Khám chữa bệnh BHYT: Bước đầu đáp ứng sự hài lòng của người bệnh

01/07/2011 07:01 AM


Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cùng đoàn công tác Bộ Y tế thăm và kiểm tra việc đảm bảo quyền lợicho người bệnh BHYT tại BV ĐK huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quang Mai


Phóng viên (PV): Sau 1 năm triển khai, thời gian chưa đủ dài để đánh giá một cách đầy đủ về Luật BHYT, song có thể nói rằng, luật đã thực sự tạo chuyển biến tích cực, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành và được người dân đồng tình hưởng ứng, góp phần đưa Luật BHYT dần đi vào cuộc sống. Xin Bộ trưởng chia sẻ những kết quả đạt được ban đầu đầy ý nghĩa này?
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: Năm 2010, cùng với những thành tựu chung của ngành, BHYT là một trong 10 thành tựu nổi bật. Đạt được kết quả này, cùng với sự nỗ lực của ngành y tế, còn sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã giám sát ghi nhận, tính đến ngày 31/12/2010, đã ban hành được 17 văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT. Như vậy sovới mặt bằng chung thì Luật BHYT được đánh giá là có văn bản hướng dẫn đầy đủ và đúng tiến độ nhất. Song song, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 38 về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”. Văn bản đã phát huy tác dụng lớn trong tuyên truyền, phổ biến, cùng với tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Kết quả chung nhất là, số người tham gia BHYT đã tăng từ 39,8 triệu người năm 2008 lên 50,8 triệu người (đầu năm 2011), đạt tỷ lệ bao phủ 60% dân số, trong đó có 8,1 triệu trẻ em dưới 6 tuổi; 13,5 triệu người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; 9,8 triệu học sinh - sinh viên; 690.000 người thuộc hộ cận nghèo...
Với chủ đề “BHYT - Chất lượng và sự hài lòng của người bệnh”, thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh toàn ngành đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đã thực hiện đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin; từng bước đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, nâng cao chất lượng KCB đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. So với năm trước, năm 2010, số lượt KCB BHYT đã tăng 24%, số thu BHYT tăng 91%. Năm 2010 cũng là năm Quỹ BHYT tự cân đối được thu chi, bắt đầu có kết dư.


Khám chữa bệnh BHYT ngày càng nâng cao về chất lượng. Ảnh: TM


Cùng với việc chỉ đạo nâng cao chất lượng KCB nói chung, chất lượng BHYT nói riêng, Bộ Y tế cũng đang khẩn trương triển khai thí điểm các phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT theo cơ chế định suất, theo trường hợp bệnh nhằm nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí BHYT, đồng thời góp phần giúp các bệnh viện chủ động trong điều hành kinh phí. Công tác quản lý nhà nước ở TW và địa phương đã được tăng cường cả về tổ chức bộ máy, nhân sự, lề lối làm việc, đảm bảo phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn.
Hiện tại Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ, mở rộng đối tượng tham gia BHYT; giảm thiểu khó khăn, phiền hà của người dân về thủ tục trong KCB BHYT; thanh toán chi phí KCB BHYT; quan hệ giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH; đặc biệt trong thanh toán BHYT cho các trường hợp tai nạn giao thông, bệnh mạn tính, người nghèo...
PV: Thưa Bộ trưởng, những kết quả đạt được về BHYT như trên có phần đóng góp của bộ máy truyền thông (trong đó có cuộc thi kiến thức  “Chính sách pháp luật về BHYT” trên báo Sức khỏe&Đời sống). Xin Bộ trưởng đánh giá vai trò của truyền thông về BHYT?
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: BHYT là một chính sách xã hội, vì vậy để triển khai có hiệu quả chính sách này cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, vai trò rất quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nâng cao hiểu biết và tự nguyện hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Thực tế cho thấy, các hoạt động truyền thông về BHYT thời gian qua với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân hiểu được những ưu việt của chính sách BHYT, tạo thuận lợi cho cả người tham gia BHYT, các cơ sở KCB và cơ quan quản lý Quỹ BHYT, giảm bớt những bức xúc trong thực hiện BHYT.
Tôi cũng đánh giá cao sáng kiến của báo Sức khỏe&Đời sống phối hợp với Vụ BHYT tổ chức cuộc thi kiến thức “Chính sách pháp luật về BHYT”. Đây là cuộc thi có số lượng người tham gia dự thi đông nhất so với các cuộc thi trước. Chứng tỏ người dân đã quan tâm, hiểu biết hơn về BHYT, tác động đến tham gia BHYT nhanh hơn, nhiều hơn.
PV: Để luật tiếp tục đi vào cuộc sống, tiến tới BHYT toàn dân, xin Bộ trưởng cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: Ngành y tế đang xây dựng Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục triển khai thực hiện Luật BHYT được đặt ra như một trong những mục tiêu quan trọng mạnh mẽ của chiến lược. Và để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHYT, sớm đạt mục tiêu BHYT toàn dân trong thời gian tới, xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
- Coi trọng tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT, giải đáp được những yêu cầu đang bức xúc từ cuộc sống.
- Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông BHYT, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc phổ biến, vận động và tổ chức thực hiện Luật BHYT; nâng cao hiểu biết, thường xuyên, đối thoại với nhân dân, tháo gỡ những vướng mắc, trở ngại thực hiện BHYT.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ KCB; thực hiện chăm sóc liên tục và chăm sóc toàn diện cho người bệnh; xây dựng chương trình bảo đảm và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. Kiểm soát kê đơn, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, đặc biệt lưu ý chống nguy cơ lạm dụng thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng, dịch vụ kỹ thuật cao. Xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng dịch vụ KCB từ Trung ương đến địa phương.
- Tăng cường, nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước BHYT từ Trung ương đến địa phương và mỗi đơn vị cơ sở. Tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện, đầy đủ việc thực hiện luật và các chính sách BHYT, chú trọng đến xây dựng mô hình tổ chức thực hiện và nội dung quản lý nhà nước sát hợp về BHYT theo thông báo số 137/TB-CPCP ngày 10/6/2011 của Văn phòng Chính phủ.
- Đồng thời, rất coi trọng đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính ngành y tế, tăng nhanh đầu tư công cho y tế. Đặc biệt, tổ chức thực hiện tốt chỉ đạo “Chuyển việc chi ngân sách nhà nước cho các cơ sở KCB sang chi trực tiếp cho người được hưởng BHYT thông qua việc hỗ trợ BHYT…” như đã ghi trong Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ ngày 18/4/2005, nhắc lại trong Chỉ thị của Ban Bí thư số 38- CT/TƯ ngày 7/9/2009 về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn SK&ĐS.