế như Hiệp hội ASXH ASEAN (ASSA) và Hiệp hội ASXH thế giới (ISSA), cần tiếp cận, thu hút, vận động sử dụng các nguồn tài trợ, kinh nghiệm và công nghệ quốc tế. Đồng thời, qua quá trình tham gia hợp tác và hội nhập quốc tế, BHXH Việt Nam có thể đóng góp những kinh nghiệm và thực tiễn tốt của Việt Nam, đóng góp vào xây dựng, định hình luật chơi chung, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế, hiệp hội mà chúng ta tham gia, qua đó nâng cao hình ảnh và vị thế của ngành BHXH Việt Nam và của đất nước.
Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Chia sẻ về phát triển BHYT, ông Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam chỉ ra các thách thức chủ yếu trong việc mở rộng diện bao phủ với 10% nhóm dân số còn lại; việc bảo đảm cân đối quỹ BHYT bền vững cùng với mục tiêu bảo vệ tài chính, giảm chi từ tiền túi của người dân cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Bên cạnh đó, già hóa dân số cũng sẽ đem đến nhiều áp lực cho hệ thống y tế cũng như BHYT.
Chuyên gia của WHO khuyến nghị, cần có giải pháp phát triển BHYT giảm sự phụ thuộc vào tình trạng việc làm, thu nhập hay trường học; xây dựng chiến lược mua dịch vụ y tế một cách hiệu quả, củng cố hơn nữa hệ thống giám định, đánh giá hoạt động của bên cung ứng; ưu tiên sử dụng (mua) nhiều hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và các dịch vụ chăm sóc dài hạn.
Đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), bà Marielle Phe Goursat, nhận định, bối cảnh hiện nay, nhất là với những tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19, để đạt được tiến bộ thực sự, cần đầu tư lớn hơn cho ASXH và Việt Nam cũng vậy. Cần tập trung nâng cao năng lực cán bộ cho BHXH Việt Nam, chú trọng vào khả năng phân tích tài chính - yếu tố quyết định chính về việc liệu BHXH Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu của chiến lược hay không. Đồng thời, BHXH Việt Nam nên tiếp tục củng cố hoạt động của mình để tạo điều kiện chuyển đổi sang hệ thống ASXH đa tầng, tích hợp hơn như Nghị quyết 28 đã đề ra.
Về vấn đề đầu tư quỹ, ông Christophe Lemiere, Trưởng nhóm Chương trình phát triển con người của WB tại Việt Nam nêu quan điểm, BHXH Việt Nam cần nâng cao hiệu quả đầu tư, đa dạng hóa danh mục đầu tư; đồng thời nâng năng lực quản lý đầu tư, quản lý rủi ro, sử dụng và tham vấn ý kiến chuyên gia đầu tư bên ngoài. Khó có thể duy trì mức lãi đầu tư 3-4% hoặc cao hơn nếu không đa dạng hóa, ông Christophe Lemiere đánh giá.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh bày tỏ sự cảm ơn những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, trong đó có nhiều ý kiến tham vấn mang tính vĩ mô liên quan đến các ngành, các cấp, liên quan đến phạm vi điều chỉnh của các quy định pháp luật. Nhiều khuyến nghị đóng góp cụ thể đến mục tiêu chiến lược, hoạt động quản lý điều hành của cơ quan BHXH Việt Nam. Bên cạnh đó, là nhiều giải pháp kỹ thuật đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, đầu tư quỹ, hệ thống chăm sóc khách hàng...
BHXH Việt Nam đánh giá cao sự chia sẻ và hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế trong suốt thời gian qua và mong muốn các sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn những ý khuyến nghị khoa học trong thời gian sắp tới, ở một tâm thế, triển vọng đầy lạc quan nhưng cũng không ít thách thức ở phía trước.
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho rằng: Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được xây dựng với sự đóng góp của các chuyên gia uy tín, chắc chắn sẽ trở thành định hướng chiến lược tốt, giúp BHXH Việt Nam phát triển bền vững hiệu quả, phù hợp, đáp ứng các chuẩn mực hội nhập quốc tế về ASXH trong bối cảnh mới.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc