Cần có thêm tiêu chí về BHXH, BHYT khi xếp hạng doanh nghiệp

12/10/2011 06:55 AM


Tình hình mọi mặt của đất nước đã và đang có những bước chuyển mình quan trọng. Đời sống của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện. Để có được những thành tựu ấy, ngoài sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương phải kể đến sự đóng góp của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.
Ảnh minh họa (ST)
Với đội ngũ hùng hậu, các Doanh nghiệp không chỉ  tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập cho hàng triệu người lao động, mà còn là lực lượng chủ yếu đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Không những thế, hưởng ứng chủ trương xã hội hóa, nhiều Doanh nghiệp còn tích cực tham gia vào các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, các chương trình nhân đạo, từ thiện góp phần xóa đói giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài... với những đóng góp rất thiết thực. Từ nhiều năm nay, để ghi nhận sự phát triển và tôn vinh các Doanh nghiệp có nhiều đóng góp tích cực với xã hội và cộng đồng, Bộ Công thương, Bộ LĐTB&XH, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cũng như một số tổ chức đoàn thể, một số tỉnh, thành phố…kết hợp với một số cơ quan truyền thông hàng năm đã tổ chức bình xét, xếp hạng các Doanh nghiệp trên địa bàn và cả phạm vi toàn quốc. Đây là hoạt động nhằm vinh danh những doanh nghiệp vừa tổ chức sản xuất kinh doanh giỏi, làm tốt nghĩa vụ nộp thuế, vừa có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng. Chúng ta đã được biết đến các danh hiệu “Quả cầu vàng”, “Sao vàng đất Việt”, “Bông hồng vàng” mà cộng đồng trao tặng các Doanh nghiệp và những Doanh nhân tiêu biểu. Việc Doanh nghiệp, Doanh nhân được vinh danh, đồng nghĩa với việc thương hiệu Doanh nghiệp được khẳng định đã góp phần đem lại cho Doanh nghiệp những cơ hội phát triển mới, tốt đẹp hơn. Vì vậy đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa nhiều mặt đối với sự phát triển thịnh vượng của Doanh nghiệp.

Qua tìm hiểu được biết, việc xếp hạng Doanh nghiệp được qui định bởi hệ thống những tiêu chí rất cụ thể. Chẳng hạn qui định chung về thái độ chấp hành chính sách pháp luật, về hiệu quả tổ chức sản xuất kinh doanh và đáng chú ý nhất là qui định về việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước…có thể nói những tiêu chí này là hết sức quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên để đảm bảo sự toàn diện về giá trị xã hội của các “danh hiệu vàng” mà Doanh nghiệp, Doanh nhân được trao tặng, thiết nghĩ tiêu chí về chấp hành chính sách pháp luật cần phải được cụ thể hóa hơn nữa, nhất là những vấn đề có liên quan đến quyền lợi của người lao động trong bản thân mỗi Doanh nghiệp. Theo qui định của pháp luật, Doanh nghiệp ngoài việc chấp hành đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước, trả lương cho người lao động theo mức tiền công thỏa thuận ( hoặc theo qui định), cần phải đảm bảo một số quyền lợi cơ bản  khác của người lao động, trong đó có quyền được tham gia BHXH, BHYT. Theo qui định của luật, Doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Nếu đơn vị nào không thực hiện qui định này tức là vi phạm pháp luật. Từ đó thấy rằng việc xếp hạng doanh nghiệp cần thiết phải bổ sung tiêu chí qui định cụ thể về kết quả chấp hành luật BHXH, BHYT của các Doanh nghiệp. Một Doanh nghiệp được vinh danh là tiêu biểu, không thể là doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động.

Theo thống kê của cơ quan BHXH các địa phương, trong vài năm trở  lại đây tình trạng các doanh nghiệp trây ì, trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động đang trở nên khá nan giải. Tùy vào mức độ khác nhau đã có tới hàng chục ngàn doanh nghiệp trây ì, trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Chẳng hạn năm 2010, TP.HCM có trên 19.000 doanh nghiệp nợ BHXH của trên 687.000 lao động với tổng số tiền trên 373 tỷ đồng. Trong đó có đơn vị nợ BHXH lên đến 10 tỷ đồng và có những đơn vị nợ kéo dài nhiều năm vẫn chưa trả. Trong số đó, 205 doanh nghiệp có 10 lao động trở lên nợ gần 75 tỷ đồng tiền BHXH; doanh nghiệp nợ BHXH từ 12 tháng trở lên là 84 tỷ đồng. Tương tự như vậy, hiện nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực GTVT, cơ khí, xây dựng, dệt - may, vận tải biển, chế biến nông sản thực phẩm, kinh doanh thương mại…cũng như hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ khác trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác cũng đang trong tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng trăm ngàn người lao động. Trong đó đáng lưu ý nhất là việc đảm bảo quyền được hưởng trợ cấp xã hội, quyền được hỗ trợ chi trả của người lao động khi đau ốm,  bệnh tật, thai sản hoặc gặp những rủi do về nghề nghiệp…Sẽ là rất không công bằng và không xứng đáng khi vinh danh những doanh nghiệp chỉ chú trọng đến việc hoàn thành  nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước, thậm chí rất tích cực tài trợ, ủng hộ các chương trình nhân đạo, từ thiện cho cộng đồng… nhưng lại quên nghĩa vụ, trách nhiệm đóng BHXH, BHYT cho chính những người lao động đang nỗ lực làm việc vì sự thịnh vượng của Doanh nghiệp.

Theo thông lệ, việc xếp hạng các Doanh nghiệp năm 2011 chắc chắn sẽ được diễn ra.  Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn doanh nghiệp sẽ lại  được các hội đồng bình xét, lựa chọn. Để việc tôn vinh sự cống hiến của các Doanh nghiệp đảm bảo khách quan, toàn diện,  thiết nghĩ với tư cách là cơ quan có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm  xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm y tế tự nguyện… đối với các nhóm đối tượng theo qui định của Luật trong đó có các Doanh nghiệp. Cơ quan Bảo hiểm xã hội nên được cử đại diện tham gia thành viên Hội đồng tuyển chọn, xếp hạng Doanh nghiệp tại các địa phương, cũng như của quốc gia. Trường hợp không được cử đại diện tham gia thì cơ quan BHXH các cấp nên chủ động cung cấp  danh tính, kết quả tham gia BHXH, BHYT của các Doanh nghiệp trong danh sách dự kiến xếp hạng để Hội đồng tham khảo và coi đó như một điều kiện cần thiết để xem xét, xếp hạng Doanh nghiệp.

Đức Toàn