Tăng cường hợp tác quốc tế để quản lý tốt hơn các bệnh mạn tính tại Việt Nam

22/01/2024 09:25 PM


Ngày 22/1, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Pháp và Phòng Xúc tiến Thương mại Pháp tại Việt Nam (CCIFV) tổ chức Hội thảo “Hướng tới quản lý tốt hơn các bệnh mạn tính tại Việt Nam”. Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp quản lý hiệu quả bệnh mạn tính; từ đó đưa ra các đề xuất, khuyến nghị cho xây dựng chính sách quản lý bệnh mạn tính nói chung và quản lý sử dụng quỹ BHYT cho ngành BHXH Việt Nam...

Gánh nặng gia tăng lên quỹ BHYT

“Hội thảo là minh chứng cho hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, bệnh mãn tính, trao đổi các kinh nghiệm từ phòng ngừa đến chẩn đoán sớm, điều trị phù hợp, theo dõi bệnh nhân”- ông Olivier Brochet- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cho biết trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo. Theo Đại sứ Olivier Brochet, y tế là một trong những trụ cột nổi bật trong hợp tác song phương Pháp-Việt Nam. Hơn 3.000 bác sĩ Việt Nam đã được đào tạo ở Pháp; nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu cũng đã được hai bên thực hiện, kể cả theo hướng đối tác công-tư...

Đại sứ Olivier Brochet phát biểu khai mạc Hội thảo

Cũng theo Đại sứ Olivier Brochet, trong vòng 30 năm qua, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, điều kiện sống của người dân cũng thay đổi, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chăm sóc y tế. Chính trong bối cảnh này kinh tế ngày càng phát triển, điều kiện sống của người dân ngày càng nâng lên, những dịch vụ về y tế được cải thiện, lại xuất hiện thách thức mới trong lĩnh vực y tế cần giải quyết- khi những bệnh mạn tính ngày càng chiếm tỷ lệ cao... “Đây là những vấn đề cả hai nước cùng phải đương đầu và mong muốn hợp tác trong lĩnh vực này tăng cường, phát triển hơn nữa. Tháng 10 vừa qua, Pháp đã đưa ra Chiến lược y tế toàn cầu giai đoạn 2023-2027. Vì vậy, Đại sứ quán sẽ sát cánh cùng DN Pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác với các đối tác tại Việt Nam”- Đại sứ Olivier Brochet nói.

Chung nhận định này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh: “Hội thảo là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với xu hướng già hóa dân số nhanh, gánh nặng bệnh tật và chi phí KCB của các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng; đồng thời Chính phủ Việt Nam cũng tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, chú trọng phòng bệnh, đẩy mạnh quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, thực hiện quản lý sức khỏe người dân tại gia đình và cộng đồng".

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa phát biểu tại Hội thảo

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa chỉ rõ, sau 30 năm triển khai chính sách BHYT, cùng với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan và nỗ lực của BHXH Việt Nam, tỷ lệ bao phủ BHYT đã tăng từ 47% dân số năm 2008 lên 74,7% năm 2015 và năm 2023 đã đạt 93,35%, tiến dần tới mục tiêu BHYT toàn dân. Nguồn quỹ BHYT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu cho y tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình triển khai chính sách BHYT tại Việt Nam đã và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là chi phí y tế ngày càng tăng, trong khi quỹ BHYT đang mất cân bằng thu-chi.

Đáng chú ý, chi phí điều trị cho các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm gia tăng, đã và đang là gánh nặng cho người dân và toàn xã hội... “Với chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT theo quy định của Luật BHYT, việc học tập, tham khảo kinh nghiệm quốc tế luôn là ưu tiên của BHXH Việt Nam trong xây dựng chính sách nói chung và chính sách BHYT nói riêng”- Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.

Ông Thibaut Giroux- Chủ tịch Phòng Xúc tiến Thương mại Pháp tại Việt Nam (CCIFV) cũng chia sẻ: CCIFV tự hào được trở thành diễn đàn để kết nối và hỗ trợ cộng đồng Pháp tại Việt Nam, cùng nhau tạo ra sự kết nối và mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác, thúc đẩy trao đổi những thực hành tốt nhất trong chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, giai đoạn 2011-2020, mô hình bệnh tật tại Việt Nam vẫn diễn biến theo xu hướng gia tăng ngày càng trầm trọng các bệnh mạn tính. Năm 2019, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc, trong đó bệnh tim mạch chiếm 20,5%, ung thư 13,3%, hô hấp mạn tính 4% và đái tháo đường chiếm 3,9%. Các rối loạn tâm thần kinh (bao gồm rối loạn tâm thần, động kinh, sa sút trí tuệ...) chiếm 5,3% tổng số tử vong và gây ra gánh nặng bệnh tật rất lớn.

Các chuyên gia của Pháp và Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Chi cho KCB và điều trị các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm có xu hướng gia tăng. Năm 2023, chi từ quỹ BHYT cho một số bệnh không lây nhiễm phổ biến (tăng huyết áp, đái tháo đường, 6 nhóm bệnh ung thư phổ biến như ung thư vú, ung thư phế quản và phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 5 rối loạn tâm thần thường gặp (rối loạn lan tỏa sự phát triển bệnh tự kỷ, rối loạn phân liệt cảm xúc, rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu, trầm cảm, rối loạn tâm thần khác do tổn thương và rối loạn chức năng não và do bệnh cơ thể) là 20,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 16,8% tổng chi BHYT cho KCB...

Cần cách tiếp cận toàn diện

Trình bày bức tranh tổng thể về quản lý, sử dụng quỹ BHYT tại Việt Nam, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) chỉ rõ những điểm mạnh, cũng như hạn chế, cơ hội và thách thức đối với chính sách BHYT tại Việt Nam. Theo ông Phúc, hiện Việt Nam đang là một trong các quốc gia có chính sách BHYT ổn định với tỷ lệ bao phủ BHYT cao; gói quyền lợi BHYT đầy đủ; tiếp cận dịch vụ KCB BHYT dễ dàng, BHYT chi cho KCB ngày càng tăng.

Tuy nhiên, hạn chế là, mặc dù Việt Nam có độ bao phủ BHYT trên 90% dân số, nhưng chưa đảm bảo cân đối thu-chi trong năm; chi BHYT chưa hiệu quả; số chi từ tiền túi người dân còn cao; xuất hiện mâu thuẫn giữa cơ quan giám định và BV... Do đó, theo ông Phúc, vấn đề cần giải quyết hiện nay là làm thế nào để cải thiện hiệu suất sử dụng quỹ BHYT, đồng thời duy trì và phát triển bền vững tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, đối phó với già hóa dân số như thế nào?...

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Cũng theo ông Phúc, thách thức trong quản lý bệnh mạn tính là: Thiếu hành lang pháp lý và công cụ quản lý (chưa có Luật Phòng chống bệnh không lây nhiễm; chưa có hệ thống thông tin/CSDL quốc gia về bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính). Việt Nam vẫn còn một số chính sách có xu hướng khuyến khích tăng cung ứng dịch vụ y tế trong BV (cơ chế tự chủ tài chính; xã hội hóa máy, trang thiết bị y tế; phương thức thanh toán theo phí dịch vụ). Chính sách thông tuyến cũng khiến giảm KCB ngoại trú tại tuyến ban đầu, tăng KCB tại BV, tăng chỉ định nội trú. Khả năng điều chỉnh mức đóng BHYT để có điều kiện mở rộng quyền lợi BHYT cho chẩn đoán sớm cũng khó thực hiện, trong khi số chi tăng hàng năm...

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý bệnh mạn tính ở Pháp, BS.Eric Baseilhac- Giám đốc Quản lý Kinh tế, Tiếp cận và Xuất khẩu (Hiệp hội Dược phẩm Pháp- LEEM) cho biết: Các bệnh mạn tính ảnh hưởng đến 35% bệnh nhân được BHXH Pháp chi trả (25 triệu người/68,7 triệu người), trong đó, bệnh tim mạch chiếm gần 50%. Sự phát triển phổ biến của các bệnh mạn tính ở các nước phương Tây chủ yếu bị ảnh hưởng bởi lão hóa, cải thiện khả năng phát hiện, tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, hiệu quả điều trị.

Riêng đối với Việt Nam, chuyên gia này bày tỏ quan ngại với xu hướng “phương Tây hóa chế độ ăn uống của người Việt Nam”, ăn nhiều chất béo hơn, ít rau hơn, lượng muối tiêu thụ lên đến 20gr/ngày so với khuyến cáo của WHO là 5gr/ngày. Cùng với đó là lối sống ít vận động, người Việt đang có số bước đi trung bình hàng ngày thấp nhất thế giới, nhưng ngược lại có tỷ lệ hút thuốc khá cao, sử dụng rượu bia nhiều. Ngoài ra, là câu chuyện đô thị hóa nhiều, ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, dẫn đến tỷ lệ bệnh không lây nhiễm đang rất lớn, chủ yếu là bệnh mạn tính...

Chia sẻ kinh nghiệm từ Pháp- quốc gia được coi là tiên phong trong các thử nghiệm nhằm tối ưu hóa hành trình điều trị của bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, BS.Eric Baseilhac lưu ý: Quản lý bệnh mạn tính đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện từ phát hiện, phòng ngừa, phối hợp kiểm soát bênh, cải thiện tuân thủ điều trị. "Bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ, có thể tránh được 80% tất cả các trường hợp mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường týp 2, cũng như hơn 40% trường hợp ung thư"- chuyên gia này dẫn chứng chương trình phòng ngừa thử nghiệm “Nói không với bệnh tiểu đường” cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường đã được thực hiện từ năm 2018 đến năm 2022 bởi BHXH Pháp.

Theo đó, chương trình sẽ sàng lọc những người có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, tổ chức cho nhóm này 10 buổi họp tập thể trong một năm cùng các chuyên gia về y tế, dinh dưỡng và huấn luyện thể chất. Kết quả cho thấy khá khả quan, khi bệnh nhân cải thiện giảm cân (2%), cải thiện hoạt động thể chất và thói quen dinh dưỡng... Bên cạnh đó, BHXH Pháp có kế hoạch thực hiện chương trình phát hiện bệnh tiểu đường tại các hiệu thuốc...

Đặc biệt, đề cập đến vấn đề quan trọng là tuân thủ điều trị, BS.Eric Baseilhac đánh giá: Tỷ lệ tuân thủ liệu pháp điều trị lâu dài đối với các bệnh mạn tính được ước tính là 50% ở các nước thu nhập cao. Tuy nhiên, ở các nước thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ này được ước tính thấp hơn...

Chi phí-hiệu quả KCB BHYT là bài toán khó?

Tại Hội thảo, ông Jean-Rrancois Legourd- Đồng sáng lập và Giám đốc vận hành Elfie (một ứng dụng trị liệu kỹ thuật số) cũng giới thiệu một giải pháp mới “Trị liệu kỹ thuật số trong giảm gánh nặng chăm sóc mãn tính cho hệ thống y tế công cộng”. Theo ông Jean-Rrancois Legourd, ứng dụng này sẽ chia sẻ thông tin về tác động y khoa đối với các bệnh cụ thể; giúp giảm chi phí y tế. Khác với các ứng dụng sức khỏe, chăm sóc sức khỏe thường chia sẻ các thông tin chung, ứng dụng trị liệu kỹ thuật số sẽ cá thể hóa cho từng cá nhân, được bác sĩ kê toa...

Giải pháp mới này đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu tham dự Hội thảo, đặc biệt là vai trò của ứng dụng này liên quan đến BHYT. Hiện Việt Nam cũng đã có thông tư riêng được Bộ Y tế ban hành về KCB từ xa, BHXH Việt Nam cũng có hệ thống CSDL từ Hệ thống Thông tin giám định BHYT, làm cơ sở xây dựng bản đồ dịch tễ bệnh mạn tính... Tuy nhiên, để giải pháp này ứng dụng hiệu quả trong quản lý bệnh không lây nhiễm, sẽ cần nhiều điều kiện khác đi kèm: Cần có hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ hơn như Luật Phòng chống bệnh không lây nhiễm; phát triển y tế cơ sở; nâng cao năng lực cho nhân viên y tế cơ sở...

Với vai trò Giám đốc Quản lý Kinh tế, Tiếp cận và Xuất khẩu về tiếp cận các loại thuốc phát minh tại các nước đang phát triển, BS.Eric Baseilhac đã chia sẻ chuyên đề “Tiếp cận các loại thuốc phát minh ở các nước đang phát triển", khi cho rằng, các thuốc phát minh cần được đưa vào các nước đang phát triển, giúp mang lại nhiều lợi ích, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, cũng như hiệu quả của hệ thống chăm sóc sức khỏe; chuyển đổi dịch tễ học, hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm toàn dân. Một ví dụ cụ thể với bệnh tâm thần phân liệt- căn bệnh nghiêm trọng với gánh nặng xã hội, lâm sàng và kinh tế cao. Hiện nay, thuốc chống loạn thần dạng tiêm tác dụng kéo dài 3 tháng, làm giảm tỷ lệ tái phát 84% (so với 23% đối với liều uống hàng ngày)...

Để đưa các loại thuốc phát minh vào các nước đang phát triển một cách hiệu quả, phù hợp chi phí, theo chuyên gia này, nên chú trọng cả sự tham gia của các công ty dược phẩm- không chỉ với vai trò nhà cung cấp, mà có thể là đối tác trong các lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, sẽ cần xác định chi phí đầu tư dựa trên nhiều yếu tố: Đánh giá tác động ngân sách dựa trên các khoản tiết kiệm được tạo ra bởi sự đổi mới; phân loại chi phí như một khoản đầu tư dài hạn có thể giảm chi tiêu tổng thể và cải thiện kết quả chăm sóc sức khỏe; xem xét lợi ích của sự đổi mới trong toàn bộ hệ thống chăm sóc; thực hiện phân tích hiệu quả chi phí và tác động ngân sách; chứng minh lợi tức đầu tư cho người chi trả và nhà hoạch định chính sách. Ngoài ra, có thể xem xét tạo quỹ riêng cho đổi mới tài chính- đây là một giải pháp hợp lý, khi ngân sách an sinh xã hội bị giới hạn bởi ngân sách hằng năm và bởi phân loại thuốc...

Tán đồng với ý kiến của các đại diện ngành Dược phẩm Pháp, mong muốn Việt Nam hướng tới trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, ông Lê Văn Phúc cũng chia sẻ: Việt Nam vẫn đối mặt một số thách thức trong tiếp cận thuốc BHYT, giá thuốc phát minh cao, nguồn lực quỹ BHYT còn hạn chế... Do đó, việc phê duyệt danh mục thuốc BHYT phải được nhìn nhận tổng thể như: Khả năng chi trả của quỹ BHYT, sự hỗ trợ của công ty dược về giá cả để phù hợp với thị trường, lợi ích của người bệnh.

Trong bài trình bày về thực trạng chi trả KCB BHYT với bệnh mạn tính tại Việt Nam, đề cập các giải pháp đảm bảo công bằng trong KCB BHYT, phát triển hệ thống y tế cơ sở, BHXH Việt Nam đã đề xuất một số nội dung cần được quan tâm. Cụ thể: Quản lý KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến huyện, xã; cơ sở KCB tuyến tỉnh và Trung ương chỉ thực hiện KCB chuyên sâu; “thông tuyến” chỉ áp dụng đối với một số bệnh chuyên khoa (ung thư, HIV, tâm thần, ghép tạng…); bệnh nhân ở cơ sở y tế tuyến trên bắt buộc chuyển về tuyến dưới điều trị tiếp sau khi đã hết giai đoạn cấp tính; xây dựng Luật Phòng chống bệnh không lây nhiễm để quản lý sức khỏe tại cộng đồng; rà soát loại bỏ khỏi gói quyền lợi BHYT các loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ y tế chi phí lớn có tính chi phí-hiệu quả thấp; đổi mới phương thức thanh toán, đảm bảo chi trả hiệu quả KCB ngoại trú...

Tạp chí BHXH